Multimedia Đọc Báo in

Tái cơ cấu để gia tăng giá trị nông sản

14:24, 21/02/2015

Từ trước đến nay, các sản phẩm chủ lực cà phê, cao su, hồ tiêu… mà người nông dân làm ra gần như được bán thô, xuất thô, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường quốc tế nên khoản lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp bị “co” lại. Để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đầu năm 2015 Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ đi vào thực tiễn, đây được dự báo là sẽ thay đổi cục diện sản xuất toàn tỉnh.

Những nền tảng bước đầu

Mục tiêu chính của tái cơ cấu nông nghiệp là gia tăng giá trị nông sản bằng việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, đẩy mạnh chế biến nông sản. Năm 2015, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới đi vào thực tiễn nhưng Dak Lak đã có những bước chuẩn bị quan trọng. Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh luôn chú trọng xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn lúa, cà phê, ngô… với các giống mới, năng suất, chất lượng cao, đặc biệt là hình thành vùng sản xuất lúa giống F1, lúa xác nhận tại huyện Ea Kar với năng suất lúa giống lai F1 mức kỷ lục 5 tấn/ha không chỉ cung cấp trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đóng chân trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu, sản xuất nhiều giống cây trồng chất lượng cao như: hơn 10 giống cà phê vối, 4 giống cà phê chè, 4 giống bơ, 2 giống macca… Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chia sẻ, quy trình nhân giống cà phê vối, chè bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào có thể nhân giống với số lượng lớn. Phôi vô tính có thể bảo quản lâu dài, cho nảy mầm vào thời vụ thích hợp, từ phôi vô tính có thể tạo hạt nhân tạo, là yếu tố thuận lợi cho cơ giới hóa và tự động hóa nhân giống công nghiệp trong tương lai. Trong vài tháng, 1gr sinh khối cà phê có thể tạo được 60 vạn phôi vô tính có tỷ lệ tái sinh lên đến 47%, tiết kiệm chi phí sản xuất từ 10 - 15%.

Nông dân tham gia hội thảo giống  ngô mới  tại Buôn Đôn.
Nông dân tham gia hội thảo giống ngô mới tại Buôn Đôn.

Các tập đoàn chăn nuôi tại Việt Nam đang tiến hành rà soát, xây dựng trang trại chăn nuôi bò ngoại nhập, trong đó Công ty TNHH Liên hợp Công - Nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ đã tiến hành nuôi 1.700 con bò ngoại nhập giống Brahman và Droughmaster với mức tăng trọng trung bình 1kg/con/ngày, dự kiến sẽ xuất bán vào dịp tết Nguyên Đán năm nay. Ông Đặng Thái Nhị, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, bò ngoại nhập có khả năng thích nghi với thời tiết, khí hậu của Tây Nguyên rất tốt, mức tăng trưởng cao hơn, trọng lượng trung bình gấp đôi, thậm chí có những con bò đực nặng tới hơn 700 kg, phẩm cấp chất lượng thịt cao hơn. Năm 2014 đơn vị đã cho phối giống thành công hơn 100 con bò mẹ sinh sản nhằm tạo ra giống bò siêu thịt, thích ứng với các điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của nhiều vùng miền, tạo bước đệm để thực hiện giai đoạn 2 - nuôi bò sinh sản. 

Về chế biến nông sản, những năm gần đây việc đầu tư các nhà máy chế biến cà phê, sắn… đã được các doanh nghiệp chú trọng, riêng lĩnh vực cà phê toàn tỉnh có khoảng 10 doanh nghiệp chế biến sâu với nhãn hiệu nổi tiếng như: Trung Nguyên, An Thái, cà phê Ngon, Olam... Riêng tập đoàn cà phê An Thái hiện có 4 nhà máy sản xuất cà phê hòa tan sử dụng công nghệ Ý với tỷ lệ nội địa hóa khoảng 70%, công suất trên 4.000 tấn/năm, trở thành đơn vị nội địa xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất tại Việt Nam. Hiện tại, đơn vị đã có 4 dòng sản phẩm xuất đi hơn 20 nước trên thế giới: cà phê hòa tan, cà phê sữa hòa tan 4 trong 1, cà phê bột và cà phê hạt rang, mức tăng trưởng vượt 30% so với năm 2013.

Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu

Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ nay đến năm 2020 ngành nông nghiệp sẽ tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế của tỉnh, phát triển các cây, con chủ lực như cà phê, ngô, tiêu, cao su, cá tầm, rô phi, bò sữa, bò thịt, ong… theo hướng chuyên canh dưới hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm, kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản để tạo các sản phẩm bảo đảm tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Trong quá trình tái cơ cấu, vai trò của Nhà nước sẽ chuyển dần sang hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và dịch vụ của các thành phần kinh tế khác, tăng cường thu hút đầu tư tư nhân, hợp tác công tư và cơ chế đồng quản lý với khu vực tư nhân và các tổ chức cộng đồng. Trong đó đặc biệt chú trọng cà phê chế biến sâu gắn liền với thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch tập đoàn cà phê An Thái cho biết, cà phê có thể chế biến thành nhiều sản phẩm ở các cung bậc khác nhau từ dạng nguyên đẳng đến các sản phẩm thương phẩm bánh, kẹo, sữa…, thị trường tiêu thụ tăng ở mức 20% mỗi năm. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã nhận thấy cần phải đầu tư vào công nghiệp chế biến cà phê thương phẩm để nâng cao giá trị xuất khẩu song lại không mang chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột khiến giá trị nông sản của chúng ta bị mất đi rất nhiều. 

Ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN & PTNT chia sẻ, tái cơ cấu là quá trình xuyên suốt lâu dài, trong năm 2015 ngành sẽ nghiên cứu, đưa giống cá mõm trâu-cá tiến vua vào nuôi trồng, phát triển các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa, bò ngoại nhập, đẩy mạnh chế biến các nông sản chủ lực: sắn, ngô, cà phê, tiêu… theo hướng giảm tỷ lệ sản phẩm sơ chế, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến tinh, chế biến sâu, đa dạng hóa mặt hàng chế biến. Để làm được điều đó thì cần phải tăng thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo chuỗi, gắn với phát triển thị trường nông sản, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết bốn nhà, trong đó tăng cường liên kết doanh nghiệp - nông dân. Ông Thành cũng nhấn mạnh: “Chúng ta mở rộng cửa, trải thảm chào đón các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu với công nghệ, thiết bị tiên tiến hiện đại, đặc biệt là phải cam kết, tổ chức sản xuất, tiêu thụ các nông sản do người dân làm ra. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất; mở rộng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn”.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc