Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Buôn Đôn cùng chung tay xây dựng nông thôn mới

21:00, 07/02/2015

Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện tốt các phong trào thi đua, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là cách mà Hội Phụ nữ huyện Buôn Đôn phát huy vai trò, trách nhiệm của mình cùng với địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới.

Hội Phụ nữ huyện Buôn Đôn hiện có 9.655 hội viên, sinh hoạt tại 99 chi hội thôn, buôn. Xác định phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới, Hội Phụ nữ huyện chú trọng vận động hội viên đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, mạnh dạn đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật để phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng phù hợp nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Là hộ nghèo của xã vùng sâu, kinh tế gia đình chị Bua Keo Lào (xã Krông Na) trước đây gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản do Hội phụ nữ xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức, lại được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chị mua 1 cặp bò về nuôi. Nhờ nắm vững kỹ thuật chăn nuôi và tận dụng được nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn mà đàn bò của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, từ 2 con giống ban đầu, chị Lào tiếp tục nhân rộng đàn bò để tích cóp thêm vốn đầu tư sản xuất. Sau 3 năm chăn nuôi, chị đã trả được hết số nợ và mua thêm được 2 ha đất để canh tác. Hiện nay mô hình sản xuất của gia đình chị duy trì thường xuyên trên 20 con bò, 10 con heo giống cùng với sản lượng lúa và bắp theo mùa vụ cho thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm đã trừ chi phí. 

Chị Lào phấn khởi: “Cũng nhờ tham gia sinh hoạt trong Hội Phụ nữ, được ưu tiên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và sự động viên giúp đỡ của các chị em mà kinh tế gia đình khấm khá hơn, vợ chồng tôi yên tâm sản xuất và lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn”. Để các nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, những năm qua, huyện Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và các đoàn thể, chính quyền địa phương rà soát các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn giúp họ có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn. Chỉ đến cuối năm 2014, huyện Hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 69 tỷ đồng cho 3.623 lượt hội viên vay; duy trì 152 tổ tín dụng tiết kiệm, 82 tổ vay vốn với tổng số tiền huy động gần 1,5 tỷ đồng cho gần 900 lượt chị em vay để đầu tư sản xuất. Cùng với việc giúp hội viên nghèo tiếp cận nguồn vốn, hội cũng chú trọng xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả như: thâm canh ca cao ghép dưới tán điều, trồng cỏ chăn nuôi bò, cải tạo vườn tạp… Thông qua các hoạt động này, chị em phụ nữ trên địa bàn có điều kiện phát huy nội lực, giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.

Con đường bê tông mới được xây dựng và mắc điện thắp sáng của thôn 9 xã Tân Hòa.
Con đường bê tông mới được xây dựng và mắc điện thắp sáng của thôn 9 xã Tân Hòa.

Song song với đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, hội cũng chú trọng phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động, khuyến khích cán bộ, hội viên và toàn thể nhân dân trên địa bàn đóng góp công sức, tiền của, tự nguyện hiến đất, tháo dỡ các công trình để giải phóng mặt bằng, xây dựng đường giao thông, các công trình phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng ở thôn, buôn. Là tấm gương điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới, chị Nguyễn Thị Thu (thôn 9, xã Tân Hòa) đã tự nguyện hiến hơn 100m2  đất thổ cư để mở rộng con đường nội thôn. Khi nói về đóng góp của mình, chị Thu khiêm tốn: “Biết sắp có con đường rộng rãi, để đi lại thuận tiện không chỉ gia đình tôi mà tất cả người dân nơi đây ai cũng mong đợi từng ngày. Mình hiến đất, đóng góp công sức để làm đường cũng là để phục vụ chính gia đình mình chứ có đi đâu mà thiệt. Con đường hoàn thành, người dân trong thôn còn tự lên kế hoạch góp thêm tiền để mắc bóng điện bảo vệ ban đêm. Tết này có đường mới để đi lại, bà con ai cũng phấn khởi”. Không chỉ riêng chị Thu mà rất nhiều hội viên nơi đây sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của, tham gia vào sự phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương, điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Hường (thôn 9, xã Tân Hòa) tự phá bỏ hơn 50m tường rào để mở rộng đường liên thôn hay 24 hộ gia đình ở thôn 9 tự đóng góp gần 14 triệu đồng để sửa chữa hơn 300m đường xuống cấp… Chỉ tính riêng trong năm 2014, Hội Phụ nữ huyện đã vận động hội viên đóng góp được hơn 1 tỷ đồng, trên 1.000 ngày công lao động để xây dựng, phát dọn, nạo vét hàng trăm kilomet kênh mương nội đồng và đường giao thông nông thôn.

Có thể thấy rằng, bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, thời gian qua, Hội Phụ nữ huyện Buôn Đôn đã có những đóng góp không nhỏ cùng với chính quyền địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bà Nông Thị Hảo, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cho biết: “Trong thời gian tới Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn huyện tích cực hưởng ứng thi đua xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “5 không 3 sạch”. Đồng thời duy trì, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ hoạt động hiệu quả để khuyến khích, động viên chị em tích cực tham gia tổ chức hội, ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư”.

 Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.