Ngân hàng góp sức vào sự phát triển của địa phương
Năm 2014, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành Ngân hàng đã thực hiện quyết liệt các giải pháp tiền tệ - tín dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Nỗ lực tăng trưởng
Nhận định trước tình hình khó khăn trên địa bàn, ngay từ đầu năm 2014, các tổ chức tín dụng đã xác định rõ mục tiêu hoạt động và các giải pháp tín dụng, lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Thực tế là trong khoảng 3 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng luôn ở mức tăng trưởng âm (-). Trước thực trạng đáng ngại đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Dak Lak đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện quyết liệt các giải pháp tiền tệ - tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), hộ gia đình; tập trung nguồn vốn để cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho các DN, hộ gia đình tiếp cận vốn vay để sản xuất kinh doanh. Với những giải pháp quyết liệt, từ tháng 4, tín dụng đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại và đạt tốc độ tăng trưởng đều theo từng tháng. Tính đến hết năm 2014, dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 45.119 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Một tín hiệu đáng mừng là cho vay một số ngành, thành phần kinh tế trọng điểm của tỉnh đạt mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng chung như ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 23,4%; khu vực kinh tế tư nhân, cá thể tăng 16,7% so với đầu năm…
Trong cơ cấu dư nợ phân theo kỳ hạn, dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm 42,1% tổng dư nợ và đạt mức tăng trưởng 22,1% tổng dư nợ so với đầu năm, cho thấy các tổ chức tín dụng đã tạo điều kiện cho DN vay vốn trung, dài hạn để đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, huy động vốn năm 2014 cũng đạt kết quả lớn nhất trong gần chục năm trở lại đây khi trong năm đã huy động được 25.239 tỷ đồng, tăng 22,3% so với đầu năm. Đáng lưu ý là huy động vốn có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đạt 11.548 tỷ đồng (chiếm 46,7% tổng huy động vốn). Kết quả này chứng tỏ chính sách về lãi suất của NHNN đã phát huy tác dụng, cơ cấu nguồn vốn chuyển biến theo hướng tích cực khi chuyển dần dần sang những kỳ hạn dài, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc mở rộng cho vay các kỳ hạn dài hơn.
Khách hàng đang giao dịch tại Vietinbank Chi nhánh Dak Lak. |
Sát cánh cùng doanh nghiệp
Trên đây là những con số tăng trưởng vô cùng ý nghĩa đối với không chỉ của riêng ngành ngân hàng mà còn cả với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nếu biết rằng, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm đến 45% trong ngành kinh tế của địa phương, trong khi đó DN nhỏ và vừa chiếm đến trên 90% tổng số DN hoạt động trên địa bàn tỉnh. Như khẳng định của Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Dak Lak Tăng Hải Châu, cái “được” lớn nhất của ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong năm qua không chỉ ở tốc độ tăng trưởng mà chính là sự “kề vai sát cánh” cùng DN vượt qua khó khăn. Cùng với việc thực hiện hiệu quả cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ để tạo điều kiện cho DN được vay các khoản vay mới giúp DN tạm vượt qua khó khăn, tái tạo sức sản xuất, nhiều ngân hàng đã áp dụng các biện pháp khác nhau để giảm chi phí, từng bước giảm mặt bằng lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với khách hàng. Mặt bằng lãi suất năm 2014 đã giảm 1,5% đến 2%/năm so với cuối năm 2013, tiếp tục hỗ trợ sản xuất kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát được lạm phát, hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Với cách làm đó, dư nợ cho vay lãi suất cao (trên 13%) chỉ còn 4.452 tỷ đồng, chiếm 9,9% tổng dư nợ, đây là tỷ lệ rất thấp so với con số 15% của cả nước.
Ông Tăng Hải Châu cho biết, một điểm khác biệt của hoạt động ngân hàng trên địa bàn trong năm vừa qua là việc tham gia giúp DN thực hiện tái cơ cấu, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh thậm chí giúp DN bán nợ đối với những khoản đầu tư không thật sự hiệu quả, đã thổi một làn sinh khí mới vào hoạt động của cộng đồng DN trên địa bàn. Thông qua chương trình kết nối DN, các ngân hàng tích cực chủ động tìm kiếm những DN có uy tín, có phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả để hỗ trợ vốn. Tất cả các nỗ lực đó để hướng tới mục tiêu cuối cùng là những hợp đồng tín dụng mới được ký kết tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh và việc làm cho địa phương. Chỉ tính riêng trong một hội nghị kết nối ngân hàng - DN vào giữa năm, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng tín dụng ưu đãi cho 19 DN với hạn mức tín dụng lên đến 635 tỷ đồng. Bằng những biện pháp chủ động của ngành ngân hàng, bất chấp khó khăn của nền kinh tế, kết quả cho vay DN của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2014 vẫn đạt được 13.125 tỷ đồng, chiếm 29,1% tổng dư nợ với 2.554 lượt DN vay vốn.
Có thể nói, với một địa phương mà nguồn thu ngân sách hạn hẹp vẫn phải dựa vào cân đối vốn từ Trung ương, việc đáp ứng nhu cầu vốn cho các tổ chức, cá nhân, DN trên địa bàn tỉnh vừa là một nhiệm vụ vừa là cơ hội cho các ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Sự chủ động đồng hành cùng DN của ngành ngân hàng nói chung đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc