Đẩy mạnh thu hút đầu tư từ thế mạnh trung tâm vùng
Với vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng - an ninh, hệ thống giao thông thuận lợi, những năm gần đây, Dak Lak từng bước phát huy thế mạnh, trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Dấu ấn đầu tư
Từ năm 1986, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, Dak Lak bắt đầu thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh. Trước năm 2006 số lượng dự án đầu tư còn thấp cả về số lượng và vốn đầu tư, chủ yếu là các dự án trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, cả giai đoạn 1986 - 2005 chỉ có 33 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 17.300 tỷ đồng, trong đó chỉ có 1 dự án FDI. Từ năm 2006 - 2010, cùng với sự ra đời và có hiệu lực của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, số lượng các dự án vào tỉnh đã có bước nhảy vọt, lên đến 470 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 60.000 tỷ đồng (trong đó có 6 dự án FDI, với tổng vốn 95 triệu USD). Giai đoạn 2010 - 2014, toàn tỉnh thu hút 221 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 21.560 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2014 thu hút được 38 dự án, đã lựa chọn được nhà đầu tư, tổng vốn hơn 5.000 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án được UBND tỉnh phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo Thông tư 03/2009/TT-BKH; có 3 dự án được chỉ định thầu (dự án xã hội hóa); 10 dự án cho chủ trương không qua đấu thầu; 14 dự án trong các khu, cụm công nghiệp. So với năm 2013, tăng 13 dự án và tăng 19% về tổng vốn đăng ký đầu tư. Ông Võ Ngọc Tuyên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư cho biết: Cùng với đà tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua, tình hình thu hút đầu tư của tỉnh cũng có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng dự án thu hút tăng cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt số nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Dak Lak ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2010 – 2014 có nhiều dự án lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Trung tâm Metro Cash & Carry tại TP. Buôn Ma Thuột, với tổng vốn đầu tư khoảng 303 tỷ đồng, Trung tâm thương mại Nguyễn Kim, đầu tư 300 tỷ đồng, Siêu thị Vinatex ( gần 120 tỷ đồng), Khách sạn Sài Gòn – Ban Mê (khoảng 200 tỷ đồng); một số dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa cũng hoàn thành và đưa vào khai thác như Bệnh viện Ngoại – sản Tây Nguyên (406 tỷ đồng), Bệnh viện Mắt Tây Nguyên (50 tỷ đồng), Trường Mầm non quốc tế Hoa Sen tại khu dân cư đô thị khối 6 phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột (29 tỷ đồng), Trường Mầm non tư thục Tuấn Vũ tại đường Lê Thị Hồng Gấm, TP. Buôn Ma Thuột (30 tỷ đồng), Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, giai đoạn 2 (360 tỷ đồng)...
Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Ko Tam, một trong những dự án đầu tư về du lịch của Dak Lak, giai đoạn 2010 - 2014, đã trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. |
Phát huy thế mạnh
Dak Lak có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng - an ninh với hệ thống giao thông thuận lợi gồm các quốc lộ 14, 26, 27, 29 và Sân bay Buôn Ma Thuột nối liền các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh. Dak Lak cũng là tỉnh nằm trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, có đường biên giới dài 73km giáp với tỉnh Mondulkiri (Campuchia). Bên cạnh đó, với tiềm năng về rừng gần 600.000 ha, diện tích đất Bazan chiếm 24,8% diện tích tự nhiên, khí hậu phù hợp với cây công nghiệp như cà phê, cao su, tiêu, điều, ca cao… đã tạo cho tỉnh thế mạnh đặc thù mà không phải địa phương nào cũng có được. Để Dak Lak trở thành tỉnh phát triển về công nghiệp cũng như Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên và đô thị hạt nhân trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia, thì thu hút vốn đầu tư, vận động viện trợ được coi là khâu quan trọng, mang tính đột phá. Chính vì vậy, trong những năm qua, tỉnh luôn triển khai nhiều giải pháp để phát huy thế mạnh này. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như: sản xuất nông nghiệp, nhất là việc ứng dụng công nghệ sinh học cũng như các công nghệ khác để tạo ra giá trị gia tăng cao theo hướng khai thác các tiềm năng về công nghiệp chế biến nông - lâm sản, gắn với nhu cầu thị trường và dựa trên các vùng nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn; phát triển du lịch, dịch vụ theo chiều sâu, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù; xây dựng và kinh doanh các siêu thị, trung tâm thương mại, hình thành trung tâm dịch vụ logistics vùng Tây Nguyên, phát triển các lĩnh vực xã hội hóa như giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao…
Hoạt động sản xuất, chế biến cà phê tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak. |
Trong điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế, việc tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, đặc biệt là sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ để giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, đời sống của người dân, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu xóa đói giảm nghèo được tỉnh đặc biệt quan tâm. Về các nhóm giải pháp thu hút đầu tư trong thời gian tới, ông Võ Ngọc Tuyên cũng cho biết: Tỉnh đang tiếp tục tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông liên tỉnh nối Dak Lak với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, các địa phương khác trong nước và khu vực Tam giác phát triển; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên các lĩnh vực thủy lợi, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, điện, hệ thống đường bộ. Bên cạnh đó, tỉnh triển khai có hiệu quả Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020; đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực giáo dục; cải cách hành chính, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh (PCI), tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hiệu quả.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc