Multimedia Đọc Báo in

Ngành Nông nghiệp - một năm vượt khó

20:40, 15/02/2015

Năm 2014, mặc dù gặp nhiều khó khăn do khô hạn, lũ lụt, dịch bệnh…, nhưng ngành nông nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, đạt 4,2%. Điều đáng mừng là quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất tiếp tục được đẩy mạnh, từng bước nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp Dak Lak.

Tốc độ tăng trưởng khá

Năm 2014, ngành nông nghiệp tỉnh có thêm bước chuyển mình mạnh mẽ, đánh dấu bằng một năm mùa màng bội thu và tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng đối với sự phát triển chung của tỉnh. Giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 16.420 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch (KH), tăng 5% so với năm 2013. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 34.850 tỷ đồng, tăng 6,44% so với năm trước; thủy lợi bảo đảm tưới chủ động cho 76% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới. Tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 4,2%, cao hơn mức bình quân của cả nước (cả nước 3,31%).

Trồng trọt vẫn là lĩnh vực mũi nhọn trong nông nghiệp Dak Lak, các loại cây trồng chủ lực đều vượt kế hoạch về diện tích, năng suất, sản lượng. Tổng diện tích gieo trồng 612.624 ha, tăng 1,46% so với năm 2013, trong đó, cây hằng năm 319.540 ha, đạt 103% KH (tăng 1,05% so với năm trước); cây lâu năm 293.084 ha, đạt 103% KH (tăng 1,91% so với cùng kỳ). Sản lượng lương thực năm 2014 ước đạt 1.239.671 tấn, tăng 134.654 tấn so với KH (tăng 5,54% so với năm 2013). Đặc biệt, vụ đông xuân 2013-2014, toàn tỉnh được mùa lớn, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha, một số huyện có năng suất cao như: Ea Kar 76,70 tạ/ha, Krông Pak: 75,19 tạ/ha, Krông Ana: 74,66 tạ/ha... Sản lượng các loại cây trồng lâu năm như cao su, hồ tiêu... tăng khá, cao su đạt 29.831 tấn, tiêu đạt 22.156 tấn... Đáng chú ý, trong niên vụ 2013-2014, tổng sản lượng cà phê nhân xô đạt 462.433 tấn, tăng 50.251 tấn so với niên vụ trước, xuất khẩu cà phê đạt 229.988 tấn, tăng 5.745 tấn so với năm 2013, chiếm tỷ trọng 15,3% so với cả nước, kim ngạch đạt hơn 479 triệu USD, tăng hơn 16 triệu USD so với niên vụ trước. Cà phê của Dak Lak xuất khẩu sang hơn 60 nước trên thế giới, trong đó thị trường có kim ngạch xuất khẩu cà phê cao nhất là Đức (hơn 66,5 triệu USD), Nhật Bản (hơn 53 triệu USD), Thụy Sỹ (hơn 43,4 triệu USD)…

Nông dân huyện Lak thu hoạch lúa vụ hè thu 2014.
Nông dân huyện Lak thu hoạch lúa vụ hè thu 2014.

Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tương đối ổn định và có chiều hướng phát triển thuận lợi. Năm 2014, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh là 941.022 con, sản lượng thịt hơi các loại khoảng 147.489 tấn; tổng đàn gia cầm khoảng 9,59 triệu con, đạt 111% KH, sản lượng trứng khoảng 201 triệu quả. Điều đáng mừng là người chăn nuôi đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào công tác cải tạo giống, nhân giống…, góp phần nâng chất lượng đàn giống, đáp ứng yêu cầu về giống tốt trong chăn nuôi. Đặc biệt, chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn phát triển khá nhanh, với 277 trang trại. Ngoài ra còn có một số dự án lớn như: phát triển chăn nuôi bò thịt tại huyện M’Drak của Công ty TNHH Liên hiệp Công - Nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ đã đi vào hoạt động, bước đầu cho kết quả khả quan, đồng thời một số nhà đầu tư khác đang khảo sát, làm công tác chuẩn bị đầu tư dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa như: Công ty Phước Thành, TH true Milk, Đức Long, Hoàng Anh Gia Lai…

Còn nhiều thách thức

Năm 2014, ngành nông nghiệp đạt được những kết quả khích lệ trên là có sự đóng góp không nhỏ của các hoạt động khác như công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng được đẩy mạnh, nhất là tái canh cây cà phê theo Chương trình phát triển cà phê bền vững được 3.118 ha, đạt 82,97% KH, bằng 11,2% so với diện tích đề án xây dựng. Các loại giống lai, giống tốt được đưa vào sản xuất đại trà và chủ động được nguồn nước tưới cho cây trồng nên đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng. Công tác khuyến nông được tăng cường, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được mở rộng, nhất là ở các khâu làm đất, gieo trồng và thu hoạch đã góp phần làm tăng năng suất lao động.  Bên cạnh đó, ngành thú y đã làm tốt công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các địa phương; thực hiện tốt công tác tiêm phòng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ tại các cơ sở hộ chăn nuôi và các khu vực buôn bán gia súc, gia cầm..., góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và ngăn chặn dịch bệnh lây lan thông qua con đường giết mổ gia súc.

Tuy vậy, yếu tố thời tiết bất thường, dịch bệnh trên vật nuôi, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chậm phục hồi, giá cả đầu vào có chiều hướng tăng cao... vẫn là những thách thức đối với sự phát triển bền vững của nông nghiệp Dak Lak. Năm 2014, trong 2 vụ đông xuân và hè thu, toàn tỉnh đã có 23.373 ha cây trồng các loại bị khô hạn, trong đó mất trắng 10.169 ha, chủ yếu là các loại cây trồng ngắn ngày; có 6.407 ha cây trồng bị ngập lụt; 142 ha lúa bị nghẹn đòng, thụ phấn kém làm lép hạt do lạnh... Dịch cúm gia cầm cũng đã xảy ra tại 12 xã, phường/7 huyện, thành phố, với số gia cầm mắc bệnh là 23.360 con và xử lý, tiêu hủy 23.360 con. Tổng thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, năm 2015, ngành nông nghiệp xác định tiếp tục bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu và đề ra các giải pháp cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp; phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa với năng suất cao, chất lượng tốt để tăng tính cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới; chuyển từ sản xuất theo quy mô rộng, chạy theo diện tích và sản lượng sang phát triển sản xuất theo chiều sâu, lấy giá trị gia tăng và chất lượng sản phẩm làm mục tiêu… Những cơ hội và thách thức của năm 2014 sẽ là cơ sở để các ngành chức năng có một quyết sách đúng đắn giúp nông nghiệp Dak Lak đạt tốc độ tăng trưởng trong năm 2015 từ 4,5-5%, hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.