Trồng muồng làm trụ sống cho cây hồ tiêu: Hướng canh tác bền vững
Việc sử dụng cây trụ sống cho hồ tiêu không chỉ góp phần ngăn chặn nạn phá rừng hiện nay vốn đã trầm trọng mà còn tiết kiệm một khoản đầu tư rất lớn, nhất là với những nông dân khởi nghiệp trong điều kiện thiếu vốn và còn nhiều khó khăn, đồng thời tạo sinh thái bền vững trong việc canh tác cây hồ tiêu hiện nay ở nhiều địa phương trong huyện. Ông Trần Văn Hồng, một nông dân ở thôn 1, xã Cư Drăm tham gia mô hình này cho biết: “Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao mà chi phí đầu tư thấp, phù hợp với mọi người. Trồng muồng để làm trụ cho cây tiêu giúp giảm hơn một nửa chi chí đầu tư so với sử dụng trụ gỗ, hoặc trụ bê tông và hạn chế đáng kể tình trạng phá rừng”.
Một vườn tiêu với trụ sống là cây muồng. |
Nhiều hộ nông dân tham gia mô hình trồng muồng đen làm trụ tiêu ở các xã nằm trong vùng dự án như: Cư Drăm, Cư Pui, Hòa Lễ và Yang Mao cho biết thêm: Cây muồng đen có nhiều ưu điểm vượt trội so với những loại cây sống khác như lồng mức, mít, keo, dông... vì đây là cây họ đậu nên lá cung cấp mùn hữu cơ rất tốt cho việc cải tạo đất, tán là vừa phải, tỉa cành cũng dễ, thân gỗ tốt nhóm 2A, rễ ăn sâu nên không cạnh tranh dinh dưỡng với cây tiêu, cây lớn tương đối nhanh. Trồng cây con từ 1-2 năm có thể cho dây tiêu leo. Dùng muồng đen vừa làm trụ, vừa chắn gió, vừa tạo bóng mát cho cây hồ tiêu theo mô hình nông - lâm kết hợp. Chính nhờ ưu điểm này nên chỉ sau 2 năm triển khai, Dự án Hỗ trợ phát triển lâm nghiệp huyện đã thu hút được 460 hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình nông – lâm kết hợp và đã trồng được gần 500 ha, trong đó mô hình muồng – tiêu có 50 ha, mô hình muồng – tiêu – cà phê và cây ăn quả có 450 ha. Anh Trần Văn Dũng, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Phát triển xã Yang Mao nhận định: “Từ khi mô hình nông - lâm kết hợp do Dự án Flitch triển khai trên địa bàn xã Yang Mao, bà con nông dân đã tích cực tham gia trồng rừng kết hợp với hồ tiêu và cây ăn trái. Đến đầu năm 2015, mô hình này đã phủ gần như toàn bộ diện tích đất đồi rừng trên địa bàn xã”.
Dùng cây muồng đen làm trụ sống cho cây tiêu có nhiều ưu điểm: giảm chi phí đầu tư cho nông dân, hạn chế tình trạng phá rừng, cải tạo đất vườn đồi cho các nông hộ, góp phần đa dạng hóa cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm trong các trang trại. Ông Đào Duy Ba ở thôn 2, xã Cư Drăm, người có hơn 5 ha đất đồi thực hiện mô hình nông - lâm kết hợp từ sự hỗ trợ của Dự án Flitch khẳng định: “Ngoài tác dụng làm trụ đỡ, làm cây che bóng, cây muồng đen còn có thể hạn chế được điều kiện lây lan của các loại bệnh nguy hiểm đối với cây tiêu, do các cây tiêu không trồng tập trung gần nhau. Đây là một kiểu canh tác bền vững cần được chú trọng nhân rộng”.
Có thể nói, trồng tiêu trên cây trụ muồng đen sống là một giải pháp hiệu quả, mới được nông dân các xã trong vùng Dự án Hỗ trợ phát triển lâm nghiệp áp dụng từ 2 năm nay. Với những hiệu quả thiết thực mà cách làm này mang lại, người dân ở các xã: Cư Drăm, Yang Mao, Cư Pui… đã và đang tích cực mở rộng diện tích, thay thế các trụ tiêu bằng cọc gỗ, hoặc bằng trụ bê tông để hạn chế nạn phá rừng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập.
Phúc Trình
Ý kiến bạn đọc