Multimedia Đọc Báo in

Quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị Buôn Ma Thuột: Những bất cập từ thực tế

09:25, 06/04/2015

Trong những năm qua, công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị Buôn Ma Thuột đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đưa thành phố phát triển theo hướng hiện đại, xanh, sạch, đẹp với cảnh quan, kiến trúc đặc trưng, gắn với bảo tồn lịch sử, văn hóa truyền thống. Tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều bất cập đòi hỏi có những giải pháp đồng bộ…

Quy hoạch đô thị xanh của Tây Nguyên

Có thể nói, trong xây dựng và phát triển đô thị hiện nay, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng đóng vai trò quan trọng, mang tính chiến lược, làm cơ sở cho đầu tư xây dựng các công trình, chỉnh trang và phát triển đô thị… Đến nay, hầu hết diện tích đất quy hoạch chung đô thị Buôn Ma Thuột được duyệt năm 1998 (5.000 ha) đã được phủ kín quy hoạch phân khu 1/2000 (chiếm khoảng 84%), đáp ứng tốt các nhu cầu phát triển đô thị. Trong giai đoạn đến năm 2020, TP. Buôn Ma Thuột sẽ chọn việc tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, lấy việc quản lý và xây dựng, chỉnh trang đô thị là một trong những khâu đột phá để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị gồm: giao thông, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường đô thị, cây xanh… được thành phố quan tâm như: hoàn thành việc xây dựng mở rộng hệ thống đường giao thông đối ngoại, trong đó đề nghị Chính phủ nâng cấp mở rộng các tuyến Quốc lộ 14, 26, 27, 29, 14C, nối Quốc lộ 29 với Campuchia; hoàn chỉnh quy hoạch đường sắt Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột; đầu tư nâng cấp Sân bay Buôn Ma Thuột trở thành sân bay quốc tế.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư mở rộng các tỉnh lộ từ TP. Buôn Ma Thuột đến trung tâm các huyện: Cư M’gar (tỉnh lộ 8), Buôn Trấp (tỉnh lộ 2), Buôn Đôn (tỉnh lộ 1); xây dựng một số tuyến đường đô thị mới như đường vành đai phía Tây, đại lộ Đông – Tây, đường Ama Khê kéo dài, đường Trần Quý Cáp; cải tạo xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa trên các trục đường phố, trong các khu đô thị mới. Mặt khác, để tạo không gian xanh cho đô thị, công tác quy hoạch cũng chú trọng đến việc bảo tồn, tôn tạo khu rừng cảnh quan, tiếp tục bổ sung mạng lưới cây xanh, hoa cây cảnh trên đường phố, trong các công trình công cộng; xây dựng các công viên tại một số khu vực như: Nghĩa trang Phan Bội Châu (cũ), Công ty ôtô Dak Lak (cũ), Công ty Cấp thoát nước (cũ) và trong các khu đô thị mới theo quy hoạch.

Để Buôn Ma Thuột phát triển phù hợp với tiến trình hội nhập, năng động, nhưng vẫn gìn giữ được những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa, hiện tại quy hoạch chung đô thị TP. Buôn Ma Thuột được điều chỉnh và xác định là đồ án quy hoạch có tính chiến lược đối với sự phát triển của đô thị hạt nhân vùng Tây Nguyên, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng, định hướng một đô thị hiện đại phát triển bền vững, hình thành rõ nét các khu chức năng như: công nghiệp, khu đô thị, trung tâm hành chính, trung tâm văn hóa TDTT, y tế, giáo dục, thương mại dịch vụ... Trong giai đoạn 2010 – 2015, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã phê duyệt 200 đồ án quy hoạch chi tiết, với tổng diện tích 526,0ha (trong đó có 23 đồ án quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500, với diện tích 346,7ha; có 177 dự án quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500, với diện tích 179,3ha), đã tạo tiền đề cho việc xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Thi công đường vành đai phía Tây TP. Buôn Ma Thuột.
Thi công đường vành đai phía Tây TP. Buôn Ma Thuột.

Quản lý quy hoạch còn đó những bất cập

Ông Lâm Tứ Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, xác định rõ tầm quan trọng của công tác quy hoạch, trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư phát triển đô thị Buôn Ma Thuột, nhưng công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị vẫn còn một số hạn chế nhất định. Chất lượng một số đồ án quy hoạch ở đô thị Buôn Ma Thuột còn thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa thực hiện vai trò định hướng và bảo đảm tính đồng bộ trong quá trình xây dựng, cải tạo và chỉnh trang đô thị. Chính vì vậy, nhiều khu vực của thành phố có khả năng thu hút đầu tư xây dựng lớn, nhưng chưa có quy hoạch chi tiết đã làm chậm cơ hội đầu tư và phát triển đô thị. Hiện nay một số hồ sơ quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết không còn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều đồ án còn thiếu sự kết hợp phát triển của các công trình xây dựng với hạ tầng kỹ thuật, gây nhiều khó khăn cho công tác xây dựng, quản lý, phát triển đô thị. Mặc dù quy định về thiết kế đô thị đã có từ năm 2005 (Nghị định số 08/2005/NĐ - CP về quy hoạch xây dựng), nhưng hầu hết các đồ án quy hoạch trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột không có thiết kế đô thị. 

Một góc  TP. Buôn Ma Thuột mang dáng dấp của đô thị hiện đại, văn minh.
Một góc TP. Buôn Ma Thuột mang dáng dấp của đô thị hiện đại, văn minh.

Từ khi có Luật Quy hoạch đô thị ngày 17-6-2009, thiết kế đô thị mới được quan tâm thực hiện ở các đồ án quy hoạch… Vì vậy, nhiều khu vực của thành phố có khả năng thu hút đầu tư xây dựng lớn, nhưng chưa được khai thác, nhiều cơ hội đầu tư xây dựng bị bỏ lỡ do có một số dự án “treo”. Bên cạnh đó, việc phát hiện xử lý vi phạm chưa kịp thời và triệt để. Tình trạng xây dựng không phép, sai quy hoạch, xây dựng đón đầu đền bù trong vùng đã có quy hoạch được duyệt và công bố còn diễn ra ở một số phường, xã…Thành phố chưa có một văn bản nào có tính pháp lý cao để có thể chuyển hóa các nội dung của đồ án quy hoạch, các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn làm cơ sở cho quản lý hoạt động đầu tư xây dựng công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật chưa sâu rộng và chưa đạt hiệu qủa mong muốn. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị chưa đáp ứng các yêu cầu quản lý hiện nay.

Với tốc độ đô thị hóa phát triển cao, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng TP. Buôn Ma Thuột càng trở nên cấp bách. Để khắc phục những tồn tại nêu trên, ông Lâm Tứ Toàn cũng cho rằng cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp: Nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch;  xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, trong đó phân rõ trách nhiệm chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch, xây dựng theo quy hoạch được duyệt… Xác định rõ các khu vực ưu tiên đầu tư xây dựng để khắc phục tình trạng “quy hoạch treo”. Các dự án đầu tư xây dựng đã, đang triển khai cần được cập nhật và công bố kịp thời, đầy đủ cho các tổ chức, cá nhân biết để giám sát việc thực hiện. Đồng thời có chế tài xử lý triệt để đối với những trường hợp vi phạm, hạn chế tối đa việc xây dựng sai quy hoạch, không theo giấy phép, phá vỡ kiến trúc, cảnh quan đô thị.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.