Multimedia Đọc Báo in

Để nâng cao giá trị cà phê Việt Nam: Những "khoảng trống" cần sớm xóa bỏ

08:57, 21/03/2015
Tại Hội nghị về phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam được tổ chức mới đây tại TP. Buôn Ma Thuột, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã nhận định: còn nhiều dư địa cho cà phê.

Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê vối và đứng thứ hai về sản xuất cà phê nhân. Với những con số ấn tượng về năng suất, sản lượng và xuất khẩu, nhận định này của Bộ trưởng đã khiến nhiều đại biểu không khỏi ngạc nhiên. Tuy nhiên với những phân tích, đánh giá của các chuyên gia, nhà doanh nghiệp tại Hội thảo, “dư địa” ở đây có thể được hiểu và nhìn nhận dưới góc độ: những khoảng trống về thị trường chưa khai thác hết tiềm năng, khâu sản xuất chế biến chưa phát huy hết giá trị gia tăng của cà phê.

Có thể khẳng định trong hơn một thập niên qua, sản xuất cà phê của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao về diện tích, năng suất cũng như sản lượng. Bằng chứng là năm 2012, sản lượng cà phê nhân của Việt Nam đã đạt 1,3 triệu tấn, gấp 14 lần so với năm 1990. Tuy nhiên việc sản xuất, xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân với tỷ lệ lên tới 95% tổng sản lượng, trong khi xuất khẩu cà phê đã qua chế biến chỉ chiếm 5%. Đáng lưu ý là giá trị một đơn vị cà phê qua chế biến cao hơn cà phê nhân tới 3 lần. Điểm yếu lớn trong ngành cà phê còn là các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm cà phê chưa gắn kết với nhau, liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chủ yếu hoạt động thương mại thuần túy, ít gắn với sản xuất cà phê. Phần lớn cà phê bột được chế biến ở các cơ sở nhỏ, chất lượng không cao nên khó mở rộng thị trường tiêu thụ.

 Mô hình phát triển  cà phê bền vững ở xã Ea Kiết (huyện  Cư M'gar).
Mô hình phát triển cà phê bền vững ở xã Ea Kiết (huyện Cư M'gar).

Tiến sĩ Phan Thế Công, Trưởng bộ môn kinh tế vi mô, Trường Đại học Thương mại đã minh chứng về những “dư địa” này qua thời gian tìm hiểu, nghiên cứu khá kỹ về thị trường Hàn Quốc – một mảnh đất làm ăn rất tiềm năng cho xuất khẩu cà phê của Việt Nam nhưng thực tế vẫn còn những khoảng trắng. Đó là câu chuyện Việt Nam - quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất vào thị trường Hàn Quốc, mặc dù vậy thương hiệu cà phê Việt Nam lại chưa được nhiều người Hàn Quốc biết đến vì phần lớn cà phê nhập khẩu từ Việt Nam được sử dụng làm nguyên liệu chế biến cho các sản phẩm cà phê thương hiệu Hàn Quốc. Điều này cũng na ná như chuyện gạo Nàng Hương nổi tiếng ở Việt Nam nhưng sau khi “đi lòng vòng” qua hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu lại có xuất xứ từ Thái Lan. Nhu cầu cà phê của Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, quan trọng nhất là thị trường Hàn Quốc hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu cà phê nên tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam còn lớn. Tiến sĩ Phan Thế Công đề nghị: Xây dựng thương hiệu, hình ảnh cà phê của Việt Nam; tập trung vào phân đoạn thị trường các sản phẩm cà phê uống liền, đa dạng hóa sản phẩm, tăng thêm hương vị mới là điểm mấu chốt để nâng cao sức cạnh tranh và kinh doanh thành công tại thị trường Hàn Quốc.

Cũng liên quan đến chuyện còn nhiều “dư địa” cho cà phê, một doanh nghiệp ở Gia Lai bày tỏ: “Chúng ta là nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới nhưng tìm được một sản phẩm mang tên Việt Nam lại rất ít. Tại sao ta làm ra, con ta sinh ra lại không… được đặt tên!?”. Doanh nghiệp này đề nghị không chỉ lo vấn đề trồng trọt, mà cần quan tâm đến vấn đề định hướng về thị trường, giúp nông dân nắm bắt tình hình giá cả trên thế giới để giảm thiểu rủi ro. Còn Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam Lương Văn Tự khi kết thúc Hội thảo cũng bày tỏ thông điệp: ngoài việc chú trọng thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước cũng còn nhiều tiềm năng, mong muốn khách hàng nội địa sẽ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.