Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực phát triển Cà phê bền vững

09:08, 11/03/2015
Dù Việt Nam đứng đầu châu Á, thứ 2 thế giới (sau Brazil) về sản lượng và xuất khẩu cà phê, nhưng một thực trạng đáng suy nghĩ là ngành cà phê chưa thể mang lại lợi ích như mong muốn, khiến cho việc phát triển cà phê bền vững đứng trước nhiều thách thức. Do vậy, phát triển cà phê bền vững đang là bài toán cần sớm có lời giải, nhất là ở vùng cà phê trọng điểm như tại Dak Lak...

Chưa xứng tầm sản phẩm chiến lược

Cà phê được xem là sản phẩm chiến lược của Dak Lak trong nhiều năm qua và trong thời gian tới. Với diện tích gần 203 ngàn ha, mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Dak Lak mang lại khoảng 600 đến 650 triệu USD. Cùng với đó, hiện tại và trong nhiều năm tiếp theo, cây cà phê vẫn giữ một vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế của Dak Lak, bởi ngành này đã tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 300 ngàn người trực tiếp sản xuất, và 200 ngàn người có liên quan đến cây cà phê. Hơn thế, sản phẩm cà phê vẫn luôn được đánh giá là mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược của Việt Nam khi chúng ta nằm trong nhóm nước xuất khẩu lớn nhất và chiếm 71,81% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, cây cà phê ở Dak Lak nói riêng, Việt Nam nói chung chưa thật sự phát triển bền vững và ổn định. Nhiều người cho rằng, so với các ngành hàng nông nghiệp có tiềm năng và thế mạnh khác như mía đường, lúa gạo, cao su… thì cà phê Việt Nam đang có những dấu hiệu bất ổn từ khâu tổ chức sản xuất, tiêu thụ cho đến phát triển thị trường, khiến chất lượng, năng lực cạnh tranh cũng như việc nâng cao giá trị kinh tế của ngành hàng này luôn bấp bênh, thiếu bền vững. Đáng nói là cà phê Việt Nam đang gặp khó khăn, nhưng các DN đầu tư nước ngoài (FDI) chuyên sản xuất cà phê hòa tan lại sống khỏe, công suất tiêu thụ hơn 34.000 tấn cà phê/năm, chiếm gần 90% lĩnh vực này. Chẳng hạn, công suất Công ty TNHH Nestlé Việt Nam lên tới 15.000 tấn/năm, Công ty TNHH Cà phê Ngon 15.000 tấn/năm và Công ty TNHH Olam Việt Nam cũng đạt đến 4.000 tấn/năm...

Sơ chế  cà phê  tại  Công ty TNHH MTV  Cà phê 15 (huyện Cư M’gar).
Sơ chế cà phê tại Công ty TNHH MTV Cà phê 15 (huyện Cư M’gar).

Những tín hiệu tích cực

Vấn đề ở đây là phải làm sao để gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm cà phê từ việc bảo đảm về chất lượng, an toàn, mức độ lợi ích, sức khỏe cho người tiêu dùng và cách thức tiêu thụ. Điều này có được thông qua sự hài hòa các tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, chứng nhận thương mại… Đi cùng với đó, một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng là xây dựng và quảng bá thương hiệu. Hiện nay, Dak Lak đã có 10 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột trên tổng diện tích hơn 15.070 ha, sản lượng mỗi năm đạt trên 46.620 tấn cà phê nhân trở lên. Tuy không lớn, nhưng việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột là một cách để khai thác thị trường hàng hóa cấp cao, nâng cao giá trị xuất khẩu của mặt hàng này, từ đó việc tổ chức lại sản xuất cho các hộ nông dân, hình thành các hợp tác xã trong ngành cà phê sẽ dần được thực hiện. Việc quan trọng nhất đó là nâng cao giá trị khi mang sản phẩm làm ra đi tiêu thụ, điều này hy vọng sẽ được giải quyết khi Sàn giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột đi vào hoạt động, mặt hàng cà phê của Dak Lak nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ được giao dịch trực tiếp trên sàn Liffe tại London. Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, trong năm 2014 Việt Nam xuất khẩu 1,6 triệu tấn cà phê, với kim ngạch hơn 3,5 tỷ USD, nhưng phần lớn do doanh nghiệp nước ngoài mua xuất khẩu nên cà phê Việt Nam bị ép giá. Sự có mặt của Công ty, với cách thức mua tận gốc tại nông hộ và bán trực tiếp cho sàn giao dịch cà phê London, kỳ vọng sẽ giúp cà phê Việt Nam thoát khỏi tình trạng bị ép giá. Hay như việc chủ trương về việc thành lập Quỹ Bảo hiểm cà phê Việt Nam đã được xem xét, bởi việc thành lập quỹ này là yếu tố để ngành cà phê thực hiện sản xuất kinh doanh một cách chủ động, lâu dài, tránh sự thụ động và “bóp méo” thị trường bởi các hỗ trợ trực tiếp.

Có thể nói, với sự nỗ lực của cả hệ thống từ người sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến các nhà chính sách, hy vọng sản phẩm cà phê Việt Nam nói chung, Dak Lak nói riêng sẽ từng bước khẳng định lại vị thế của mình.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.