Qua kết quả trồng rừng năm 2014: Khó khăn vẫn là thiếu vốn
Tại cuộc họp tổng kết ngành nông nghiệp của tỉnh, ông Nguyễn Đức Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp cho biết, năm 2014, kế hoạch trồng rừng toàn tỉnh là 4.680 ha, trong đó, trồng rừng đặc dụng 50 ha, rừng phòng hộ 250 ha, rừng sản xuất 4.380 ha (rừng sản xuất của doanh nghiệp (DN) có vốn dự án Flitch hỗ trợ 4.015 ha, trồng rừng sản xuất vốn DN 365 ha). Kết thúc mùa vụ trồng rừng của năm, toàn tỉnh chỉ trồng 4.179 ha, trong đó, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 62 ha, rừng sản xuất 3.938 ha, trồng rừng thay thế 179 ha. Kế hoạch trồng rừng đặc dụng và phòng hộ đạt khá thấp, chỉ 62/300 ha, là do diện tích dự kiến trồng rừng của các công ty lâm nghiệp hiện nay đang còn tranh chấp với các hộ dân và thiếu vốn. Theo như chia sẻ của các công ty lâm nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh những năm gần đây gặp khá nhiều khó khăn, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, chưa kể, việc tranh chấp đất đai giữa người dân và công ty lâm nghiệp cũng trở nên phức tạp. Sự hỗ trợ của Dự án Flitch từ năm 2012 đến nay được xem là “cứu cánh” cho các công ty lâm nghiệp, nhưng cũng chỉ có DN có năng lực mới dám nhận bởi dự án chỉ hỗ trợ vốn trong năm đầu, những năm tiếp theo của chu kỳ trồng rừng, DN phải tự bỏ vốn để chăm sóc, quản lý, bảo vệ.
Rừng trồng của người dân huyện Krông Bông. |
Thiếu vốn, hoạt động DN trong lĩnh vực lâm nghiệp đình trệ, chỉ tiêu trồng rừng vì vậy cũng giảm qua các năm. Các công ty lâm nghiệp không mấy mặn mà với trồng rừng sản xuất còn là bởi đầu ra cho sản phẩm rừng trồng những năm gần đây khá bấp bênh, chi phí đầu tư lại tăng cao. Trong số diện tích 3.938 ha rừng sản xuất mà các DN trồng được trong năm 2014, chỉ có vài trăm héc – ta là DN tự bỏ vốn ra, số còn lại dựa vào nguồn vốn hỗ trợ của Dự án Flitch. Rất nhiều DN trồng không đạt kế hoạch đã đăng ký, chỉ có một vài đơn vị trồng đạt và vượt kế hoạch đề ra như: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, Ea Kar, M’Drak, Phước An… Nguyên nhân là tình trạng tranh chấp đất với người dân ở một số đơn vị vẫn chưa được giải quyết triệt để; các đơn vị này đều thiếu nguồn lực tài chính, không tiếp cận được với vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, thời tiết năm 2014 cũng có nhiều bất thường, lượng mưa ít, nắng nóng kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10 cũng gây nhiều bất lợi cho công tác trồng rừng.
Về kế hoạch cho năm 2015, ông Nguyễn Đức Việt cũng bày tỏ băn khoăn khi dự án Flitch kết thúc thì không biết DN sẽ dựa vào nguồn vốn nào để trồng rừng trong khi ngân sách tỉnh hỗ trợ hằng năm cho công tác trồng rừng là quá ít, ngân sách huyện, xã gần như không có. Bên cạnh đó, địa phương cũng chưa có cơ chế để thu hút các nguồn vốn tín dụng, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực này, việc huy động các thành phần kinh tế tham gia còn nhiều hạn chế, giá trị kinh tế rừng trồng còn thấp, chưa thực sự khuyến khích, hấp dẫn nhiều đối tượng tham gia trồng rừng. Và trong hoàn cảnh khó khăn chung hiện nay, để thu hút DN tham gia trồng rừng, chính quyền địa phương cần có biện pháp hỗ trợ để giải quyết triệt để diện tích đất bị người dân lấn chiếm trái phép; có cơ chế giúp DN dễ dàng tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi; đồng thời thu hút đầu tư chế biến gỗ để nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế rừng trồng.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc