Multimedia Đọc Báo in

Xử lý những sai phạm trong quản lý bảo vệ rừng tại Khu du lịch Sinh thái Bản Đôn: Lấn cấn chuyện chủ rừng

10:32, 06/02/2015

Những năm gần đây, rừng ở Khu Du lịch sinh thái – văn hóa Bản Đôn bị xâm hại nghiêm trọng, nhiều loại gỗ nhóm IIA liên tục bị khai thác, chặt phá trái phép bởi 1.336 ha diện tích rừng sinh thái tuy có chủ mà như không...…

Các ngành chức năng vào cuộc

Ông Bùi Văn Khang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn cho biết, từ năm 2012, do chủ rừng buông lỏng quản lý nên tình trạng khai thác gỗ trái phép diễn ra ở Khu Du lịch sinh thái – văn hóa Bản Đôn khá nghiêm trọng. Từ năm 2012 đến nay, Hạt Kiểm lâm cùng các ngành chức năng của huyện đã phát hiện, xử lý 22 vụ vi phạm lâm luật tại khu du lịch này, riêng năm 2014 là 12 vụ. Trong đó, vụ vi phạm nghiêm trọng nhất là vào tháng 6-2013, Hạt Kiểm lâm Buôn Đôn cùng UBND xã Krông Na đã phát hiện và lập biên bản tạm giữ trên 40m3 gỗ tròn (từ nhóm IIA đến nhóm 7) bị khai thác trái phép tại lâm phần giao cho Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak – Dakruco quản lý. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Buôn Đôn đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can và đề nghị cơ quan tố tụng huyện Buôn Đôn xét xử. Trước tình trạng tài nguyên rừng bị xâm hại, chủ rừng buông lỏng quản lý, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo Hạt phối hợp với lực lượng chức năng của địa phương tăng cường tổ chức các biện pháp bảo vệ. Ngày 19-11-2013, Thường trực UBND huyện Buôn Đôn đã làm việc với Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak, Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn về công tác bảo vệ rừng.

Từ ngày 19-11-2013 đến 24-3-2014, UBND huyện cũng đã thành lập tổ kiểm tra liên ngành gồm 15 đồng chí thuộc các đơn vị: công an, quân đội, kiểm lâm trực tiếp tham gia. Ngày 4-7-2014, Chi cục Kiểm lâm đã chủ trì cùng với Sở TN-MT, UBND huyện Buôn Đôn có cuộc họp với Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak và Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn về công tác quản lý bảo vệ rừng tại Khu du lịch sinh thái Bản Đôn, qua đó đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ theo phương án đã được các cơ quan chức năng phê duyệt cho đến khi UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất, thu hồi rừng; sở TN-MT khẩn trương hướng dẫn, thực hiện các thủ tục để chuyển giao đất rừng cho Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn theo đúng quy định, các đơn vị liên quan chủ động liên hệ với Sở để hoàn thiện thủ tục thuê đất, thuê rừng trước 15-12-2014. Ngày 17-9-2014, lực lượng chức năng của huyện Buôn Đôn tiến hành kiểm tra, đã phát hiện tài nguyên rừng nơi đây vẫn tiếp tục tục bị xâm hại, tại tiểu khu 469, 478 có khoảng 10 cây gỗ bị khai thác trái phép, trong đó có 1 cây giáng hương, chủ rừng thì vẫn không tổ chức các biện pháp bảo vệ rừng. Từ ngày 6-10-2014, UBND huyện đã chỉ đạo lực lượng của đoàn kiểm tra 1208 của huyện phối hợp với lực lượng của Hạt Kiểm lâm trực tiếp bám địa bàn, bảo vệ rừng. Ngày 22-10-2014, UBND huyện đã có công văn số 938/UBND-NNNT đề nghị UBND tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm của Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak và Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn đối với những sai phạm trong công tác QLBVR.

Nhiều cây gỗ lớn tại Khu du lịch sinh thái Bản Đôn bị khai thác trái phép.
Nhiều cây gỗ lớn tại Khu du lịch sinh thái Bản Đôn bị khai thác trái phép.

Xử lý trách nhiệm - lấn cấn chuyện chủ rừng

Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak (Dakruco) được UBND tỉnh cho thuê đất, rừng tại Quyết định 900/QĐ-UBND ngày 23-5-2005 với diện tích 1.336,7 ha để kinh doanh du lịch sinh thái. Chi nhánh Trung tâm Nghỉ dưỡng sinh thái và spa Bản Đôn được thành lập ngay sau đó để trực tiếp quản lý, thực hiện dự án. Ngày 8-11-2011, UBND tỉnh có Quyết định 2892/QĐUB phê duyệt Đề án thành lập Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn trên cơ sở cổ phần hóa Chi nhánh Trung tâm Nghỉ dưỡng sinh thái và spa Bản Đôn của Dakruco. Ngày 11-12-2011, Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và chính thức đi vào hoạt động ngày 12-3-2012. Theo giải trình của Dakruco về thủ tục, công tác bàn giao rừng giữa Dakruco và Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn, thì căn cứ Công văn số 5360/UBND-TCTM ngày 19-10-2011 của UBND tỉnh về việc giải quyết các nội dung liên quan đến tài sản gắn liền với đất để góp vốn thành lập công ty cổ phần, Quyết định số 2892/QĐ-UBND ngày 8-11-2011 của UBND tỉnh phê duyệt đề án thành lập Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn, UBND tỉnh đã có phương án xử lý thu hồi đất rừng Dakruco thuê để giao cho Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn thuê và sử dụng vào mục đích kinh doanh du lịch. Ngày 13-3-2012, Dakruco đã ký hợp đồng kinh tế số 10/HĐKT/2012 với Công ty Y Trí Nguyễn tư vấn, lập hồ sơ giao rừng gắn với hồ sơ địa chính của công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn với nội dung: rà soát, thống kê và xác định hiện trạng rừng đối với toàn bộ diện tích của Dakruco đang quản lý kinh doanh du lịch sinh thái tại xã Krông Na; khảo sát xây dựng bản đồ hiện trạng rừng tỷ lệ 1/10.0000; đo đạc, lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/2.000 của 45 ha khu vực đất chuyên dùng trong khu vực dự án; lập bảng kê thông tin rừng gắn với thửa đất lâm nghiệp được giao; lập các thủ tục hồ sơ về giao rừng gắn bới giao đất và hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về rừng và đất đai. Ngày 26-7-2012, tại Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn, đại diện Chi Cục Kiểm lâm tỉnh, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Hạt Kiểm lâm Buôn Đôn, Công ty Cổ phần TM &DL Bản Đôn, Công ty Cổ phần Y Trí Nguyễn (đơn vị tư vấn, đại diện cho chủ rừng là Dakruco) đã xác lập biên bản rà soát các thông tin về rừng để cho thuê rừng, thực hiện dự án khu du lịch văn hóa, sinh thái Bản Đôn với tổng diện tích 1.527.4 ha. Ngày 16-10-2012, Công ty Cổ phần Y Trí Nguyễn đã xác lập biên bản bàn giao mốc, vị trí, ranh giới đất trên bản đồ và thực địa với số lượng 61 cột mốc cho Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn. Ngày 13-12-2012, Dakruco có tờ trình số 62 gửi UBND tỉnh, Sở TN-MT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề nghị hoàn tất việc thu hồi 1.527,4 ha rừng để giao lại cho Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn. Ngày 24-1-2013, Dakruco đã bàn giao toàn bộ hồ sơ đất lâm nghiệp, hồ sơ đo đạc diện tích đất xây dựng cơ bản và các văn bản có liên quan đến hồ sơ đo đạc diện tích đất rừng cho Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn.

Ông Huỳnh Văn Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak quả quyết: “Dakruco đã hoàn tất thủ tục trả lại rừng theo đúng trình tự, thời gian. Còn việc đã qua 2 năm nhưng Công ty Cổ phần DL&TM Bản Đôn vẫn chưa nhận được Quyết định cho thuê đất, thuê rừng của UBND tỉnh theo đúng trình tự, thủ tục quy định hiện hành đối với diện tích rừng trên là do sự chậm trễ của đơn vị tiếp nhận. Với tư cách là cổ đông lớn tham gia góp vốn, đồng thời là chủ rừng cũ đang chờ hoàn thiện thủ tục bàn giao, từ tháng 4-2012 đến tháng 3-2013 (tức là trong vòng 1 năm) Dakruco vẫn triển khai các biện pháp tăng cường quản lý bảo vệ rừng với mức kinh phí hỗ trợ cho Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn là 40 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, vào những đợt cao điểm, đơn vị còn hỗ trợ tăng cường lực lượng bảo vệ chuyên trách vệ tham gia QLBVR. Chính vì vậy, việc cho rằng vì phía Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan nên Dakruco phải chịu trách nhiệm đối với việc tài nguyên rừng bị xâm hại là không hợp lý”. Phía Công ty Cổ phần TM-DL Bản Đôn thì lại cho rằng, mặc dù đã đi vào hoạt động kinh doanh từ tháng 3-2012, nhưng vì chưa có quyết định cho thuê đất, thuê rừng nào thay thế Quyết định 900 của UBND tỉnh nên trên văn bản giấy tờ, Dakruco vẫn là chủ rừng. Vì vậy, việc tài nguyên rừng bị xâm hại, Dakruco cũng phải chịu trách nhiệm.

Đề nghị hướng xử lý

Ngày 27-1-2014, Tổ kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng diện tích rừng và đất rừng tại Khu Du lịch sinh thái Bản Đôn của Sở NN-PTNT đã làm việc với đơn vị liên quan. Tại buổi làm việc, các ngành liên quan đã chỉ ra những tồn tại trong việc thực hiện thủ tục thu hồi đất của Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak để bàn giao cho Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn. Mặc dù Dakruco đã hoàn tất các thủ tục, tờ trình đề nghị UBND tỉnh thu hồi 1.527,4 ha rừng, đất rừng thuộc đơn vị quản lý để bàn giao cho Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn quản lý, tổ chức kinh doanh và QLBVR, tuy nhiên,  đơn vị tiếp nhận rất chậm trễ trong việc liên hệ các ngành chức năng để hoàn thiện thủ tục theo quy định. Đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thủ tục dây dưa kéo dài đã hơn 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Ông Dương Văn Sanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho rằng, với diện tích rừng được giao là khá lớn nhưng hiện nay Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn chỉ cắt cử 5 người trực để quản lý tài sản. Cho nên, trong lúc hoàn tất hồ sơ, yêu cầu DN phải đóng cổng, có biển thông báo rõ ràng để lực lượng liên ngành của huyện dễ kiểm soát người ra, vào trong khu vực này. Bên cạnh đó, ngoài 200 ha đã giao cho Trung tâm Bảo tồn Voi, thì cũng phải xem xét khả năng, nhu cầu sử dụng của DN để khoanh lại. Số diện tích còn lại đề nghị UBND tỉnh thu hồi và giao cho đơn vị khác. Đề nghị Sở NN-PTNT và Sở TN-MT kiểm tra hồ sơ trình UBND tỉnh sớm có quyết định giao rừng, tránh để tình trạng rừng có chủ mà như không, khi xử lý trách nhiệm thì đơn vị nào cũng thoái thác.

Ông Trương Văn Trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, vì làm ăn thua lỗ mà buông lỏng quản lý, dẫn đến tài nguyên rừng bị xâm hại nghiêm trọng nên trách nhiệm đầu tiên là thuộc về đơn vị trực tiếp kinh doanh trên diện tích rừng được giao là Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn. Tuy nhiên, vì chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý về bàn giao rừng, đất rừng nên chủ quản lý đất lâm nghiệp vẫn là Dakuco. Trong thời gian chờ các cơ quan chức năng xử lý việc thu hồi và bàn giao đất rừng tại Khu Du lịch sinh thái Bản Đôn, phía Dakruco vẫn phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn về nhân lực để triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng theo phương án đã được các cơ quan chức năng phê duyệt trước đó. Ngoài việc khắc phục hậu quả, tăng cường các biện pháp QLBVR, yêu cầu Công ty Cổ phần TM&DL Bản Đôn rà soát, xác định rõ diện tích rừng phù hợp với khả năng kinh doanh, năng lực QLBVR của đơn vị. Diện tích còn lại đề nghị giao cho chủ rừng khác có năng lực để QLBVR hiệu quả. Việc xác định, quy mô diện tích thuê đất, rừng để tổ chức quản lý, bảo vệ kinh doanh phải bảo cáo Sở TM-MT trước ngày 13-2-2015. Trong khi chờ UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý trách nhiệm của từng đơn vị, đề nghị UBND huyện Buôn Đôn tăng cường công tác kiểm kiểm soát hoạt động QLBVR tại khu du lịch này.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.