Multimedia Đọc Báo in

Diện mạo mới trên vùng căn cứ cách mạng Cư Pui

09:35, 27/04/2015

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) là căn cứ cách mạng vững chắc. Dẫu phải hứng chịu nhiều trận mưa bom, bão đạn nhưng người dân nơi đây vẫn anh dũng, kiên cường bám rừng, bám buôn để nuôi giấu cán bộ. Tiếp nối quá khứ hào hùng trong thời chiến, ngày nay, nhân dân xã Cư Pui lại đang tiếp tục “đấu tranh” trên mặt trận chống đói nghèo, xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp.

Theo tài liệu lịch sử Đảng bộ xã Cư Pui, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Cư Pui tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết chung tay xây dựng chính quyền nhân dân. Độc lập, tự do chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Tháng 12-1945 quân Pháp tấn công đánh chiếm Dak Lak, chúng tìm mọi cách để dụ dỗ, mua chuộc và khống chế đồng bào M’nông, Êđê, tuy nhiên người dân trong xã vẫn một lòng một dạ hướng về cách mạng. Năm 1949, tại Cư Pui, một số đội vũ trang tuyên truyền được thành lập, từ đó xây dựng được hàng chục cơ sở cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, vào năm 1960, hầu hết các buôn đã thành lập các tổ trung kiên (tiền thân của lực lượng du kích xã), các ban tự quản… vừa làm nhiệm vụ động viên đồng bào sản xuất vừa kiên trì đấu tranh bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở. Ngày 9-5-1965, nhân dân và du kích xã phối hợp với bộ đội chủ lực tấn công cứ điểm Amí Ga (buôn Khanh ngày nay), giải phóng hoàn toàn huyện Krông Bông. Tháng 12-1965, tại buôn Dak Tuôr (xã Cư Pui) đã diễn ra sự kiện hợp nhất Mặt trận 3B, bao gồm B3 (Cheo Reo, Buôn Hồ, M’ Drak), B5 (Lak) và B6 (Buôn Ma Thuột và vùng ven) thành Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Dak Lak, góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Cư Pui, những ngôi nhà kiên cố, khang trang xuất hiện ngày càng nhiều.
Cư Pui, những ngôi nhà kiên cố, khang trang xuất hiện ngày càng nhiều.

Trong những năm 1966-1974, Cư Pui không chỉ là trung tâm tiếp tế, thông tin liên lạc từ miền Bắc, miền Trung đến các tỉnh miền Nam mà còn là nơi Tỉnh ủy Dak Lak chọn làm căn cứ để chỉ đạo phong trào cách mạng. Ngoài ra, khu căn cứ này còn là hành lang để đưa đón cán bộ tăng cường cho chiến trường Tây Nguyên trong những năm 1968-1973. Với những thành tích đạt được trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Cư Pui đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2010.

Thấm thoát đã 40 năm trôi qua tính từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, diện mạo vùng căn cứ năm xưa đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Điển hình trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần tạo diện mạo mới cho Cư Pui ngày nay phải kể đến buôn Khanh (buôn căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến). Buôn Khanh hiện có 182 hộ với 871 khẩu, trong đó 137 hộ là người dân tộc thiểu số. Nếu như trước đây, tỷ lệ hộ nghèo trong buôn chiếm hơn 62 %, tỷ lệ nhà tạm trên 50% thì đến nay cả buôn chỉ còn 26 hộ nghèo; điện lưới quốc gia và nước sạch đã đến với 100% hộ gia đình; hệ thống giao thông nội vùng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa... Buôn đã không còn những con đường đất bụi bặm, nhiều ngôi nhà được xây mới khang trang, 100% hộ có phương tiện nghe nhìn, 85% số hộ có xe máy, máy cày phục vụ sản xuất… Ông Y Som Byă (SN1952), Trưởng buôn Khanh vui vẻ chia sẻ: “Trước đây các gia đình trong buôn nghèo lắm. Do đồng bào vẫn áp dụng phương thức sản xuất lạc hậu nên cái đói, cái nghèo cứ bám mãi. Giờ đây, được Nhà nước quan tâm, người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên bộ mặt buôn làng đã thay đổi rõ rệt, đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể. Nhiều hộ dân từ đói nghèo đã vươn lên làm giàu, xây dựng nhà kiên cố, mua sắm những phương tiện hiện đại phục vụ đời sống gia đình và sản xuất…”. Cũng giống như buôn Khanh, trước đây, Cư Tê là một trong những thôn có tỷ lệ đói nghèo, tỷ lệ người mù chữ cao nhất xã…, nhưng đến nay cuộc sống của người dân trong thôn đã từng bước ổn định, là thôn có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong 7 thôn người Mông di cư trên địa bàn xã Cư Pui. Trong thôn đã xuất hiện nhiều gia đình khá giả, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng như gia đình ông Tráng Seo Hòa, gia đình ông Hùng Đức Thanh… nhờ trồng sắn, ngô cộng với chăn nuôi heo, bò…

Chỉ cho chúng tôi xem những ngôi nhà mới, những con đường nhựa uốn lượn trên đồi và cánh đồng lúa dưới chân núi, ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui không giấu được vẻ phấn khởi: “Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cũng như những nỗ lực của đồng bào các dân tộc xã Cư Pui đã và đang tạo dựng diện mạo mới cho quê hương cách mạng. Nếu như vào năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm hơn 50% thì nay giảm chỉ còn 594/ 2.344 hộ (chiếm 25,3%); thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 10 triệu đồng/năm; đường giao thông liên thôn, giao thông nội đồng được bê tông hóa hoặc thảm nhựa để phục vụ sản xuất, sinh hoạt; 100% hộ đồng bào dân tộc được sử dụng điện lưới quốc gia; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường...”. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tăng gia sản xuất hiệu quả, xã Cư Pui đã được đầu tư hệ thống công trình thủy lợi; chuyển đổi cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã triển khai có hiệu quả các chương trình 132, 134, 135,... của Chính phủ về giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các thôn, buôn.

Đến Cư Pui, được chứng kiến nhiều đổi thay trong từng nếp nhà, từng con đường… của vùng quê cách mạng năm xưa khiến chúng ta càng khâm phục người dân nơi đây. Khâm phục không chỉ bởi truyền thống cách mạng, anh dũng, kiên trung trong quá khứ mà Cư Pui còn là một “điểm sáng” trên mặt trận chống đói nghèo, lạc hậu, phát triển kinh tế để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.