Cải tạo "đầm hoang" thành trang trại trù phú
Năm 1990, gia đình anh Trần Đình Hiến (SN 1983) di cư từ tỉnh Thái Bình vào xã Ea Kpam. Gia đình anh khai hoang được khoảng 6 ha đất ở “đầm hoang”, nhưng do không trồng trọt được gì nên chỉ tập trung chăm sóc hơn 2 ha cà phê ở giữa thôn. Đầu năm 2010, sau khi lập gia đình, anh Hiến được cha mẹ chia cho 8 sào cà phê đang cho thu hoạch và gần 2 ha đất tại “đầm hoang”. Với sức trẻ của hai vợ chồng thì 8 sào cà phê chẳng thấm vào đâu nên vợ chồng anh đã động viên nhau tranh thủ đào ao, đắp bờ trên một phần nhỏ diện tích đất bỏ hoang để nuôi cá. Một thời gian sau, từ bàn tay cần cù lao động của hai vợ chồng anh, một ao cá diện tích gần 3.000 m2 mặt nước đã hình thành, vụ đầu tiên sau bốn tháng nuôi cá cho lãi hơn 20 triệu đồng tương đương thu nhập từ 8 sào cà phê sau một năm chăm sóc. Thế là vợ chồng anh quyết định bán vườn cà phê để lấy vốn đầu tư đào ao nuôi cá trên diện tích còn lại tại “đầm hoang”.
Đầu năm 2011, vợ chồng anh Hiến đã thuê máy đào 4 ao nuôi cá với tổng diện tích mặt hồ trên 1,2 ha, độ sâu trung bình 1,5 m. Trên các bờ hồ, anh chị trồng cỏ voi làm thức ăn cho cá và trồng cây cao su. Vụ đầu tiên, anh đầu tư 30 triệu đồng mua giống cá trắm cỏ về thả với ý định tận dụng một phần thức ăn từ cỏ trồng quanh bờ hồ để bớt chi phí tiền thức ăn cho cá. Nhưng không may, chỉ một thời gian sau, cá bị dịch bệnh chết nổi trắng cả mặt hồ, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Không nản chí, anh Hiến tìm đọc tài liệu, học hỏi kinh nghiệm từ những trang trại nuôi cá lâu năm... Sau đó, anh quyết định đầu tư nuôi 4 loại cá: rô đồng, rô phi, cá trê và cá chép chung với nhau. Bốn tháng sau, vợ chồng anh thu hoạch được trên 20 tấn cá, trừ hết mọi chi phí còn lãi gần 300 triệu đồng. Tiền lãi từ vụ cá này, vợ chồng anh không những trả hết nợ mà còn dư ra kha khá. Có chút vốn, anh Hiến bàn với vợ mua heo rừng về nuôi để tăng thêm thu nhập và tận dụng nguồn phân heo để bón cho cỏ và cao su. Tuy nhiên, do giống heo lứa đầu tiên không bảo đảm nên dù được chăm sóc chu đáo, heo vẫn chậm lớn, dễ mắc bệnh và sinh sản kém. Vợ chồng anh đã bán đàn heo để lấy chút vốn tìm mua heo rừng “thứ thiệt” từ các huyện Buôn Đôn, Ea Súp về nuôi và làm giống. Đến nay, đàn heo rừng của trang trại anh Hiến đẻ thường xuyên, trong chuồng lúc nào cũng duy trì từ 40-50 heo con. Anh Hiến chỉ cho heo ăn rau và cỏ trồng tại bờ ao nên ít tốn chi phí mua thức ăn; thịt heo rất chất lượng, được khách hàng đặc biệt ưa chuộng nên có bao nhiêu cũng tiêu thụ hết.
Anh Hiến đang cho cá ăn. |
Với trang trại cải tạo từ “đầm hoang”, hiện nay trung bình mỗi năm vợ chồng anh Hiến nuôi hai vụ cá cùng đàn heo rừng bán giống và thịt, thu nhập sau khi trừ chi phí đạt hơn 600 triệu đồng, chưa kể cả nghìn cây cao su tận dụng trồng ở bờ hồ đang phát triển tốt. Nhờ vậy, gia đình anh đã xây dựng được nhà cửa khang trang và mua sắm nhiều tiện nghi phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
Với thành tích làm kinh tế giỏi, năm 2012 anh Hiến đã vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của. Không chỉ giỏi làm ăn, anh Hiến còn là một Thôn đội trưởng nhiệt tình, năng nổ với công việc, luôn gương mẫu, chấp hành tốt lệnh điều động tham gia huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu tại trụ sở và mọi công tác khi địa phương cần đến.
Chứng kiến vợ chồng anh Hiến đổi đời nhờ “đầm hoang”, nhiều hộ dân có đất ở “đầm hoang” đã học hỏi làm theo. Nhờ vậy, vùng đất hoang năm xưa nay đã được thay thế bởi những ao nuôi cá rộng lớn, những chuồng heo rừng và những hàng cây cao su thẳng tắp, tỏa bóng mát trên bờ hồ như đang hứa hẹn một cuộc sống tươi đẹp trù phú với người dân nơi đây.
Trung Hải
Ý kiến bạn đọc