14:29, 25/02/2015
Đảm nhận vai trò cầu nối, đứng ra tín chấp nguồn vốn, cung ứng vật tư nông nghiệp để hỗ trợ nông dân, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thủy sản Ea Tung – Đrai (xã Ea Na, huyện Krông Ana) đang góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững cho nông dân trên địa bàn.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thủy sản Ea Tung – Đrai (HTX) được thành lập vào tháng 10-2013 với 45 thành viên. Ông Lê Văn Trọng, Giám đốc HTX cho biết: “Vùng đất này nằm ven sông và hồ thủy điện Buôn Kuốp nên diện tích mặt nước rộng, đất đai màu mỡ, thuận lợi cho việc trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Nhận thấy tiềm năng của vùng đất nên sau một thời gian nghiên cứu các mô hình HTX của xã bạn, cũng như hiệu quả, lợi ích mang lại cho hội viên, chúng tôi tiến đến thành lập HTX này”. Việc thành lập HTX gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khâu thu hút thành viên tham gia. Lý do bởi đa phần các hộ dân ở đây đều là đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 50% thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Bản thân các hộ lại chưa nắm rõ về hoạt động của HTX. “Để thuyết phục người dân tham gia, chúng tôi đã chia nhau đến tận nhà phân tích quyền và nghĩa vụ của hội viên khi tham gia HTX. Qua những lần như vậy, người dân nhận thấy được quyền lợi của mình nên đã tự nguyện đăng ký”, ông Trọng chia sẻ.
Từ khi được thành lập, HTX trở thành cầu nối hỗ trợ các xã viên trong sản xuất nông nghiệp. HTX hoạt động theo phương thức giao tay 3, tức là sẽ đứng ra đại diện cho người nông dân gặp gỡ các nhà đầu tư, tín chấp mua cây, con giống và các loại phân bón trả chậm để hỗ trợ nông dân sản xuất. Sau khi có sản phẩm, HTX sẽ đỡ đầu, tìm nguồn tiêu thụ với mức giá cao và ổn định, tránh tình trạng bị tiểu thương ép giá. Từ khi tham gia vào HTX nông nghiệp, gia đình anh Y Minh Knul (buôn Đrai) đã bớt đi nỗi lo tìm nguồn vốn để mua phân bón mỗi khi vào mùa vụ. “Gia đình có hơn 1 ha cà phê. Nhớ trước đây, cứ đầu mỗi vụ sản xuất, 2 vợ chồng phải chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền mua phân bón. Có thời điểm không mua được phân, cây trồng không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng nên năng suất, chất lượng rất kém, dẫn đến năm đó mất mùa. Đến khi tham gia HTX, gia đình tôi được mua phân bón theo phương thức trả chậm nên không còn áp lực như trước nữa. Cũng nhờ thế mà cây trồng được bón phân đúng kỳ, năng suất cải thiện rõ rệt. Đời sống gia đình đổi thay cũng nhờ tham gia HTX”, anh Y Minh phấn khởi.
|
Chị H’Djong Knul bên đàn heo rừng giống được mua trả chậm khi tham gia HTX. |
Gia đình chị H’Djong Knul (thôn Ea Tung) tham gia HTX hơn 1 năm nay. Từ chỗ tự lo tiền mua phân, con giống, nay gia đình được hỗ trợ mua phân bón, heo giống trả chậm nhờ vậy đời sống khấm khá hơn hồi chưa vào HTX. “Mình cũng muốn chăn nuôi nhưng không biết tìm đâu ra vốn. Khi hiểu lợi ích tham gia HTX, mình đăng ký ngay. Do được mua tín chấp con giống trả chậm, mình mạnh dạn mua 4 con heo rừng về nuôi. Nuôi heo rừng thật ra không khó vì mình nuôi theo hình thức chăn thả, thức ăn chủ yếu là nguồn có sẵn trong tự nhiên và có thể tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn có từ gia đình. Heo rừng sinh sản 1 năm 2 lứa, mỗi lứa từ 7-10 con. Sau khoảng 6 tháng heo con đạt 10kg/con, bán với giá 250.000 đồng/kg heo giống. Sau khi trừ khoản trả chậm, gia đình vẫn còn số tiền tích lũy, nuôi con cái ăn học”, chị H’Djong cho biết.
Ngoài việc hỗ trợ nông dân trong chăn nuôi, HTX cũng đang tích cực giúp bà con phát huy thế mạnh về nuôi trồng thủy sản. Hiện tại, HTX có hơn 20 ha diện tích mặt nước, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, hướng tới phát triển nuôi cá lồng để cung ứng nguồn sản phẩm chất lượng cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều HTX khác, việc tiếp cận với nguồn vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất đang gặp nhiều khó khăn. Để HTX hoạt động ổn định và bền vững rất cần đến sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp để tìm được nguồn ra ổn định, giúp nông dân yên tâm phát triển kinh tế.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc