Multimedia Đọc Báo in

Hướng mở cho sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột

20:08, 26/02/2015

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ nhì thế giới, thứ nhất về cà phê Robusta, trong đó Dak Lak là vùng đất sản xuất ra những hạt cà phê ngon nhất thế giới gắn liền với thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, chiếm khoảng 50% sản lượng cà phê cả nước.

Tuy nhiên việc phát triển kênh thương mại chưa xứng tầm khiến thương hiệu đó bị đánh cắp và phải mất không ít thời gian công sức để đòi lại; bên cạnh đó là giá cả bấp bênh, không làm chủ được thị trường. Năm 2008 Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột được thành lập nhằm mục đích kết nối hàng hóa, trọng tâm là cà phê; tuy nhiên do thiếu vốn, cơ chế, nhiều người dân chưa được tiếp cận với hình thức giao dịch hàng hóa khiến hoạt động của trung tâm không đạt hiệu quả. 

Theo số liệu thống kê của Sở NN & PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 80% diện tích cà phê do các hộ nông dân quản lý, đầu tư, chăm sóc; vì vậy phần lớn hoạt động mua bán cà phê diễn ra sôi động ngay sau vụ thu hoạch chủ yếu theo phương thức ký gửi cà phê của người nông dân cho các công ty, đại lý, đến khi đạt được mức giá như mong muốn thì mới bán. Các đại lý thường mua bán với nhau và với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê trong nước cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo các mức giá khác nhau khiến năng lực cạnh tranh giảm sút khi tham gia giao dịch quốc tế. Bà Lê Thị Mỹ Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, phương thức giao dịch này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do biến động giá đối với cả bên bán và bên mua: bên mua sẽ không biết trước thời điểm chốt giá của người dân (bên bán) để chuẩn bị phương án kinh doanh, còn bên bán khi vào thời gian giáp hạt (thời điểm trước vụ thu hoạch) giá thường tăng mạnh nhưng bà con lại không còn hàng để bán, nên không tận dụng được cơ hội giá cao.

Còn các doanh nghiệp xuất khẩu mong muốn được bán hàng cho các đối tác, nhà rang xay nên đã và đang kinh doanh các sản phẩm nông sản trên các sàn giao dịch nước ngoài như tại NYBOT hoặc LIFFE nhưng thực tế họ vẫn đang giao dịch thông qua các nhà đầu cơ chứ không phải giao dịch qua Sở giao dịch, bị các nhà đầu cơ lớn trên thế giới thao túng, bị động về thời gian và khối lượng, chất lượng, giá cả nên thường xuyên bị ép cấp, ép giá, nhiều đơn vị chấp nhận mức trừ lùi 100 - 150 USD/tấn chỉ để bán được hàng. Đặc biệt là vấn đề biến động tỷ giá USD/VND dẫn đến các nhà kinh doanh, chế biến cà phê Việt Nam thua lỗ trong đầu tư tài chính thay vì được bảo hiểm hàng hóa của mình. 

Công nhân đóng cà phê tại kho của Công ty cà phê Thắng Lợi.
Công nhân đóng cà phê tại kho của Công ty cà phê Thắng Lợi.

Tháng 12 - 2014, UBND tỉnh Dak Lak đã phê duyệt đề án thành lập công ty cổ phần trên cơ sở chuyển đổi từ Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột trước đây. Bà Tâm phân tích, thương mại là lĩnh vực đòi hỏi sự nhanh nhạy, việc thành lập công ty cổ phần sẽ giúp đơn vị tự chủ về kinh tế, đặc biệt là phần tự quyết về các quyết định trong giao dịch hàng hóa để nắm bắt thời cơ trong kinh doanh. Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng có công văn số 7161/VPCP-KTTH về việc thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định 158/2006/NĐ-CP, theo đó mô hình hoạt động của Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột sẽ hoạt động theo hướng hợp tác, kết nối với các Sở giao dịch hàng hóa khu vực và trên thế giới. Được biết, việc mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa đã tồn tại trên thế giới từ khá sớm: CBOT của Mỹ (1848), Malaysia (1980), Trung Quốc (1988), Thái Lan (1999), và xu thế tất yếu sẽ phát triển trong tương lai. Năm 2009, Sàn giao dịch hàng hóa Chicago - CME Group và Bursa Malaysia Berhad đã thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược thông qua việc góp vốn thành lập Bursa Malaysia Derivatives Berhad nhằm mục đích đóng góp vào sự tăng trưởng của thị trường tài chính Malaysia bằng cách thúc đẩy sự kết nối mang tính toàn cầu đến với thị trường phát sinh Malaysia, từ đó đến nay giá dầu cọ của Malaysia luôn đứng vị trí cao nhất trên trường quốc tế.

Bà Lê Thị Mỹ Tâm cho biết, Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột đang xây dựng đề án kết nối hàng hóa với sàn giao dịch quốc tế, theo đó sẽ thành lập sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột dưới hình thức doanh nghiệp và công ty cổ phần với tên gọi đầy đủ Công ty Cổ phần Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột. Sàn giao dịch hàng hóa trong tương lai sẽ liên kết với sàn LIFFE (Anh) hoặc ICE (Mỹ) về lĩnh vực cà phê, ca cao… Theo đó, các nhà thu mua cà phê sẽ kết nối mua, bán trực tiếp qua sàn giao dịch BCEC trực tiếp tại sàn, điện thoại hoặc trực tuyến thay vì qua đầu mối trung gian như cách thức giao dịch hiện nay. Mức giá giao dịch mỗi chiều dự kiến là 20.000 đồng/tấn (40.000 đồng/tấn 2 chiều); thời gian giao dịch từ 9 - 15 giờ từ thứ 2 đến thứ 6; thanh toán bằng đồng tiền chuyển đổi. Khi tham gia giao dịch qua sàn giao dịch các nhà đầu tư là chủ thể sản xuất cà phê sẽ bán được giá tốt hơn, sử dụng giá của sàn giao dịch - giá quốc tế làm tham chiếu, không bị trừ lùi và luôn được duy trì ở mức ổn định theo sản lượng cà phê thế giới. Các nhà đầu cơ sẽ được hưởng sự chênh lệch giá trong giao dịch mua bán nếu phân tích được xu hướng biến động của giá cà phê trên thị trường thế giới, còn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê sẽ chủ động được nguồn cung, cân đối giá cả trong hoạt động xuất nhập khẩu. Về chiến lược vĩ mô, sàn giao dịch sẽ góp phần phát triển kinh tế theo hướng có nhiều thành phần, tăng nguồn thu ngân sách qua thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp…, hoàn thành thị trường tài chính, chứng khoán, tiền tệ, hàng hóa…

Chính phủ sẽ có một cơ chế để điều tiết giá cả các mặt hàng có niêm yết, cũng như thực hiện vai trò cán cân thanh toán quốc gia. Quan trọng hơn, giá cả các mặt hàng được niêm yết trên sàn giao dịch ngang bằng với thế giới khi có cùng chất lượng giúp thị trường trong nước hội nhập sâu rộng với các thị trường của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hoài Hương

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.