Multimedia Đọc Báo in

Không để bùng phát dịch bệnh gia súc gia cầm dịp Tết

20:43, 15/02/2015
Dịp Tết, nhu cầu chế biến thực phẩm phục vụ Tết của người dân tăng cao nên sản lượng các sản phẩm động vật nhất là các loại thịt như heo, bò, gà… cũng tăng theo; các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm (GSGC) tăng trong thời điểm giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại bệnh nguy hiểm trên đàn GSGC phát sinh lây lan thành dịch.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi dịp trước, trong và sau Tết, ngành Thú y tỉnh đã thực hiện đồng loạt các biện pháp kiểm tra kiểm soát giết mổ, vận chuyển như: duy trì các hoạt động chuyên môn thường xuyên để phòng chống dịch bệnh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế tuyên truyền đến người dân về tác hại của những dịch bệnh nguy hiểm để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, kịp thời khai báo khi vật nuôi bị bệnh; các trạm thú y huyện, thành phố, thị xã giám sát, phát hiện các loại dịch bệnh tại các chợ, trại chăn nuôi, điểm bùng phát dịch bệnh cũ, các cơ sở giết mổ GSGC tập trung; chốt chặn tại 5 chốt kiểm dịch động vật đầu mối tổ chức trực 24/24 giờ kể cả ngày Tết để kiểm soát động vật ra vào tỉnh và sản phẩm động vật cung cấp cho siêu thị, chợ đầu mối; tổ chức tập huấn kiểm tra kiểm soát giết mổ cho các cán bộ kiểm tra kiểm soát tại các cơ sở giết mổ GSGC tập trung; thành lập đoàn kiểm tra của chi cục; triển khai tháng tiêu độc khử trùng (10-1 đến 10-2) tại các cơ sở giết mổ GSGC, trang trại chăn nuôi, chợ đầu mối… với 4.000 lít hóa chất để phun khử trùng cho các điểm phát dịch cũ, trang trại chăn nuôi…; vận động, tuyên truyền người dân tiêm phòng dịch bệnh cho GSGC đầy đủ, định kỳ theo đúng kỹ thuật…

Chi cục Thú y tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 37 cơ sở giết mổ GSGC đạt loại B, có từ 2 – 3 cán bộ thú y kiểm tra, kiểm soát giết mổ trước, trong và sau khi giết mổ. Theo đó, GSGC trước khi nhập vào các cơ sở giết mổ tập trung phải xuất trình các giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ: trên địa bàn tỉnh thì kiểm tra giấy chứng nhận tiêm phòng; heo từ các địa phương khác nhập về ngoài giấy chứng nhận tiêm phòng, các thương lái phải xuất trình giấy kiểm dịch xuất, nhập heo do cán bộ thú y tại nơi nuôi heo cấp. Heo sau khi nhập vào cơ sở sẽ được tắm rửa sạch sẽ. Sau 30 phút, cán bộ thú y tiến hành kiểm tra từng con bằng cảm quan và đánh dấu thứ tự những con heo đạt chuẩn. Loại bỏ những con heo có các dấu hiệu bệnh như: heo tai xanh, lở mồm long móng, tụ huyết trùng… Công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ được thực hiện song song với thời gian hoạt động giết mổ tại các cơ sở, sản phẩm động vật sau khi giết mổ sẽ được thú y kiểm tra lại lần cuối và đóng dấu kiểm dịch, đưa ra thị trường.

Ông Nguyễn Khắc Chuyên, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, đối với gà đặc biệt chú ý dịch cúm bởi bên cạnh H5N1, Dak Lak đã từng xuất hiện cúm A H5N6, đây là bệnh có nguy cơ lây lan từ gia cầm sang người do vậy việc lấy mẫu kiểm tra được tăng cường thực hiện thường xuyên. Còn với heo, bò, trâu đặc biệt chú ý tới bệnh lở mồm long móng, bệnh heo tai xanh. Ngoài ra, Chi cục còn ký cam kết với các cơ sở giết mổ GSGC không bơm nước vào gia súc để tăng trọng lượng. Tuy nhiên, để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng vẫn phải chú trọng lựa chọn nguồn thực phẩm đã được cơ quan thú y đóng dấu kiểm dịch và bày bán tại các cửa hàng uy tín.

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.