Multimedia Đọc Báo in

Cho vay theo Quyết định 68 vẫn còn nhiều khó khăn

09:11, 13/05/2015
Nhằm tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, ngày 14-11-2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch (gọi tắt là Quyết định 68). Tuy nhiên sau hơn 1 năm triển khai, quyết định này vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả do những khó khăn trong thực tế.

Theo Quyết định 68, Ngân sách Nhà nước (NSNN) sẽ hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam để mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đối tượng được vay là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân; mức vay tối đa có thể lên đến 100% giá trị hàng hóa và được hỗ trợ 100% lãi suất trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba. Anh Huỳnh Ngọc Thuận (thôn Tân Hòa 1, xã Ea Knuêk, huyện Krông Pak) là một trong những người đầu tiên trong tỉnh được vay, cho biết, gia đình anh có nhu cầu mua một máy gặt đập liên hợp Kubota DC60 để vừa phục vụ gia đình, vừa làm dịch vụ. Với giá bán trên 540 triệu đồng, gia đình anh không thể có đủ tiền mua, nhưng nhờ có Quyết định 68, anh Thuận chỉ phải bỏ ra 160 triệu đồng, số còn lại được Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Dak Lak (Agribank Dak Lak) cho vay, với lãi suất 0% trong 2 năm đầu tiên và giảm 50% lãi suất trong năm thứ 3. Theo anh Thuận, nhờ sự hỗ trợ trên mà gia đình anh mua sắm được máy móc phục vụ sản xuất, anh cũng hoàn toàn tự tin là sẽ trả được cả lãi lẫn gốc sau 3 năm hoạt động. Tương tự, anh Nguyễn Năng Diện (đội 7, thôn Buôn Triết, xã Dur K’mal) đã mua được một máy kéo hiệu Kubota L3408 với giá 260 triệu đồng, nhưng chỉ phải trả trước 90 triệu đồng, số còn lại được Agribank Dak Lak hỗ trợ với những ưu đãi theo Quyết định 68.

Anh Nguyễn Năng Diện bên chiếc máy mua nhờ vốn vay theo Quyết định 68
Anh Nguyễn Năng Diện bên chiếc máy mua nhờ vốn vay theo Quyết định 68.

Lợi ích mang lại là rất lớn, nhưng để Quyết định này thực sự phát huy tác dụng thì còn nhiều việc cần bàn… Theo Giám đốc Agribank Dak Lak Trần Đình Chánh, để triển khai Quyết định 68 trên địa bàn tỉnh, bộ phận tín dụng của hội sở chính đã tích cực triển khai xây dựng một “khung” thủ tục chuẩn để các chi nhánh chủ động thực hiện. Tháng 3-2015, Agribank Dak Lak đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH Tân Loan (đơn vị cung cấp máy phục vụ sản xuất nông nghiệp) để giúp nông dân dễ tiếp cận hơn với Quyết định 68 khi có “đầu mối” cung cấp bảo đảm được các tiêu chí theo quy định của Bộ NN-PTNT. Mặc dù đã có những động thái tích cực, nhưng con số giải ngân vẫn còn khá khiêm tốn, đến nay chỉ được gần 3 tỷ đồng. Ông Trần Đình Chánh cho biết thêm, khó khăn nhất trong việc cho vay theo Quyết định 68 là vấn đề chứng minh tài sản thế chấp để hoàn tất hồ sơ vay. Theo quy định, người vay phải có tài sản bảo đảm, nhưng hầu hết nông dân dù có nhu cầu vay thực, có đất sản xuất thực, nhưng lại không chứng minh được tài sản bảo đảm do chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực tế, trên địa bàn đội 7, thôn Buôn Triết, xã Dur K’mal có rất nhiều hộ có diện tích sản xuất lớn, nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này.

Quyết định 68 ra đời nhằm thay thế và khắc phục những quy định chưa hợp lý của Quyết định 62/2010/QĐ-TTg, về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản về tỷ lệ nội địa hóa của thiết bị. Có thể thấy, mặc dù quy định về tiêu chuẩn của sản phẩm nông dân cần mua đã “mở” rất nhiều, nhưng đối tượng vay lại không nhiều nên chính sách trên vẫn chưa phát huy hết tác dụng. Do vậy, rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, nhất là việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nông dân có tài sản thế chấp, từ đó sớm tiếp cận được nguồn vốn vay.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.