Multimedia Đọc Báo in

Để đường Hồ Chí Minh là tuyến đường đẹp nhất Tây Nguyên

14:27, 21/02/2015

Với các biện pháp chỉ đạo cứng rắn, quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải, đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực của Ban Quản lý dự án, công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công đường Hồ Chí Minh đang diễn ra rất khẩn trương. Trên toàn tuyến đường, các thiết bị thi công cơ giới và công nhân đều gấp rút làm việc với tinh thần đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình để đường Hồ Chí Minh là tuyến đường đẹp nhất Tây Nguyên.

Nhà thầu nỗ lực vượt khó 

Đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ) qua Tây Nguyên và Bình Phước được nâng cấp, mở rộng từ Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) với tổng chiều dài 553 km, gồm 6 dự án Trái phiếu Chính phủ (TPCP) và 5 dự án BOT. Điển hình trong việc tăng tốc tiến độ phải kể đến gói thầu số 9, 9A, đoạn qua huyện Krông Buk, tỉnh Dak Lak bằng nguồn vốn TPCP của nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Sài Gòn (TP. Buôn Ma Thuột) và gói thầu của Liên danh Toàn Mỹ 14 - Băng Dương (TP. Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư, bằng hình thức BOT (đoạn qua tỉnh Dak Nông).

Ban Quản lý Dự án Toàn Mỹ 14 giám sát nhà thầu thi công.
Ban Quản lý Dự án Toàn Mỹ 14 giám sát nhà thầu thi công.

Gói thầu số 9A (km1729+491 - km1732+421) có tổng chiều dài gần 3 km do Liên danh nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Sài Gòn và CTCP Licogi 9.2 đảm nhiệm thi công; gói thầu số 9 (km1732+421 - km1733+461), với chiều dài hơn 1 km do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Sài Gòn thi công. Có mặt tại công trình đường Hồ Chí Minh vào một ngày cuối năm, trong điều kiện thi công ở một khu vực tập trung đông dân cư - rất khó cho việc triển khai các hạng mục của công trình, mới thấy được tinh thần vượt khó của cán bộ quản lý, công nhân đang dốc sức cho dự án trọng điểm này. Dẫn phóng viên đi dọc tuyến, ông Lê Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Sài Gòn vui mừng cho biết: “Dưới sự giám sát chặt chẽ của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, chúng tôi đang đốc thúc anh em công nhân làm việc 3 ca/ngày, phấn đấu đến hết tháng 4-2015 sẽ thông tuyến, vượt trước 6 tháng so với tiến độ đề ra của Bộ GTVT”. Được biết, đến nay tiến độ thi công gói thầu 9A đạt 180% kế hoạch, gói thầu số 9 đạt 204% kế hoạch. Hiện nhà thầu đã thi công được 90% hệ thống thoát nước, tập kết 80% nguồn vật liệu, riêng gói thầu 9A đang triển khai thi công các hạng mục như hệ thống cống dọc, mương xả, cấp phối đá dăm và một số đoạn đang thảm nhựa.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công 2 gói thầu này, nhà thầu phải đối mặt với vô vàn khó khăn, trong đó phải kể đến việc tiếp nhận gói thầu 9A từ CTCP Sông Hồng 36 (nhà thầu bị cắt hợp đồng do sai phạm trong quá trình thực hiện) trong thời điểm mùa mưa Tây Nguyên; thêm vào đó, hàng loạt hạng mục đang thi công dang dở, khiến việc tiếp nhận không mấy dễ dàng. Ngoài ra, cả 2 gói thầu đều đi qua khu vực tập trung nhiều dân cư như qua chợ Pơng Đrang, nhiều phương tiện giao thông qua lại, nhiều cửa hàng nông sản… ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thi công, nhất là việc triển khai hạng mục lắp đặt ống cống vì đây là hạng mục ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại của người dân địa phương. Đánh giá về năng lực thi công của nhà thầu, ông Phạm Quang Nghiêm, Trưởng phòng Quản lý dự án công tư, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho hay, Công ty tiếp nhận gói thầu 9A trong điều kiện cực kỳ khó khăn, nhưng nhờ có năng lực thi công tốt, cả 2 gói thầu do Công ty đảm nhiệm đều thực hiện khối lượng thi công đạt và vượt tiến độ đã cam kết với chủ đầu tư. Qua theo dõi, giám sát quá trình thực hiện trên công trường, Ban đánh giá rất cao tinh thần vượt khó của nhà thầu; sự đóng góp này đã và đang góp phần bảo đảm tiến độ của gói thầu nói riêng, toàn Dự án đường Hồ Chí Minh nói chung.

