Xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả từ hai bàn tay trắng
Ban đầu vốn liếng không có, vợ chồng ông đi làm thuê cuốc mướn để sống qua ngày. Nhờ sự hỗ trợ của một số tổ chức đoàn thể như Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội nông dân, Mặt trận… cho vay vốn lãi suất thấp hoặc không lãi, vợ chồng ông đã đầu tư con giống chăn nuôi heo. Về chi phí thức ăn, hai vợ chồng chịu khó đi xin nước rác nên lãi nuôi heo lên đến 70%. Ngoài nuôi heo, ông còn đi các tỉnh tìm hiểu kỹ thuật nuôi gà, vịt siêu trứng. Tích cóp trong 5 năm (2005-2009) từ chăn nuôi heo, gà, vịt, vợ chồng ông mua được 7 sào cà phê và lập mô hình trồng hoa hồng, hoa cúc thành công nhờ học hỏi kinh nghiệm từ Đà Lạt. Hiện nay gia đình ông thường xuyên trồng 3 – 4 sào hoa, mỗi sào thu lãi khoảng 35 triệu đồng/lứa (90-115 ngày); giải quyết công ăn việc làm cho 6-8 lao động.
Trong quá trình chăn nuôi heo, nhận thấy việc nuôi heo rừng ít tốn kém và ít bị dịch bệnh, gia đình ông chuyển sang gây dựng đàn heo rừng lai. Nhờ có lợi thế nhà ở xa khu dân cư, gia đình ông đã xây dựng được trang trại heo rừng với 10 heo nái. Từ năm 2013 đến nay mỗi năm gia đình xuất bán ra thị trường từ 140 – 150 con heo rừng (15-20 kg/con heo thịt, 8-10 kg/con heo giống), thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Như vậy từ chỗ bị phá sản, nhờ sự hỗ trợ ban đầu của các tổ chức đoàn thể, cùng với sự năng động, nỗ lực vượt khó, cựu chiến binh Bùi Đình Sơn đã vươn lên thoát nghèo và xây dựng được nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả, góp phần động viên phong trào thi đua lao động, sản xuất ở địa phương.
Ngọc Minh
Ý kiến bạn đọc