Multimedia Đọc Báo in

Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững ở huyện Krông Bông

14:46, 03/03/2015
Nhằm từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành chính trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua huyện Krông Bông đã chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển mô hình chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, kết hợp với chăn nuôi hộ gia đình và bước đầu đã đem lại kết quả khả quan.

Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, huyện đã đề ra đồng bộ hai nhóm giải pháp lớn gồm: giải pháp về khoa học và công nghệ; giải pháp về đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật và khuyến nông.

Đối với nhóm giải pháp về khoa học và công nghệ, huyện đã đẩy mạnh chương trình cải tạo đàn bò địa phương thông qua phương pháp phối giống trực tiếp với bò đực giống lai Zêbu; vận động người dân tập trung nguồn vốn phát triển nuôi vỗ béo bò thịt; khuyến khích phát triển các trang trại có quy mô vừa và nhỏ để phát triển đàn gia súc. Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường công tác tiêm phòng thú y và vệ sinh môi trường chuồng trại nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng dịch bệnh lây lan. Thông qua các chương trình dự án, huyện đã tiếp nhận và chuyển giao hàng trăm con bò giống cho hộ nghèo đặc biệt khó khăn ở các xã, thị trấn.

Đối với nhóm giải pháp đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật và khuyến nông, Trung tâm Dạy nghề của huyện đã mở được 7 lớp chăn nuôi thú y cho 245 người; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Khuyến nông huyện cũng đã xây dựng các điểm trình diễn chăn nuôi bò vỗ béo ở các cụm xã, qua đó tổ chức hàng chục buổi tập huấn, tham quan học hỏi, hội thảo đầu chuồng nhằm giới thiệu hiệu quả của các mô hình chăn nuôi điển hình để cho người chăn nuôi học tập và làm theo, từ đó phát triển nhân rộng mô hình vào sản xuất.

Ông Hồ Sỹ Quang, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Trong những năm qua, huyện Krông Bông đã khuyến khích người dân phát triển và mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với bảo vệ môi trường, tiến tới một nền nông nghiệp sạch. Vì  vậy, tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện tăng mạnh cả về quy mô và số lượng…”.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tính đến cuối năm 2014, toàn huyện có gần 74.000 con gia súc (trong đó đàn trâu bò có 26.334 con, đàn lợn: 46.069 con); đàn gia cầm: 232.400 con. Toàn huyện có 12 trang trại chăn nuôi heo, bò và số hộ chăn nuôi có số đầu con từ 50 con trở lên không còn là hiếm như trước đây; nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ chăn nuôi.

Trang trại nuôi heo công nghiệp của gia đình ông Đỗ Ngọc Dũng  (thị trấn Krông Kmar).
Trang trại nuôi heo công nghiệp của gia đình ông Đỗ Ngọc Dũng (thị trấn Krông Kmar).

Trong chăn nuôi, nhiều hộ nông dân đã có phương thức hợp đồng với các công ty cung cấp giống, thức ăn, hợp đồng với cán bộ kỹ thuật để bảo đảm việc chăm sóc con giống và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chọn giống mới hướng tới việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với thị trường. Có thể kể đến như mô hình của gia đình ông Đỗ Ngọc Dũng, chủ trang trại chăn nuôi heo ở thị trấn Krông Kmar: Do đất đai của gia đình ông bị bạc màu, nên những năm trước đây trồng cây lương thực may lắm mới có lãi chút ít, còn những năm gặp thiên tai xem như lỗ vốn. Sau khi tìm hiểu thông tin, gia đình ông đã quyết định xây dựng chuồng trại và liên kết với Công ty Chăn nuôi CP mở một trang trại nuôi heo theo hướng công nghiệp và bao tiêu sản phẩm với quy mô mỗi lứa trên dưới 1.000 con, mỗi năm xuất chuồng 2 lứa trên 200 tấn heo hơi. Trừ chi phí đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y và thuê nhân công, gia đình ông còn lãi ròng 400 triệu đồng…

Đối với chăn nuôi đại gia súc, trước đây người dân chủ yếu nuôi trâu, bò để sử dụng sức kéo, chưa có ý thức phát triển chăn nuôi để tạo nguồn thu nhập. Nhưng đến nay với mô hình nuôi bò vỗ béo, nhiều gia đình đã dành riêng quỹ đất để trồng cỏ kết hợp với các phụ phẩm từ nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, do đó trọng lượng bò tăng nhanh và rút ngắn chu kỳ nuôi, tạo giá trị thu nhập cao cho người chăn nuôi. Ông Y Tớ Byă ở buôn Tliêr (xã Hòa Phong) chia sẻ kinh nghiệm: “Trước đây gia đình tôi chăn nuôi bò, chủ yếu là giống bò địa phương. Do chất lượng giống không tốt lại không có chuồng trại nên rất đàn bò chậm lớn. Trong những năm gần đây, gia đình tôi đã thay thế dần giống bò lai, cũng như làm chuồng trại để nuôi, nên không bị xảy ra dịch bệnh. Hiện nay đàn trâu bò của gia đình tôi đã lên đến gần 80 con. 2/3 số bò trên gia đình tôi giúp cho những hộ nghèo trong buôn nuôi rẽ để có điều kiện phát triển chăn nuôi, nhanh chóng thoát nghèo…”.

Từ những hiệu quả tích cực mà ngành chăn nuôi đem lại trong những năm qua, huyện Krông Bông đặt mục tiêu phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc trong thời gian tới theo hướng hàng hóa, gắn với việc xử lý chất thải, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đưa ra các giải pháp kỹ thuật chăn nuôi hợp lý, chọn giống tốt, thức ăn chăn nuôi công nghiệp bảo đảm; xây dựng chuồng trại phù hợp với từng vật nuôi. Về giải pháp lâu dài sẽ hình thành chợ đầu mối tại xã Dang Kang để tiêu thụ sản phẩm, hạn chế thấp nhất tình trạng khi thị trường biến động theo chiều hướng xấu người chăn nuôi bị ép giá, qua đó góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc