Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới: Khi lòng dân đã thuận

20:06, 26/02/2015

Chưa bao giờ câu nói “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trở nên quen thuộc, gần gũi với nhân dân các vùng như trong Phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM), vì đây không còn là câu nói cửa miệng mà đã biến thành hành động, việc làm cụ thể. Minh chứng cho điều này là những con đường, ngôi trường… được xây dựng khang trang, sạch đẹp nhờ sự chung tay, đồng lòng của Nhà nước và nhân dân.

Những con đường “sáng”

Về huyện Lak hôm nay, ai cũng ngỡ ngàng trước hầu hết các tuyến đường nông thôn đều có những hàng đèn đường không khác gì thành thị, nhìn vào ai cũng nghĩ đó là công trình do Nhà nước đầu tư nhưng hỏi ra mới vỡ lẽ, tất cả đều do nhân dân góp tiền, góp công làm nên. Chỉ cho chúng tôi xem trục đường trong thôn vừa mới được mắc đèn đường, anh Nguyễn Văn Vơn, Trưởng thôn Liên Kết 3, xã Buôn Tría hồ hởi khoe, 1 km đèn đường này là công trình của 60 hộ trong thôn đã bỏ công và đóng góp bình quân 500.000 đồng/hộ để làm. Việc này đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Theo anh Vơn kể, trước đây các tuyến đường nông thôn ở trên địa bàn xã không có đèn đường chiếu sáng, nên cứ tầm 7-8 giờ tối là các thôn chìm trong trong bóng đêm, tình trạng trộm cắp, tai nạn xảy ra cũng thường xuyên hơn. Trước thực trạng đó, Chi bộ, Ban tự quản thôn đã vận động nhân dân học tập các xã bạn, đóng góp tiền để lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng. Nêu gương đi đầu, anh Vơn đã cùng với một số hộ trong thôn lập thành một nhóm (30 hộ), góp tiền lắp đặt 25 trụ đèn đường (khoảng 500 m) đầu tiên.

Từ ngày có đèn đường, cuộc sống người dân trong thôn vui tươi hẳn lên vì bà con không còn ngại tham gia các buổi sinh hoạt vào ban đêm, có nơi để bà con rủ nhau đi bộ tập thể dục, trẻ em vui chơi… Nhận thấy được lợi ích của việc thắp sáng con đường vào ban đêm, tất cả các hộ nằm trên tuyến đường đều đồng thuận đóng góp. Đến nay, 1 km trục đường đã có đèn chiếu sáng và đều do người dân tự mua thiết bị về lắp và kéo điện, mỗi tháng các hộ đóng thêm từ 20.000 - 21.000 đồng để trả tiền điện, khi nào xảy ra tình trạng hư hỏng thì nhân dân lại đóng góp tiền để sửa chữa. Đặc biệt, Ban tự quản thôn đã giao cho các hộ có trụ đèn đường trước nhà có trách nhiệm bảo vệ, nhắc nhở trẻ em thả diều để tránh làm hư hại đến trụ đèn gây chập, nổ điện, bảo đảm mỹ quan và an toàn. Ông Phạm Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã Buôn Tría cho biết, việc lắp hệ thống đèn đường chiếu sáng vào ban đêm được triển khai vào đầu năm 2014 và được nhân dân đồng thuận hưởng ứng sôi nổi. Đến nay, toàn xã đã có 5/8 thôn, buôn góp tiền, công kéo đường điện thắp sáng trục đường tỉnh lộ 687, dọc các đường liên thôn với số tiền 180 triệu đồng và 120 ngày công. Mục tiêu đến năm 2015, xã phấn đấu kéo điện thắp sáng toàn bộ các tuyến đường trong xã, hiện tại nhân dân trong xã chỉ trông chờ Nhà nước hỗ trợ làm đường giao thông để người dân kéo điện đường làm đường làng, ngõ xóm được sạch đẹp, văn minh.

Nhân dân xã Ea Tul, huyện Cư M’gar đóng góp làm đường nông thôn mới.
Nhân dân xã Ea Tul, huyện Cư M’gar đóng góp làm đường nông thôn mới.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo XDNTM huyện, qua công tác tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có những chuyển biến tích cực, đã hiểu về tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, vì vậy trong năm 2014 người dân trên địa bàn các xã như: Buôn Tría, Dak Liêng, Dak Nuê... đã tự nguyện bỏ tiền và công lao động để kéo điện thắp sáng đường thôn, xóm với tổng kinh phí là 258,15 triệu đồng. Được biết, phong trào này đã lan tỏa khắp các địa phương trong tỉnh từ thôn đến buôn, góp phần làm cho diện mạo nông thôn trở nên hiện đại hơn, và tình hình an ninh cũng được ổn định hơn.

Nội lực từ lòng dân

Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, Dak Lak đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân hiểu và cả hệ thống chính trị tham gia, trong đó xác định xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn dựa trên sức mạnh nội lực của người dân là quan trọng. Chính vì vậy, khi thực hiện XDNTM, các địa phương trong tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ một phần của Nhà nước để phát huy nguồn lực trong nhân dân thông qua các cuộc vận động với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ”. Với chủ trương đúng đắn trên, cộng với việc nhận thức được xây dựng hạ tầng nông thôn là phục vụ lợi ích của nhân dân, nhiều hộ gia đình đã đồng thuận hưởng ứng tích cực, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi giữa các thôn, buôn trong xã, giữa các xã trong huyện, tỉnh. Nhờ đó, trong 4 năm, các hộ dân đã đóng góp hơn 792 tỷ đồng, hiến trên 475.000 m2 đất, hơn 102 nghìn ngày công lao động để làm mới và sửa chữa đường giao thông, kênh mương thủy lợi, công trình điện chiếu sáng, tưới nước…

Chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2014, các hộ dân trên địa bàn tỉnh hiến hơn 175.000 m2 đất; tự giải tỏa gần 4.000 cây công nghiệp các loại, với tổng số tiền đóng góp của người dân là trên 54 tỷ đồng (gồm: tiền, vật liệu, ngày công lao động và trị giá đất hiến, giải tỏa...) để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu tại địa bàn nông thôn. Điều đáng mừng là các địa phương thực hiện rất tốt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và UBND tỉnh về công tác huy động vốn đóng góp của dân để thực hiện Chương trình XDNTM trên địa bàn tỉnh, đó là: việc huy động đóng góp phải tuỳ thuộc vào khả năng, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa phương, không quy định cụ thể mức đóng góp cho người dân. Việc đóng góp phải được bàn bạc dân chủ, công khai và phải được sự đồng tình của người dân. Trong quá trình thực hiện tuyệt đối không được bắt buộc người dân phải đóng góp và không được huy động quá sức dân; không được yêu cầu những hộ nghèo; người già; người neo đơn; người tàn tật; hộ khó khăn; hộ chính sách phải đóng góp... Vì vậy, chưa có địa phương nào trong tỉnh huy động quá sức dân, mà chủ yếu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân tự nguyện tham gia. 

Theo Ban điều phối XDNTM của tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 2 xã Hòa Thuận và Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đạt 19 tiêu chí nông thôn mới đang được Hội đồng cấp tỉnh thẩm định; 6 xã đạt từ 17-15 tiêu chí, 7 xã đạt 13-14 tiêu chí; 22 xã đạt 10-12 tiêu chí, 99 xã đạt 5-9 tiêu chí; 18 xã đạt 2-4 tiêu chí. Điều đáng chú ý là thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2014 là 20,2 triệu đồng/người/năm (năm 2013 là 19,7 triệu đồng, năm 2012 là 18,84 triệu đồng). Đến nay đã có 61 xã hoàn thành tiêu chí về thu nhập; 35 xã hoàn thành tiêu chí về hộ nghèo. Có được kết quả này phải kể đến sự đồng thuận và đóng góp nguồn lực trong nhân dân, đây là điểm khởi đầu thuận lợi để các xã trên địa bàn tỉnh tiến nhanh trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.