Multimedia Đọc Báo in

Áp lực từ việc dừng tái cơ cấu lại nợ

09:12, 15/05/2015
Với việc chủ trương cơ cấu lại các khoản nợ đã chính thức hết thời hạn kể từ ngày 1-4-2015, các ngân hàng, doanh nghiệp (DN) đang phải chịu áp lực khá lớn.

Chủ trương cơ cấu lại nợ với mục đích là giúp khách hàng tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vốn vay, bảo đảm khả năng trả nợ, giảm nợ xấu, đồng thời tiếp tục xem xét cho vay mới đối với các hồ sơ vay vốn có khả năng trả nợ. Đây còn được xem là giải pháp hướng đến nhiều mục tiêu, vừa cải thiện nợ xấu ngân hàng, vừa giúp DN có điều kiện ổn định sản xuất để vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, xét cho cùng, việc cơ cấu lại nợ chỉ mang ý nghĩa tình thế, bởi vì những DN vướng nợ chưa có khả năng phục hồi khi kinh tế tiếp tục chịu ảnh hưởng suy thoái.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Viettinbank Chi nhánh Dak Lak.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Viettinbank Chi nhánh Dak Lak.

Thực tế trên địa bàn tỉnh, các tổ chức tín dụng chủ yếu ưu tiên xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng xuống theo mức lãi suất cho vay hiện hành, nhất là đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động..., suốt trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, các ngân hàng trên địa bàn đã tích cực thực hiện điều này. Tính đến hết tháng 3-2015, trong cơ cấu dư nợ tín dụng, dư nợ cho vay lãi suất đến 9%/năm ước đạt 15.088 tỷ đồng, chiếm 31,9% tổng dư nợ cho vay; dư nợ cho vay lãi suất trên 9%/năm đến 13%/năm ước 27.993 tỷ đồng, chiếm 59,1% tổng dư nợ cho vay; dư nợ cho vay lãi suất trên 13%/năm ước đạt 4.292 tỷ đồng, chiếm 9% tổng dư nợ cho vay. Chủ trương cơ cấu lại nợ giúp DN có thêm cơ hội sản xuất kinh doanh, đồng thời giúp các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ, nhưng vẫn giữ nguyên phân loại nợ. Trước đây, các DN không trả nợ đúng hạn, ngân hàng cũng cơ cấu lại nợ nhưng DN sẽ bị thay đổi nhóm xếp hạng tín nhiệm. Nhờ không bị chuyển nhóm, nợ xấu (nợ nhóm 3, 4, 5) của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh vẫn nằm trong giới hạn cho phép, chỉ ở mức 1.125 tỷ đồng, chiếm 2,4% tổng dư nợ cho vay. Thế nhưng, theo Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 18-3-2014, đến 1-4-2015 các ngân hàng phải chính thức ngừng cơ cấu lại các khoản nợ. Theo đại diện một ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, đối với các ngân hàng, việc dừng cơ cấu lại các khoản nợ sẽ tạo áp lực thu hồi vốn, chi phí trích lập dự phòng sẽ tăng lên. Trong khi đó, các DN cũng sẽ gặp khó khăn phải thanh toán các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản đến hạn khi không còn chính sách khoanh, dãn nợ như trước.

Áp lực là không tránh khỏi, nhưng dừng tái cơ cấu lại nợ là động thái cần thiết để ngành ngân hàng có thể hướng đến tăng trưởng bền vững khi việc trích lập dự phòng phải được thực hiện nghiêm túc hơn, từng bước tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong hoạt động ngân hàng. Phần khó hơn là đối với các DN, nhưng lại là quy luật tất yếu để DN có thể thêm một lần “thanh lọc” chính mình. Và nếu chứng minh được "sức khỏe" tốt thì DN hoàn toàn có thể thuyết phục được ngân hàng chuyển đổi từ nợ ngắn hạn thành nợ trung, dài hạn để giãn bớt áp lực nợ. Bởi các ngân hàng cũng rất “dễ thở” về nguồn vốn khi Thông tư 36/2014/TT-NHNN (có hiệu lực thi hành từ 1-2-2015) đã nới rộng giới hạn tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ 30% lên tới 60%...

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.