Người chăn nuôi chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cho thị trường Tết
Nắm bắt được nhu cầu thực phẩm tăng mạnh trong dịp cuối năm, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tích cực chăm sóc đàn gia súc, gia cầm để phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015. ÐĐiều đáng mừng với người chăn nuôi là sau thời gian giảm giá, hiện giá các loại sản phẩm gia súc, gia cầm đang tăng trở lại.
Bảo đảm nguồn cung
Theo Sở NN-PTNT, Dak Lak hiện có trên 226.000 con trâu, bò, gần 724.000 con heo, sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 147.489 tấn; tổng đàn gia cầm khoảng 9,59 triệu con, sản lượng trứng 201 triệu quả. Dịp cao điểm này, các chủ chăn nuôi đang nỗ lực để có đủ nguồn thực phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Quy mô chăn nuôi ở các địa phương trong tỉnh từng bước được nâng cao nhờ những mô hình nông nghiệp kỹ thuật cao, ứng dụng mô hình chuồng trại kín, trại lạnh trong chăn nuôi heo và gà.
Người chăn nuôi ở phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) chăm sóc đàn gà để bảo đảm nguồn cung trứng gà trong dịp Tết. |
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, chủ trại gà ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn cho biết, để tăng lượng trứng xuất bán trong thời điểm Tết Nguyên đán, gia đình bà đã nuôi 4 nghìn con gà đẻ và 4 nghìn con gà hậu bị. Nhờ biết cách chăm sóc và chọn giống tốt nên đàn gà luôn khỏe mạnh, đẻ đều và tỷ lệ đẻ cao. Bình quân mỗi ngày, bà Liên thu được 3.700 quả trứng. Hiện trại gà của bà đã tham gia chương trình bình ổn giá, nên chỉ bán từ 1.700 đồng đến 1.800 đồng/trứng. Theo bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn cho biết, toàn huyện hiện có 27 trang trại, trong đó có 19 trang trại chăn nuôi, chủ yếu nuôi heo và gà, trung bình một trang trại chăn nuôi gà có từ 7.000 – 8.000 con, còn trang trại heo từ 1.000 - 1.500 con/lứa.
Đáng chú ý hơn, hiện người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã tập trung phát triển các loại vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao như heo rừng lai, gà sao, gà Đông Tảo… để cung ứng thực phẩm cho Tết Nguyên đán. Anh Trần Văn Âm (thôn 3, xã Ea Sar, huyện Ea Kar) cho biết, tổ hợp tác nuôi heo rừng thôn 3 do anh làm tổ trưởng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn thịt heo rừng lai cho thị trường Tết. Hiện tại, các trang trại của tổ viên còn khoảng 300-400 con heo thịt, với giá bán từ 100-120 nghìn đồng/kg hơi. Năm nay, số lượng khách hàng đặt mua heo rừng trong dịp Tết nhiều hơn mọi năm, đặc biệt là có rất nhiều khách hàng từ các huyện khác cũng tìm đến mua. Còn chị Nguyễn Thị Tuyết, ở thôn Hòa Thắng, xã Hòa Đông (huyện Krông Pak) – một trong số ít gia đình đưa giống gà Đông Tảo (còn gọi gà Đông Cảo) từ tỉnh Hưng Yên vào nuôi tại Dak Lak thì cho hay, gia đình cũng mới nuôi thử nghiệm từ tháng 3-2014, đến nay đàn gà phát triển rất tốt, gồm: 50 con gà thịt (gà trống), nặng từ 4 - 4,5kg/con và 35 gà mái sinh sản, bình quân khoảng 3 - 3,5 kg/con và hằng tháng cung ứng cho thị trường khoảng 50-70 con gà giống. Đây là giống gà quý hiếm của Việt Nam, với đặc điểm nổi bật là cặp chân xù xì, rất to, gà Đông Tảo khi trưởng thành có thể nặng trên 6 kg (con trống) và trên 3,5 kg (con mái). Số gà thịt trên, gia đình sẽ cung ứng cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán này, với giá bán giao động từ 3-3,5 triệu đồng/con; những con chân to, dáng đẹp thì giá cao hơn, khoảng từ 3,5 – 4 triệu đồng/con. Hiện tại, lượng khách hàng đến đặt hàng khá đông, chủ yếu là làm quà biếu, dự kiến sẽ không đủ lượng hàng cung cấp cho thị trường.
Chăn nuôi heo phục vụ cho thị trường dịp Tết ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pak. |
Chú ý đến an toàn dịch bệnh
Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thời điểm mà nhu cầu thực phẩm của người dân tăng cao, và cũng là thời điểm người chăn nuôi kỳ vọng nhiều vào sự tăng giá của các sản phẩm động vật như thịt lợn, gà, trứng. Hiện giá heo hơi đang được thương lái mua ở mức 45.000 - 47.000 đồng/kg; gà ta sống thả vườn từ 110.000 - 115.000 đồng/kg; gà công nghiệp và vịt 45.000 - 50.000 đồng/kg; trứng gà công nghiệp 2.500 đồng/quả; trứng gà ta 3.500 - 3.700 đồng/quả; trứng vịt 2.700 - 3.000 đồng/quả. Như vậy, so với mức giá cách đây khoảng 3 tháng, giá các loại vật nuôi đều tăng, nhất là gà các loại đều tăng khoảng 20.000 đồng/kg, và giá trứng cũng tăng nhẹ. Đây là tín hiệu vui đối với người chăn nuôi. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành thú y, dịp cuối năm, tốc độ chăn nuôi phát triển nhanh, cộng với thời tiết chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm nên các loại dịch bệnh rất dễ phát sinh. Vì vậy, người chăn nuôi cần chú ý tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm; thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng…Theo Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar, toàn huyện có 40 trang trại (10 trang trại gà, 30 trang trại heo), tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện đạt trên 1,8 triệu con, với 3 vật nuôi chủ lực là trâu bò, heo và gia cầm. Phương thức chăn nuôi đã có sự thay đổi lớn và đạt được những tiến bộ đáng kể như: đối với chăn nuôi bò đã phát triển mạnh hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt chuyên canh; đối với chăn nuôi heo hình thức chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại phát triển mạnh và nhiều tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi (chuồng trại, thức ăn, con giống...) đã được đẩy mạnh ứng dụng. Chính nhờ vậy mà công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt hơn, người dân đã chủ động thực hiện tốt từ khâu chuồng trại, con giống đến việc tiêm phòng vắc-xin cũng như vệ sinh khu vực xung quanh... Đến nay, toàn huyện đã có 10 trang trại chăn nuôi được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó 2 trang trại chăn nuôi heo, 7 trang trại chăn nuôi gia cầm, 1 trang trại chăn nuôi bò; 4 trang trại được Chi cục thú y cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y. Tuy nhiên, trong thời điểm nay, huyện cũng đã chỉ đạo cho mạng lưới thú y cơ sở đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát các điểm chăn nuôi để người dân không lơ là trong công tác phòng dịch.
Hiện tại, Chi cục Thú y tỉnh cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chấp hành nghiêm các quy định chăn nuôi an toàn, chủ động các biện pháp phòng chống, ngăn chặn có hiệu quả sự phát sinh và lây lan dịch bệnh trong thời điểm cuối năm.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc