Đừng đẩy hết phần khó cho người tiêu dùng!
Ngày 10-3 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, nhiên liệu từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít, dầu diesel từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít. Với điều chỉnh trên, ngay lập tức giá xăng trên thị trường đã tăng thêm 1.600 đồng/lít.
Trước đó, theo quyết định của Bộ Công thương, giá bán lẻ điện sẽ dao động trong khoảng 1.484-2.587 đồng mỗi kWh. Trong đó, nhóm bậc thang tiêu thụ dưới 100 kWh có mức tăng thấp hơn bình quân. Ngược lại các hộ có mức tiêu thụ cao hơn ngưỡng nêu trên sẽ chịu mức tăng cao hơn bình quân (7,5%).
Các nhà quản lý đã đưa ra rất nhiều lý giải cho việc tăng giá hai mặt hàng trên, và dù với bất kỳ lý do gì thì sự điều chỉnh tăng giá đều nằm ngoài quy luật thị trường. Chẳng hạn đối với giá điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Tài chính cho rằng tăng như vậy là tương đối phù hợp với mặt bằng thị trường cũng như các yếu tố thay đổi đầu vào. Thế nhưng dư luận thừa hiểu những khoản đầu tư ra ngoài của EVN, các chi phí tổn thất lớn, các khoản lỗ do quản trị yếu kém… mới là nguyên nhân thực sự đẩy giá điện tăng cao.
Với người tiêu dùng, giá tăng thì phải chịu. Điều đáng nói là những tác động tiêu cực của nó lên hoạt động sản xuất kinh doanh khi mà giá trị đầu vào đã tăng đáng kể sau những điều chỉnh này. Thiết nghĩ, với bất kỳ sự điều chỉnh nào, các nhà điều hành vĩ mô nên tỏ ra khách quan, cần ít nhất “1 chân” về phía người tiêu dùng chứ không thể "đổ" hết phần khó cho người tiêu dùng như hiện nay.
Quốc Anh
Ý kiến bạn đọc