Multimedia Đọc Báo in

"Vị ngọt" từ mùa cà phê bền vững

09:15, 25/02/2015

Phát triển cà phê bền vững đã và đang là một  xu hướng tất yếu, góp phần từng bước cải thiện đời sống cho người nông dân và nâng tầm chất lượng cà phê  Buôn Ma Thuột nói riêng và Việt Nam nói chung  trên thị trường quốc tế. 

Bước vào vườn cà phê của chị Nguyễn Thị Thúy, thôn 8, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar), nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy một tấm bảng cao gần 2 m, trên đó là những thông tin về tình hình khí hậu, cũng như những công việc chính mà gia đình chị sẽ thực hiện trong một năm, như: tưới nước, bón phân, tỉa che bóng, tạo hình cắt bóng, vệ sinh vườn cà phê… Đây là tấm bảng: “Canh tác cà phê thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu” được gia đình chị Thúy dựng lên để theo dõi diện tích 0,85 ha cà phê trồng theo mô hình bền vững. Chương trình này được tổ chức EDE Consulting khu vực châu Á - Thái Bình Dương triển khai từ tháng 8-2012.

Chị Thúy cho biết: Mấy năm trở lại đây khí hậu có nhiều biến đổi, tình trạng sâu bệnh và thiếu nước tưới khiến vườn cà phê của gia đình bị giảm năng suất nghiêm trọng. Từ khi tham gia chương trình, chị được hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trồng cà phê có năng suất, chất lượng và bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp khoa học kỹ thuật như: tưới tiết kiệm 400 lít/gốc, dùng thiên địch để phòng trừ sâu bệnh hại, bón phân cân đối và đúng thời điểm… mà trong niên vụ 2014-2015, năng suất cà phê của gia đình chị được cải thiện rõ rệt và môi trường xung quanh vườn được bảo vệ tốt. Chị Thúy hào hứng kể: “Chỉ trong một mùa mà chất lượng cà phê của gia đình đã khác hẳn, cây cà phê cho quả mọng, đỏ… giá bán lại cao hơn. Trong mùa vụ tới gia đình tôi sẽ mở rộng việc sản xuất cà phê theo hướng bền vững này, vừa bảo đảm chất lượng lại nâng cao thu nhập”.

Niềm vui của chị Nguyễn Thị Thúy khi thu hoạch những quả cà phê đỏ mọng.
Niềm vui của chị Nguyễn Thị Thúy khi thu hoạch những quả cà phê đỏ mọng.

Tuy chỉ mới tham gia chương trình cà phê bền vững theo Bộ Nguyên tắc UTZ Certifed được một mùa vụ, với diện tích 0,5 ha nhưng thành quả đầu tiên đã khiến ông Nguyễn Đức Kỷ, thôn Tân Đông, xã Ea Kênh (huyện Krông Pak) không khỏi vui mừng. “Hiện giờ tạm tính công lao động, cũng như chi phí sản xuất đã giảm từ 15 - 20% so với những năm trước đây, giá thu mua được cộng từ 200 - 400 đồng/kg nhân. Bên cạnh đó vườn cà phê của gia đình tôi dự tính trong năm tới vẫn ổn định năng suất bằng năm nay”, ông Kỷ cho biết. Trước đây, gia đình ông Kỷ làm cà phê chủ yếu theo kinh nghiệm, năng suất cà phê mỗi năm một giảm, chất lượng không bảo đảm nên ông quyết định tham gia trồng cà phê theo mô hình bền vững. Từ khi tham gia mô hình, được tập huấn, ông đã chủ động thời gian cắt tỉa cành, bẻ chồi vượt đúng cách; tưới nước hợp lý; đào rãnh chôn lấp cỏ dại, cành lá khô… Chỉ trong vòng một năm mà vườn cà phê của ông đã xanh tươi và trĩu quả hơn nhiều so với các mùa vụ trước. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, gia đình ông đã nhân rộng ra số diện tích còn lại nên sản lượng cà phê năm nay tăng lên từ 4,5 tấn nhân/năm lên trên 5 tấn nhân/năm. Ông Kỷ tâm sự: “Tôi thích nhất với việc ghép chồi thay thế thân, đặc biệt với những cây bị gỉ sắt nặng. Sau khi được tập huấn, năm nay tôi không phải mua thuốc trừ rệp. Trước đây năm nào tôi cũng phun ít nhất là 2 lần thuốc trừ rệp, vừa tốn công lại hại sức khỏe”. 

Trong những năm qua, nhiều hộ dân và công ty trên địa bàn tỉnh đã hướng đến sản xuất cà phê bền vững, từ đó, đã có sự gia tăng nhanh về quy mô diện tích và sản lượng. Các nông hộ đã được hỗ trợ đắc lực từ phía doanh nghiệp về quy trình kỹ thuật từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến chế biến. Tiến sĩ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Dự án khuyến nông Trung ương “Sản xuất cà phê bền vững được cấp giấy chứng nhận tại Tây Nguyên”, với mục tiêu cụ thể là xây dựng các mô hình sản xuất cà phê bền vững năng suất từ 2,5 - 3 tấn/ha được chứng nhận bởi một trong 3 tổ chức là: 4C, Utzcertifield và VietGap, kết hợp với mô hình đào tạo để nâng cao kỹ năng sản xuất cà phê bền vững cho các hộ dân tham gia mô hình và nhân rộng. Tại Dak Lak, hiện đã có các đơn vị thu mua sản phẩm cà phê bền vững là: Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Dak Lak, Công ty TNHH MTV Cà phê ca cao Tháng Mười, Công ty Nestle… Tính đến nay, việc sản xuất cà phê theo hướng bền vững đã thực sự tăng chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm cà phê trên thị trường trong nước và quốc tế.

Còn theo ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì Dak Lak hiện có diện tích cà phê lớn nhất cả nước với hơn 200.000 ha. Hằng năm diện tích này ngày càng tăng lên, đi kèm với đó là việc bảo đảm chất lượng cà phê Buôn Ma Thuột luôn được các cấp quan tâm. Do đó, trong những năm qua, Đề án phát triển cà phê bền vững giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh đã mở nhiều lớp đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững cho hàng trăm  hộ nông dân ở các vùng trọng điểm. Rà soát, quy hoạch lại vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột với diện tích khoảng 80.000 ha để phát triển theo hướng bền vững và có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng.

Vận động nông dân làm cà phê tham gia thành lập các nhóm hộ, câu lạc bộ, hợp tác xã kiểu mới để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung để thuận lợi cho việc đầu tư hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ sản xuất, chế biến cà phê. Kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tranh thủ học tập kinh nghiệm và đẩy nhanh quá trình áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cao. Qua kết quả thực tế từ nhiều mô hình và những phân tích của các nhà khoa học, nhiều nông dân đã bắt đầu thay đổi thói quen trong sản xuất, thực hiện các công đoạn chăm sóc cà phê theo hướng bền vững. Cùng với nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ hướng sản xuất này đang hứa hẹn sẽ mang đến nhiều thay đổi trong đời sống của bà con nông dân.

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc