Multimedia Đọc Báo in

Mứt truyền thống lên ngôi

10:40, 06/02/2015
Những năm gần đây, mối lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng tăng cao, đặc biệt là dịp lễ, tết nên người tiêu dùng dần thay đổi thói quen lựa chọn mứt tết, ưu tiên sử dụng các sản phẩm truyền thống được chế biến thủ công.

Với hơn 10 năm kinh doanh bánh kẹo tại chợ Buôn Ma Thuột, bà Nguyễn Thị Thúy cho biết, ngày nay đời sống của người dân được nâng cao nên nhu cầu sử dụng các thức quà vặt như bánh, kẹo, mứt… cũng thay đổi theo. Bên cạnh nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam thì yếu tố nguyên liệu cũng được người tiêu dùng quan tâm. Theo đó, các sản phẩm từ thiên nhiên, màu sắc tuy không bắt mắt nhưng vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Khách hàng mua đầy đủ các loại, mỗi thứ một ít chủ yếu chỉ để chưng, chỉ những sản phẩm ưa thích hoặc ngon thì mua nhiều hơn. Do vậy, năm nay bên cạnh các loại mứt do các doanh nghiệp Việt sản xuất bà còn bán mứt truyền thống do gia đình tự chế biến khi khách hàng có nhu cầu.

Chị Nguyễn Thị Hạnh đang làm mứt cà phê để giao cho khách.
Chị Nguyễn Thị Hạnh đang làm mứt cà phê để giao cho khách.

Nắm bắt được xu hướng sử dụng các sản phẩm truyền thống, hai năm trở lại đây chị Nguyễn Thị Hạnh ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn đã tự chế biến các loại mứt tết truyền thống để bán cho bạn bè, người thân qua các trang mạng xã hội như mứt dừa năm màu, cà rốt, bí, gừng... Chị cho biết, mứt truyền thống rất dễ chế biến, công thức sản xuất được chia sẻ rất nhiều trên mạng nhưng không phải ai cũng có thời gian để làm. Giá mứt dừa cà phê,  mứt dừa gấc, củ dền, lá dứa 170.000 đồng/kg, mứt dừa ca cao 180.000 đồng/kg, mứt dừa thập cẩm 190.000 đồng/kg…, đắt hơn các loại mứt khác từ 10.000 – 30.000 đồng/kg nhưng vẫn được nhiều người mua. Ban đầu khách hàng chỉ mua vài lạng, nửa ký phối trộn các loại, nếu thấy mình làm đạt chất lượng, ăn ngon hơn họ lại đặt thêm rồi giới thiệu cho bạn bè. Còn với chị Nguyễn Thị Hằng, công nhân một công ty trên đường Phan Huy Chú cho hay, khoảng 3 năm trở lại đây, cứ vào cuối năm, chị thường thức đêm để làm mứt các loại bán cho bạn bè để kiếm thêm thu nhập. Tùy vào yêu cầu của khách hàng mà người chế biến tăng giảm lượng đường, giảm độ cay của mứt gừng… nhưng xu hướng chung vẫn là giảm độ ngọt của mứt. Bình quân mỗi mùa tết, chị thu về khoảng vài triệu đồng, một số tiền khá lớn đối với những công nhân làm công ăn lương như chị.

Chị Phạm Thị Huệ, đường Lê Chân (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, Tết năm trước, khi đến chơi nhà một người quen, chị đã được thưởng thức mứt dừa vị ca cao, được làm thủ công truyền thống thấy rất thơm ngon nên năm nay chị đã đặt mua mứt vị cà phê, ca cao, lá dứa, mứt gừng, cà rốt… Tuy mứt truyền thống màu sắc, bao bì không bắt mắt, sặc sỡ như các loại mứt khác nhưng khi ăn sẽ dễ dàng cảm nhận được vị thơm, ngon tự nhiên của các nguyên liệu đặc trưng. Ngoài mứt dừa chị còn đặt mua thêm các loại trái cây sấy như quất, nho… handmade để chưng tết. Còn với chị Nguyễn Thị Hồng Hoa, ở phường Tân Tiến cho hay, vài năm trở lại đây, cứ vào đầu tháng Chạp chị lại rủ bạn bè đi mua nguyên liệu và tổ chức làm mứt tết các loại để sử dụng và làm quà… Vừa làm mứt vừa tổ chức tất niên nên không khí rất đầm ấm, vui vẻ.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.