Dự án BOT dẫn đầu về tiến độ

Dự án đường Hồ Chí Minh (từ đoạn km 1793+600 đến km1824+00 (qua tỉnh Dak Nông) có tổng chiều dài toàn tuyến 29 km, được chia thành 7 gói thầu, trong đó có 5 gói thầu xây lắp, 1 gói trạm thu phí và 1 gói hệ thống an toàn giao thông. Đây là dự án bằng hình thức BOT được đánh giá có năng lực tốt, chủ động nguồn vốn, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thi công nên đã vượt tiến độ đề ra. Cụ thể, dự án đã lắp đặt 2 trạm trộn bê tông nhựa nóng với công suất 120 tấn/giờ, bảo đảm cung cấp đủ bê tông nhựa cho toàn bộ dự án. Cùng với đó, chủ đầu tư cũng đã bố trí 1 phòng thí nghiệm hiện trường với đầy đủ máy  móc thiết bị, nhân viên để thực hiện công tác thí nghiệm phục vụ triển khai dự án… Tranh thủ những tháng mùa khô ở Tây Nguyên, chủ đầu tư tích cực động viên, khuyến khích và đôn đốc các nhà thầu huy động tối đa cán bộ, kỹ sư, công nhân và hàng trăm máy móc, thiết bị các loại tổ chức thi công ngày và đêm trên gói thầu đơn vị đảm nhiệm. Không khí lao động sản xuất trên tuyến diễn ra sôi nổi, khẩn trương để đạt được kế hoạch đưa ra từ nay đến Tết Nguyên đán 2015 sẽ thảm bê tông nhựa lớp 1, bảo đảm giao thông êm thuận cho người dân đi lại đón Tết. Ông Phan Thanh Nhàn, cán bộ điều hành dự án (Toàn Mỹ 14) cho biết, việc triển khai công trình trên tuyến vừa thi công vừa khai thác nên các nhà thầu gặp nhiều khó khăn. Do đó, để bảo đảm đúng tiến độ vừa không làm ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như đời sống người dân dọc 2 bên tuyến, chủ đầu tư khuyến khích nhà thầu tranh thủ làm ca đêm - thời điểm có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông ít. Với sự đôn đốc thường xuyên của Ban QLDA Toàn Mỹ 14 và nỗ lực từ đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trình, đến cuối tháng 11-2014, tổng sản lượng thi công trên tuyến được trên 238 tỷ đồng, đạt gần 53% kế hoạch.

Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Sài Gòn tập trung máy móc thi công móng cấp phối chuẩn bị cho công đoạn thảm nhựa mặt đường.
Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Sài Gòn tập trung máy móc thi công móng cấp phối chuẩn bị cho công đoạn thảm nhựa mặt đường.

Không chỉ là đơn vị tiêu biểu trong việc đẩy nhanh tiến độ công trình, Công ty Toàn Mỹ 14 luôn chú trọng gắn trách nhiệm với địa phương và người dân trong vùng dự án đi qua. Đơn cử vào tháng 8-2014 tại km1809+320 đến km1809+483 (đoạn qua xã Dak Gằn, huyện Dak Mil, tỉnh Dak Nông) xảy ra tình trạng sạt lở, ảnh hưởng đến hộ ông Hoàng Văn Thắng, nhà ở bên dưới chân ta luy (cách vị trí chân ta luy đường 70 mét). Ngay sau khi nhận được tin báo từ chính quyền địa phương về sự việc này, chủ đầu tư cùng nhà thầu đã tiến hành khảo sát hiện trường và hỗ trợ 20 triệu đồng cho hộ dân bị ảnh hưởng. Đại diện chủ đầu tư, bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty Toàn Mỹ 14 nhấn mạnh: “Quá trình triển khai thi công, chủ đầu tư đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền và đồng bào nơi dự án đi qua. Nhờ đó, dự án thi công nhanh theo đúng tiến độ đồng nghĩa mang lại lợi ích thiết thực cho chính người dân nơi đây. Vì vậy, trách nhiệm của chủ đầu tư với địa phương và người dân là không thể tách rời. Với tư cách là nhà đầu tư dự án, khi đặt chân lên Tây Nguyên, chúng tôi có hai nguyện vọng lớn đó là đầu tư xây dựng Quốc lộ 14 bảo đảm chất lượng, kịp tiến độ góp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đất giàu tiềm năng này và chia sẻ những khó khăn với đồng bào nghèo. Thực tế, trong quá khứ, chúng tôi đã từng gắn bó với đồng bào bằng việc tài trợ xây cầu treo bắc qua sông Pô Kô (tỉnh Kon Tum) vào năm 2010 để giúp bà con và các em nhỏ đi lại an toàn; trao tặng 10 tấn gạo cho hộ nghèo 2 huyện Cư Jut và Dak Mil (tỉnh Dak Nông) cuối năm 2013”. 

Nói về tầm quan trọng của Dự án, ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên khẳng định đường Hồ Chí Minh là công trình trọng điểm mang tầm Quốc gia được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, Bộ Giao thông Vận tải triển khai quyết liệt. Với tầm quan trọng đó, tại Hội nghị giao ban báo chí về Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, đồng chí đề nghị chủ đầu tư và các nhà thầu tranh thủ những tháng mùa khô năm 2014 thi công đồng loạt lớp cấp phối đá dăm và bê tông nhựa, phấn đấu đến Tết 2015 có 50-70% chiều dài tuyến được thảm bê tông nhựa và đến cuối tháng 10-2015 hoàn thành toàn bộ dự án.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc