Phát triển thủy lợi cho cây cà phê: Thách thức không nhỏ
Dak Lak đang bước vào giai đoạn cuối mùa khô, hàng chục nghìn héc-ta cây trồng đối mặt với khô hạn, nhất là cây cà phê. Tại nhiều vùng trồng cà phê như Krông Buk, Krông Năng, Cư M’gar…, nông dân đang gồng mình tìm kiếm nguồn nước chống hạn, trong khi đó hệ thống thủy lợi gần như bất lực trước tình trạng khô hạn.
Hạn... đến hẹn lại lên
Trong vòng 10 năm trở lại đây, gần như năm nào cũng vậy, cứ sau Tết Nguyên đán, người trồng cà phê lại chạy đôn chạy đáo lo nước tưới, nhưng năm nào cũng có diện tích cà phê bị thiếu nước tưới, thậm chí có nơi bị khô cháy vì không có nguồn nước chống hạn. Tại huyện Krông Buk, dù đã có vài trận mưa cục bộ, nhưng cũng chưa thấm vào đâu đối với diện tích cà phê bị thiếu nước tưới của huyện. Anh Huỳnh Chung ở thôn Ea Kroa (xã Cư Né) cho biết, gia đình có 2 ha, nguồn nước tưới chủ yếu là từ đập buôn K’drô nhưng mới tưới được một đợt, đến đợt 2 thì đập đã khô nước, phải chuyển qua tưới bằng giếng đào nhưng cũng chỉ tưới được 10-15 phút là hết nước, đành phải chờ có khi cả buổi mới có nước để tưới. Còn anh Chu Văn Thạnh, ở thôn Ea Cung (xã Cư Né) chia sẻ, gia đình chỉ có 1 ha nhưng cách đập buôn K’drô khoảng 2 km, vì ở gần rẫy không có nguồn nước nên phải lấy nước từ đập này nhưng cũng chỉ mới tưới được một đợt, sang đợt hai thì không còn nước, đào giếng ở gần rẫy thì toàn gặp đá đành phải đào giếng ngay cạnh lòng đập để lấy nước tưới. Tuy nhiên, để bơm được nước đến rẫy cần đến 40 cuộn ống và 3 máy bơm chuyền, tính ra, tiền thu từ cà phê không đủ chi phí cho tưới nước. Theo người dân ở đây, đập buôn K’drô chỉ phục vụ tưới cho trên 65 ha cà phê, nhưng thực chất phải tưới cho khoảng 300 ha khu vực lân cận, chính vì vậy năm nào cũng bị cạn nước và năm nay là nặng nhất, đập cạn khô. Theo ông Y Bleo Adrơng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện, năm nay tình hình khô hạn trên địa bàn huyện rất nghiêm trọng, đến thời điểm này toàn huyện đã có 7.152 ha cà phê bị hạn, chiếm gần 34% tổng diện tích, trong đó có 166 ha thiếu nước tưới đợt 1, mức độ thiệt hại trên 70%; 6.986 ha đang thiếu nước tưới đợt 2, mức độ thiệt hại từ 30-50%. Hiện đã có 14 hồ, đập cạn khô nước, 21 công trình thủy lợi còn lại lượng nước chỉ còn 30-40%; các suối, giếng hầu như đều bị khô cạn.
Nông dân huyện Krông Buk phải đào giếng để lấy nước tưới chống hạn cho cà phê. |
Không chỉ huyện Krông Buk, mà đa số các vùng cà phê trọng điểm của tỉnh đều rơi vào tình trạng này. Theo số liệu của Sở NN-PTNT, ngay trong mùa khô của năm 2015 đã có gần 24.000 ha cà phê bị hạn, trong đó nặng nhất là các huyện Krông Buk 7.152 ha, Krông Năng 5.152 ha, Ea H’leo gần 3.400 ha… Điều đáng nói là nguồn nước để chống hạn ngày càng khan hiếm và cạn kiệt, đến nay nhiều suối không còn dòng chảy, mực nước các sông, suối lớn giảm nhanh; hầu hết các hồ chứa nhỏ đã cạn khô hoặc dưới mực nước chết, nước ngầm suy giảm cạn kiệt, nguồn nước chống hạn phục vụ sản xuất và nhu cầu sinh hoạt đang gặp nhiều khó khăn; đã có 102 công trình thủy lợi bị khô cạn hoặc dưới mực nước chết.
Vì đâu nên nỗi...
Theo Chi cục Thủy lợi, tính hết năm 2014, Dak Lak có khoảng 737 công trình thủy lợi, gồm 575 hồ chứa, 103 đập dâng, 59 trạm bơm và một hệ thống đê bao, có thể tưới cho khoảng 230.300 ha, trong đó lúa đông xuân 30.000 ha, vụ mùa 53.400 ha; cà phê 132.300 ha..., nhưng thực tế đang phải gồng mình tưới cho trên 200.000 ha cà phê, chưa tính diện tích lúa. Điều này cũng cho thấy việc phát triển thủy lợi vẫn còn nhiều bất cập, chưa theo kịp diện tích cây trồng đang tăng nhanh và đáng nói hơn việc thiết kế hệ thống thủy lợi dành riêng cho cây cà phê chưa được quan tâm đúng mức. Đơn cử như huyện Krông Buk 36 công trình thủy lợi chủ yếu là hồ đập nhỏ nên chỉ đáp ứng tưới cho khoảng 2.700 ha cà phê, trong khi đó, diện tích cà phê toàn huyện là 21.252 ha. Hay huyện Krông Năng có trên 26.000 ha cà phê, nhưng chỉ có 92 công trình thủy lợi chỉ đủ tưới khoảng 25% diện tích, còn lại tưới từ sông, suối tự nhiên và nước giếng khoan, giếng đào.
Nhiều diện tích cà phê ở huyện Krông Buk đang bắt đầu héo và vàng lá do không có nước tưới. |
Ngoài nguyên nhân do các công trình thủy lợi chưa đáp ứng được nhu cầu thì nguyên nhân gián tiếp là do diện tích các loại cây trồng tăng nhanh, phá vỡ quy hoạch, nhất là cây cà phê, người dân đổ xô trồng ngay cả ở những diện tích không có công trình thủy lợi, dẫn đến khai thác quá mức nguồn nước ngầm, đồng thời tranh chấp nguồn nước với những diện tích trong quy hoạch. Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, trong vòng 10 năm trở lại đây, diện tích cà phê của tỉnh tăng liên tục, nếu năm 2004 chỉ 165.126 ha, thì đến năm 2014 tăng lên trên 204.000 ha, bình quân tăng hơn 3.800 ha/năm. Ngoài việc tăng diện tích phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến phát triển bền vững, thì cây cà phê còn phải đối mặt với rất nhiều bất lợi, trong đó có vấn đề thiếu nguồn nước tưới. Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT cũng đưa ra giải pháp lâu dài như: Chính phủ cần đầu tư các dự án trồng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn; xây dựng các công trình thủy lợi lớn trọng điểm, đồng thời nâng cấp các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, hoàn thiện hệ thống kênh mương nhằm đáp ứng đủ nguồn nước vụ nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân trong tỉnh. Trước tình hình biến đổi khí hậu, nhu cầu phát triển sản xuất tăng nhanh, nguồn nước phục vụ sản xuất ngày càng có nguy cơ bị thiếu hụt, vấn đề bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý; nghiên cứu các giải pháp tưới nước tiết kiệm để bảo vệ nguồn nước và sản xuất đạt hiệu quả cũng cần được các địa phương lưu tâm.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc