Multimedia Đọc Báo in

Rừng giao khoán bây giờ ra sao? - Kỳ II: Áp lực giữ rừng

09:57, 31/03/2015

Giao rừng cho dân là một chủ trương lớn của Nhà nước nhằm góp phần cải thiện đời sống của bà con dân tộc thiểu số tại chỗ, nâng cao công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Mặc dù vậy, khi áp dụng vào thực tiễn đã nảy sinh nhiều vấn đề khiến người dân không thể “sống được với rừng”…

Lấy gì để giữ rừng?

Năm 2007, thực hiện Quyết định 304, UBND huyện Ea Súp đã giao khoán hơn 4.000 ha rừng cho các nhóm hộ của 4 xã: Cư M’lan, Ea Bung, Ea Lê, Ia T’mốt. Trong đó, nhóm hộ ở xã Ea Lê sau một thời gian nhận thấy việc nhận khoán bảo vệ rừng không hiệu quả đã làm đơn trả lại hơn 300 ha rừng cho huyện. Đối với những diện tích rừng giao khoán còn lại, trong đợt thống kê gần đây, nhiều người không khỏi “giật mình” khi có đến hơn 2.000 ha đã bị phá trắng. Riêng  xã Ea Bung có 13 nhóm hộ được giao khoán rừng, với tổng diện tích 1.735ha, nay đã bị mất khoảng 1.264ha. Trong đó, có 2 nhóm hộ được giao rừng đã bị phá hoàn toàn gồm nhóm của ông Huỳnh Tấn Hùng; Nguyễn Văn Dương. Những khu đất này,  dân đã khoanh lô, trồng hoa màu. Hình ảnh duy nhất để nhận ra những nương rẫy này trước đây là rừng chính là những gốc cây lớn, nhỏ đã bị đốn hạ, đốt cháy sém còn sót lại nằm chỏng chơ ở rẫy! Ông Huỳnh Tấn Hùng xót xa: “Rừng nằm cách chỗ chúng tôi ở hơn 15 km, đường rất khó đi, mỗi lần đi tuần tra phải mất một buổi mới đến được rừng, trong khi đó lâm tặc thường tranh thủ phá rừng buổi tối nên không thể giữ nổi rừng!”. Cùng tham gia nhận khoán, nhóm 15 hộ ở thôn 3 (xã Ea Bung) được giao quản lý, bảo vệ 117,4 ha rừng. Sau khi nhận rừng, nhóm tổ chức họp bầu nhóm trưởng, xây dựng quy ước bảo vệ rừng. Nhưng do rừng nằm cách xa 20km, không có kinh phí nên cứ 3 tháng mới tổ chức được một chuyến tuần tra. Ông Trương Công Uynh, nhóm trưởng không giấu diếm: “Rừng của chúng tôi bây giờ chỉ còn cái sổ đỏ được cấp là vẫn còn nguyên, chứ trên thực địa hiện chỉ sót lại hơn 4ha còn rừng!”.

Rừng của nhóm hộ Huỳnh Tấn Hùng đã bị biến thành nương rẫy.
Rừng của nhóm hộ Huỳnh Tấn Hùng đã bị biến thành nương rẫy.

Chia sẻ điều này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Nguyễn Đình Toản cho biết,  là huyện có diện tích rừng lớn nên người dân tứ xứ đổ về đây rất đông, một số về đây để khai thác lâm sản, số khác đến để lấn chiếm đất rừng làm rẫy nên áp lực giữ rừng đối với rừng giao khoán cho nhóm hộ nói riêng và rừng của địa phương nói chung là rất lớn. Đặc biệt, nhiều nhóm đối tượng rất hung hãn, manh động sẵn sàng chống người thi hành công vụ. “Các công ty lâm nghiệp trên địa bàn có bộ máy tổ chức, có lực lượng và công cụ hỗ trợ nhưng rừng vẫn bị phá huống gì rừng giao cho các nhóm hộ quản lý. Như vậy để thấy rằng, rất khó cho các nhóm hộ trong công tác giữ rừng khi mà lực lượng mỏng, trong tay không có một loại công cụ hỗ trợ nào, thì lấy gì để làm đối trọng với số đông lâm tặc manh động, hung hãn. UBND huyện nhiều lần nhận được tin báo có tình trạng phá rừng của những hộ nhận khoán, huyện đều cử lực lượng xuống hỗ trợ truy quét, nhưng khi lực lượng rút về thì đâu lại vào đó”- ông Toản cho biết thêm.

Còn tại huyện Cư M’gar, Lak, Buôn Đôn… rừng giao khoán phần lớn bị chính những hộ nhận khoán chặt phá rồi chuyển thành đất sản xuất. Khi được hỏi thì những hộ này đưa ra nhiều lý do: thiếu đất sản xuất; giữ rừng kinh tế bằng phương án phá nó đi để trồng cây khác…

Vì đâu nên nỗi?

Ông Bùi Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Bung chỉ ra rằng, nguyên nhân của tình trạng rừng giao khoán cho các nhóm hộ bị tàn phá ở địa phương là dân ở nhiều nơi đổ về đây để khai thác lâm sản, xâm chiếm đất rừng làm rẫy. Ngoài ra, Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nhóm hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng mà chủ yếu mới giao rừng trên thực tế và bằng các quyết định, khế ước. Thừa nhận điều này, ông Toản cho rằng, năm 2006, khi được UBND tỉnh giao chỉ tiêu về giao khoán rừng theo Quyết định 304, UBND huyện đã thành lập ban chỉ đạo để rà soát đối tượng và diện tích rừng có phương án giao khoán. Tuy nhiên, do những hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ (đối tượng được giao khoán rừng  theo Quyết định 304) lại không có nhu cầu nhận rừng. Trước tình hình đó, huyện đã xin ý kiến của Sở NN-PTNT về việc giao rừng cho những người dân có nhu cầu nằm ngoài đối tượng ưu tiên này và được Sở đồng ý. Tuy nhiên, những hộ này không nhận được những chính sách như hỗ trợ lương thực đối với hộ nghèo thiếu đói; hỗ trợ giống cây lâm nghiệp, nên thực tế việc giao rừng cho các nhóm hộ là giao trách nhiệm, chứ quyền lợi thì chưa có gì.

Rừng giao khoán tại xã Ea Bung (Ea Súp) bị người dân ngang nhiên lấn chiếm để trồng hoa màu.
Rừng giao khoán tại xã Ea Bung (Ea Súp) bị người dân ngang nhiên lấn chiếm để trồng hoa màu.

Những hộ nhận khoán ở đây cho biết, đã 8 năm giữ rừng nhưng họ không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong khi đó, những hộ tham gia nhận khoán đều khó khăn về kinh tế nên không có tiền đổ xăng và ăn uống mỗi lần đi tuần rừng… Ông Trương Công Uynh cho hay, khi nhận khoán rừng người dân biết là sẽ được hưởng lợi từ việc khai thác gỗ khi đến chu kỳ, nhưng do rừng được giao là rừng nghèo kiệt nên chẳng biết chờ đến khi nào mới được hưởng lợi từ rừng, mà chỉ thấy bỏ tiền túi ra giữ rừng. Nay rừng mất gần hết, nhưng vẫn phải đi tuần tra để giữ lại đất cho Nhà nước…

(Còn nữa)

Lê Hương – Vạn Tiếp

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.