Multimedia Đọc Báo in

Tết này, hàng Việt lên ngôi?

20:42, 15/02/2015
Theo Sở Công thương, dự báo khối lượng các mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán tăng khoảng 20% so với các tháng trong năm, do đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và tránh tình trạng thiếu hàng, tăng giá quá mức, UBND tỉnh ban hành kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 với tổng số tiền trên 13 tỷ đồng. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn phải cam kết về chất lượng, và giá bán ra thấp hơn thị  trường 5% so với các mặt hàng cùng chủng loại.

Phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết này, các siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã chuẩn bị lượng hàng tương đối dồi dào, trong đó, ưu tiên các mặt hàng sản xuất trong nước. Hiện siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột, hợp tác xã muối Hòa Tiến, Công ty TNHH Thiên Long Phát (huyện Ea Kar) đã chủ động dự trữ nguồn hàng bình ổn bằng vốn tự chủ với tổng tiền hàng trên 66 tỷ đồng. Theo đại diện Co.opMart Buôn Ma Thuột, thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi, hàng Việt vì thế được ưa chuộng hơn với đủ các chủng loại từ bình dân đến cao cấp. Với các loại bánh, kẹo, mứt, nước giải khát… có đến 95% là hàng nội được bày bán tại siêu thị dịp Tết này. Một trong những điểm yếu của hàng Việt là mẫu mã, hương liệu đơn điệu thì dịp Tết năm nay đã thay đổi đáng kể. Đơn cử như các loại bánh mứt được bày bán thành khu riêng biệt trong các siêu thị với bao bì đẹp mắt hoặc được đóng thành hộp lịch lãm, thích hợp để làm quà biếu với đủ các loại mứt dừa, hạt sen, dâu tây, cà chua bi, bí đao…, đa phần của các doanh nghiệp thuần Việt như Xuân Hồng, mứt Long, Hương Việt… Về thực phẩm chế biến sẵn của Cầu Tre, Vissan, sữa Vinamilk, bột giặt Vì dân cũng chiếm ưu thế dịp Tết này. Bên cạnh việc ưu tiên dành riêng một khu vực dễ nhìn, bắt mắt để trưng bày hàng tết thì hiện các siêu thị trên địa bàn thành phố cũng đang triển khai nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại hấp dẫn với mức phổ biến từ 15 đến 35% để hỗ trợ người dân sắm tết.

Người tiêu dùng sắm Tết tại Siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột.
Người tiêu dùng sắm Tết tại Siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột.

Còn tại các chợ truyền thống  trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng được nhiều người ưu tiên chọn mua. Hiện sức mua các mặt hàng này đã có phần tăng hơn so với tháng trước, chủ yếu là đơn đặt hàng sỉ của các đại lý từ các huyện trong tỉnh. Chị Văn Thị Mai – tiểu thương quầy tạp hóa tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, khách lẻ đi sắm tết thời điểm này đã bắt đầu nhộn nhịp, cùng với đó, đơn hàng của các nhà buôn, đại lý bán lẻ tại các huyện thì đã về khá nhiều. Khác với những năm trước, hàng của Trung Quốc, Đan Mạch, Indonexia, Pháp nhập về bày bán với số lượng lớn thì dịp Tết này, nhờ có sự đầu tư để có sự thay đổi lớn về chất lượng, bao bì cũng như mẫu mã đẹp hơn trước nên bánh kẹo của các doanh nghiệp Việt chiếm được nhiều cảm tình của người mua. Nhiều thương hiệu nội địa như Kinh Đô, Hải Hà, Bibica, Hữu Nghị, Phạm Nguyên… với đủ các mẫu mã: hộp thiếc vuông, thiếc tròn, hộp giấy như cin dy, victory (của bibica), cosy của Kinh Đô, aroma của Phạm Nguyên… chiếm số lượng lớn tại các quầy, sạp ở chợ.

Theo nhiều tiểu thương, với những mặt hàng này, giá cả có tính chất quyết định, hiện các loại bánh kẹo ngoại đã tăng khoảng 15-20 % so với ngày thường, riêng bánh kẹo nội đến thời điểm mới chỉ tăng khoảng 5% và nhờ có mức giá bình dân nên vẫn giữ được lượng khách ổn định (các loại kẹo nội có giá 75.000 đến 150.000 đồng/kg, bánh hộp dao động từ 55.000 đồng - 350.000 đồng/hộp - tùy loại). Tại khu vực bán quần áo trong chợ, theo các tiểu thương, đa phần là hàng Việt Nam, được may gia công và nhập sỉ từ TP. Hồ Chí Minh về. Trên thực tế, các sản phẩm này về màu sắc, mẫu mã không được phong phú như hàng Trung Quốc nhưng có khá nhiều người chọn mua. Quần áo trong nước với các nhãn hiệu như T&T, Mai Thy, Thủy Vinh… xuất hiện khá nhiều tại các quầy, sạp tại chợ truyền thống với nhiều mẫu mã, hương liệu, bước đầu thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.