"Cây cứu đói" của người dân nghèo vùng sâu Krông Bông
Xã Cư Pui là một trong những địa phương có diện tích sắn tăng nhanh. Năm 2010, toàn xã mới chỉ có 332 ha sắn, đến nay diện tích đất trồng sắn của xã đã lên đến 1.734 ha. Vụ sắn năm nay, đến thời điểm này bà con nông dân xã Cư Pui đã thu hoạch trên 1.000 ha với năng suất bình quân 20 tấn củ tươi/ha. Giá tư thương mua tại nhà hiện nay từ 1.300 - 1.350 đồng/kg sắn củ tươi và 3.200 - 3.250 đồng/kg sắn lát khô. Mức giá sắn ổn định, sản lượng tăng và lượng sắn khô tiêu thụ mạnh hơn trong khi các loại cây trồng khác giảm năng suất và bị thiệt hại do hạn hán kéo dài nên bà con chủ yếu trông chờ vào thu nhập từ cây sắn để trang trải cho cuộc sống gia đình.
Tranh thủ trời nắng, bà con nông dân xã Cư Pui cạo sắn phơi khô để bán giá cao hơn. |
Gia đình Ama Tuyên ở buôn Khóa có 2,5 sào ruộng nhưng nắng hạn làm lúa khô cháy khi chưa kịp trổ. May mắn là gia đình anh trồng được 8 sào sắn, thu được gần 20 tấn củ tươi. Ama Tuyên cho hay: “Mọi năm không khô hạn, lúa làm ra cũng đủ gạo ăn cho 6 người trong gia đình đến khi giáp hạt. Năm nay nắng hạn kéo dài, nếu không có sắn chắc phải đi vay nợ để mua gạo ăn. Làm sắn chi phí ít, bà con chủ yếu là đổi công nên số tiền bán sắn đủ mua gạo cho cả gia đình đến khi thu mùa ngô tới”. Gia đình anh Ngô Văn Hành thuộc diện hộ nghèo ở thôn Ea Uôl. Cả nhà gồm hai vợ chồng và 3 đứa con chỉ trông vào gần 1 ha đất đồi trồng sắn. Anh Hành giãi bày: “Đất dốc, trồng các loại cây khác không năng suất nên nhà mình trồng sắn. Cả thôn Ea Uôl hầu như nhà nào cũng trồng sắn. Gia đình mình nếu không có sắn thì vợ chồng con cái chẳng biết lấy gì để ăn. Mấy năm trước trồng sắn, mỗi năm bán được gần 10 triệu đồng, đủ tiền mua gạo. Năm nay chắc thu được khoảng 7 triệu đồng vì mảnh đất này trồng sắn đã nhiều năm, không bỏ phân nên đất xấu, củ sắn ít, lại nhỏ. Thu xong sắn, vợ chồng lại tranh thủ đi làm thuê lấy tiền để trang trải thêm cuộc sống”. Năm nay nắng nhiều nên đa số bà con thu hoạch sắn về tranh thủ cạo và thái lát phơi khô để bán được giá cao hơn; 1 tấn củ tươi thái lát phơi khô, thu được 5-5,5 tạ. Anh Mã Văn Xuân ở thôn Ea Lang cho biết: “Gia đình có 2 ha đất trồng sắn, dự kiến thu được 40 tấn củ tươi. Gia đình bán hơn 10 tấn củ tươi với giá 12 triệu đồng để trả nợ tiền mua phân. Số còn lại tranh thủ cạo, phơi khô để bán được giá cao hơn. Bà con ở đây “lấy công làm lời”, tranh thủ thời gian nông nhàn để làm sắn khô. Một số bà con đi cạo sắn thuê cho tiểu thương; mỗi ngày tiền công cũng được từ 150.000 – 200.000 đồng”.
Người dân xã Cư Pui đang thu hoạch sắn. |
Diện tích sắn ở các xã vùng sâu huyện Krông Bông trong những năm qua tăng nhanh. Cây sắn trở thành “cây cứu đói” hiệu quả của nhiều hộ nghèo ở các địa phương nói trên vì trồng sắn đầu tư ít lại dễ trồng, trồng được ở nơi đất bạc màu, đồi dốc và chịu được khô hạn. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch, thiếu đầu tư sẽ gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng lớn đến chất lượng đất vì cây sắn lấy đi rất nhiều chất dinh dưỡng trong đất, trong khi bà con không cày xới, ít bón phân; dễ bị ép giá do ứ đọng sản phẩm; diện tích rừng bị thu hẹp… Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: “Vụ đông xuân này, xã Cư Pui có 170/250 ha lúa đã bị khô hạn, mất trắng; 80 ha còn lại có khả năng bơm nước để cứu nhưng chi phí khá cao; các loại đậu, ngô không trồng được do không chủ động được nguồn nước. Nguy cơ thiếu đói của bà con hộ nghèo trong xã ở thời điểm này là rất cao. May mắn là địa phương có trên 70% hộ dân trồng sắn với diện tích hơn 1.700 ha nên giải quyết được vụ đói giáp hạt năm nay cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, địa phương cũng rất quyết liệt, không để bà con mở rộng thêm diện tích đất trồng sắn, làm ảnh hưởng đến cơ cấu cây trồng sau này; đồng thời triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng bà con phá rừng trồng sắn”.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc