Sản phẩm công, nông nghiệp Dak Lak và hành trình vươn ra thế giới
Những năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Dak Lak liên tục có bước tăng trưởng, trong đó, bên cạnh các mặt hàng truyền thống như cà phê, tiêu, cao su, còn xuất hiện những sản phẩm mới với nhiều triển vọng như hàng cơ khí và lúa giống. Tuy số lượng xuất ngoại bước đầu còn khiêm tốn, nhưng với tiềm năng sẵn có, những sản phẩm này được kỳ vọng sẽ ngày càng chinh phục những thị trường ngoại khó tính, góp phần nâng cao giá trị và hình ảnh của hàng hóa Dak Lak trên thị trường quốc tế.
“Sứ giả” của ngành cà phê Việt
Những năm qua, các sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất, chế biến cà phê của Dak Lak có chất lượng tốt, giá thành rẻ, được người nông dân đánh giá cao, không những khẳng định được uy tín trên thị trường quốc nội mà còn vươn ra thế giới. Nổi bật trong số đó có thể kể đến sản phẩm máy hái cà phê cầm tay của anh Hà Thanh Vinh, chủ cơ sở cơ khí Vinh Long (đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Buôn Ma Thuột). Gắn bó với nghề cơ khí phục vụ ngành cà phê hơn 30 năm nay, anh hiểu rất rõ nỗi vất vả của người nông dân, đặc biệt là trong việc thu hoạch cà phê, nên luôn ấp ủ tạo ra cái máy hái cà phê để giúp bà con giảm bớt công sức, chi phí thu hoạch cà phê. Trước đây, thị trường Việt Nam cũng có loại máy hái cà phê do Ấn Độ sản xuất nhưng không phát huy được hiệu quả đối với cà phê Robusta, do nhược điểm là cần hái dài, động cơ nhỏ và vòng quay chậm. Anh Vinh đã mày mò nghiên cứu, cải tiến máy này thành sản phẩm mới với ưu điểm nhẹ, động cơ mạnh, rất thích hợp để hái cà phê Robusta và giá thành rẻ. Sản phẩm được anh hoàn thiện và đưa ra thị trường từ năm 2011 đã nhận được sự đánh giá cao từ phía người nông dân, đồng thời, sáng kiến này cũng nhận được giải Nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Dak Lak năm 2013. Vụ thu hoạch cà phê 2013 - 2014, anh đã nghiên cứu, giới thiệu đến người nông dân phương pháp hái cà phê kết hợp cắt cành bằng máy hái cà phê cầm tay nhằm giúp bà con giảm thời gian, chi phí hái và tiết kiệm nước tưới. Nhờ ưu thế giảm chi phí 10 triệu đồng/ha so với hái thủ công, mặt hàng này đã được nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh tìm mua.
Bên cạnh đó, máy hái cũng đã vươn ra thị trường thế giới, trong đó có những vùng sản xuất cà phê nổi tiếng thế giới. Cụ thể, thông qua các hợp đồng với Công ty TNHH MTV dịch vụ quản lý bền vững (tỉnh Lâm Đồng) và Tập đoàn Nestlé, sản phẩm do cơ sở sản xuất đã được tiêu thụ tại các nước Brazil, Indonesia, Thái Lan, Philippin… với số lượng hàng trăm chiếc mỗi năm. Theo đánh giá của Hội Cơ khí Dak Lak, máy hái cà phê của cơ sở Vinh Long là sản phẩm độc đáo, mặt hàng này được đánh giá cao khi trình diễn ở nước ngoài, bên cạnh giá trị kinh tế, còn là “sứ giả” để thế giới biết nhiều hơn đến ngành sản xuất, chế biến cà phê Dak Lak nói riêng và Việt Nam nói chung.
Cán bộ Công ty Cổ phần giống cây trồng miền Nam kiểm tra cánh đồng lúa giống |
Trong khi đó, với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề cơ khí, kỹ sư Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Đăng Phong (TP. Buôn Ma Thuột) nhận thấy, phần lớn người dân, đặc biệt là nông dân trồng cà phê thường gặp nhiều khó khăn trong việc bơm nước tưới do phải sử dụng các loại máy bơm đưa xuống sát mặt nước để hút, nên tốn rất nhiều sức lao động, mất an toàn, máy dễ bị cháy do ngập nước. Từ đó, ông đã đưa ra ý tưởng chế tạo ra loại máy bơm thả chìm xuống nước để phục vụ người nông dân. Bắt tay vào tính toán, đo vẽ, chiếc máy bơm thả chìm cũng được cho ra đời, nhưng nhược điểm là giá thành cao và nhanh hỏng. Bởi vậy, ông tiếp tục cải tiến, thay đổi vật liệu từ nhôm sang inox để hoàn chỉnh máy với mẫu mã đẹp, bền và giá rẻ hơn. Đặc biệt, máy bơm chìm do công ty sản xuất có thể bơm nước ở độ sâu hơn 100m và đẩy đi xa hàng trăm mét bất chấp địa hình đồi dốc, trong khi giá thành rẻ hơn từ 3 đến 5 lần so với máy bơm nhập ngoại. Cụ thể, một chiếc máy bơm chìm loại 3 pha, 5 mã lực, cột áp cao 55m có giá bán lẻ chỉ khoảng 3 triệu đồng (máy nhập ngoại giá 14 - 15 triệu đồng/chiếc), hay máy bơm chìm loại 20 mã lực có cột áp cao 120m, giá thành khoảng 30 triệu đồng/chiếc (máy nhập ngoại giá khoảng 450 triệu đồng)… Từ năm 2011 đến nay, cơ sở sản xuất máy bơm nước chìm của kỹ sư Đăng Phong đã sản xuất hơn 200.000 sản phẩm các loại, không những được tiêu thụ rộng rãi khắp trong cả nước mà còn xuất khẩu sang Lào, Campuchia... Sản phẩm máy bơm thả chìm được cấp bằng bảo hộ độc quyền về kiểu dáng công nghiệp nhãn hiệu DAPHOVINA.
Lúa giống Dak Lak xuất ngoại
Không chỉ cung ứng giống trong tỉnh, trong nước, vài năm trở lại đây lúa giống Dak Lak còn xuất khẩu ra nước ngoài. Đó là tín hiệu vui chứng tỏ công nghệ sản xuất lúa giống của tỉnh nhà đã từng bước nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu của mình.
Ông Nguyễn Đăng Phong kiểm tra việc sản xuất tại xưởng. |
Một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trong việc sản xuất lúa giống ở Dak Lak là Công ty Cổ phần giống cây trồng Miền Nam (SSC) bằng cách liên kết sản xuất với các doanh nghiệp tại địa phương. Theo đó, lúa giống gốc được nhập về từ trung tâm nghiên cứu lúa lai đặt tại TP. Hồ Chí Minh. Sau khi thỏa thuận được với các công ty liên kết thì ký hợp đồng, cung cấp lúa giống, tổ chức tập huấn, triển khai và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Để bảo đảm chất lượng lúa giống, phía công ty giao khoán cho các cán bộ kỹ thuật phụ trách diện tích 20 - 30 ha/người và 50 - 100 ha/người tùy loại. Lúa giống sau khi thu hoạch xong được Công ty giống cây trồng Miền Nam thu mua tươi với mức giá 6.800 đồng/kg lúa xác nhận và 27.000 đồng/kg lúa lai nên người dân thu lãi bình quân 45 - 58 triệu đồng/ha lúa giống lai (cao gấp 4 lần lúa thịt), 10-18 triệu đồng/ha lúa giống xác nhận. Theo đó, lúa giống sau khi sản xuất được Công ty giống thu mua tươi từ đồng ruộng, vận chuyển về nhà máy để sấy, sàng lọc, tẩm hóa chất bảo đảm tỷ lệ nảy mầm cho lúa.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê 721 - đơn vị liên kết sản xuất lúa giống với SSC cho biết, sau khi thỏa thuận giá, ký hợp đồng với các công ty giống thì đơn vị triển khai kế hoạch gieo trồng, sản xuất cho các hộ nhận khoán. Theo đó, các hộ sẽ phải sản xuất theo đúng kỹ thuật, thời vụ đưa ra, còn các công ty liên kết chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Khi có bệnh hại phát sinh thì báo cho các cán bộ kỹ thuật giám sát, có biện pháp xử lý. Quy trình sản xuất từ khâu gieo trồng đến thu hoạch được giám sát kỹ thuật chặt chẽ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật công ty và đơn vị cung ứng lúa giống nên dịch bệnh rất ít khi xảy ra, chất lượng lúa luôn được bảo đảm.
Ông Phạm Vũ Quốc Trưởng, Giám đốc Công ty Cổ phần giống cây trồng Miền Nam (SSC), chi nhánh Tây Nguyên cho biết, năm 2014, công ty đã ký kết hợp đồng với 3 đơn vị là công ty TNHH MTV cà phê 721, 716, 720 sản xuất 350 ha lúa giống gồm lúa lai F1 và lúa xác nhận ML48, Nhị ưu 838… Dự kiến, năm 2015, công ty sẽ sản xuất khoảng 400 ha lúa giống tại Tây Nguyên. Bên cạnh cung cấp cho người nông dân trên địa bàn Dak Lak và các tỉnh lân cận, chi nhánh còn nhập về tổng công ty các giống lúa ML48, Nhị ưu 838 để đóng gói, bao bì xuất khẩu sang Campuchia, được đánh giá là lúa giống có chất lượng tốt và trồng khá phổ biến ở nước bạn.
Minh Thông - Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc