Sắm hàng Việt cho Tết Việt
Năm nào cũng vậy, mỗi dịp tết đến xuân về, trên thị trường cũng không thiếu các loại bánh, mứt, rượu tây bia ngoại thế nhưng với nhiều người, việc sắm hàng Việt cho tết Việt còn là một cách để tìm về gần hơn với dư vị của quê hương.
Không có điều kiện để đến các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột để sắm tết, thế nhưng, người tiêu dùng (NTD) xã Ea Tul, huyện Cư M’gar cũng đã kén chọn hơn trong việc sắm tết, dù ở một chợ quê. Bà Phan Thị Nguyệt, xã Ea Tul cho hay, mọi năm sắm tết, bà phải chạy lên tận chợ huyện để tìm mua bánh kẹo, thậm chí, cái nồi để nấu, bộ chén bát để ăn cũng phải đi xa, vì chợ xã hầu như là hàng của Trung Quốc giá rẻ, kém chất lượng được bày bán theo ký, khiến bà không yên tâm. Song, bây giờ thì đã khác. Từ cái chén, đôi đũa để ăn, đến chiếc ghế nhựa của các đơn vị uy tín như nhựa Chợ Lớn, Duy Tân… đều được bày bán ở đây; với các loại xoong, nồi thì đã có nhôm của Kim Hằng, Hải Phòng để mua dùng. Cả chợ Ea Tul chỉ có vài chục gian hàng bày bán thực phẩm khô, quần áo, hóa mỹ phẩm nhưng tiểu thương lại rất cân nhắc trong việc lựa chọn hàng hóa bán ra bởi xu hướng tiêu dùng của NTD nay đã khác.
Một số tiểu thương cho hay, thay vì sử dụng hàng Trung Quốc giá rẻ, nhiều mẫu mã như trước đây, giờ người dân đang dần lựa chọn hàng Việt để thay thế. Quầy tạp hóa của chị Nguyễn Thị Hường mỗi ngày đón hàng chục lượt khách mua. Càng gần về tết, các chị, các cô, ai cũng muốn “sửa soạn” lại cho mình thêm phần tươm tất để đón mùa xuân mới, nhưng không khỏi âu lo với các loại kem dưỡng da trôi nổi trên thị trường. Nắm bắt tâm lý đó, chị Hường chỉ chọn các sản phẩm hàng Việt, giá bình dân để phục vụ các “thượng đế”. Chị cho hay, hầu hết các thương hiệu trong nước có tên tuổi như Việt Hương, Lana, Thorakao… có mặt ngày càng nhiều trên kệ hàng, ưu điểm của các sản phẩm nội là đa dạng và phù hợp với túi tiền của khách hàng bình dân như ở đây. Từ một xã vùng xa của huyện có thể thấy, hàng Việt gần đây đã len lỏi và dần có chỗ đứng nhất định trong lòng người NTD.
Người tiêu dùng chọn mua các loại bia Việt chuẩn bị cho dịp Tết. |
Còn tại TP. Buôn Ma Thuột, xuất hiện trên các kệ hàng xuân với số lượng ngày càng nhiều ở các trung tâm mua sắm như siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột, Trung tâm thương mại Vinatex… sản phẩm của các DN nội địa như: Kinh Đô, Hải Hà, Hữu Nghị… chiếm đến trên 90%. Riêng hàng may mặc của Công ty may 10, Việt Tiến… ở Trung tâm thương mại Vinatex Buôn Ma Thuột chiếm thế chủ đạo và được nhiều người chọn mua. Điều đáng mừng là nhờ việc lấy chất lượng đặt lên hàng đầu, giá thành hợp lý, hàng Việt đã thuyết phục được NTD, nhất là dịp tết đến xuân về. Thêm vào đó, nhiều sản phẩm hàng ngoại không rõ nguồn gốc, xuất xứ gây hại cho sức khỏe cũng khiến NTD tỏ ra cảnh giác, e dè hơn. Trung thành với hàng Việt, chị Phạm Thị Ngân (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, tết đến, chị chỉ sắm hàng Việt, nhất là thực phẩm chế biến sẵn như chả giò bà The, Lan Liễu... để xài trong gia đình, bởi với chị, việc lựa chọn thực phẩm an toàn và bảo đảm sức khỏe cho người thân cũng góp phần làm trọn vẹn ý nghĩa của sự yên bình, hạnh phúc ngày xuân. Ngoài việc chọn mua thực phẩm chế biến sẵn do trong nước sản xuất, nhiều loại đặc sản vùng miền cũng được chị chu đáo sắm sửa cho cái tết này.
Tết năm nào cũng vậy, dù đời sống đã có nhiều đổi thay, kinh tế cũng có phần khấm khá hơn để có thể lo một cái tết tươm tất với đủ loại bánh ngoại rượu tây, thế nhưng ông Đặng Văn Quang (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) vẫn giữ thói quen chọn mua hàng trong nước. Ông cho hay, Sắm hàng Việt cho Tết ViệtNăm nào cũng vậy, mỗi dịp tết đến xuân về, trên thị trường cũng không thiếu các loại bánh, mứt, rượu tây bia ngoại thế nhưng với nhiều người, việc sắm hàng Việt cho tết Việt còn là một cách để tìm về gần hơn với dư vị của quê hương.nếu không mua hàng Việt để dùng thì mùa xuân đến với ông như mất đi nhiều ý nghĩa bởi thiếu đi cái hồn quê nhuần nhị của dân tộc trong đó. Vì thế mà việc sắm tết với gia đình ông, hàng Việt sẽ luôn được chọn mua ở mức cao nhất. Riêng ở khâu chọn mua rượu bia để tiếp đãi bạn bè dịp này, ông cũng chỉ dùng đến các loại rượu đặc sản địa phương như vang Đà Lạt, rượu Phú Lễ (Bến Tre), bầu đá, bia 333… Theo ông, các loại rượu đặc sản địa phương có cái hương vị thanh nhã, với độ nồng, thơm, ngọt vừa phải, tạo cho người uống cảm giác êm dịu chứ không quá gắt để gây đau đầu. Đó là dư vị rất riêng mà không loại rượu ngoại nào có thể thay thế được.
Chưa hẳn đã là quay lưng với hàng ngoại, nhưng có thể nói, tâm lý và nhận thức tiêu dùng của người dân nay đã khác. Sắm một cái Tết Việt bằng hàng Việt làm nhiều người cảm thấy ấm lòng hơn khi đón mùa xuân ngay chính trên quê hương mình.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc