Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi: Tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp

11:23, 06/05/2015

Từ hướng đi đúng của Đảng bộ và chính quyền là lấy kinh tế nông nghiệp làm nền tảng và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, 50 năm qua diện mạo kinh tế của khu căn cứ H9 ngày xưa nay là huyện Krông Bông đã có những đổi thay vượt bậc. Theo đó, tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản ước tính trên 7.128 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2015), cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ huyện đề ra gần 700 tỷ đồng.

Sự tăng tốc về kinh tế nông nghiệp của huyện bắt đầu khởi động từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi diễn ra mạnh mẽ ở hầu hết các địa phương trong huyện. Ngành nông nghiệp huyện đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, giống mới vào sản xuất đã góp phần tạo ra bước đột phá về năng suất các loại cây trồng. Nếu như trước đây lúa nước chỉ đạt bình quân 3,5 tấn/ha/vụ, thì đến nay năng suất bình quân của loại cây lương thực chủ lực này đã đạt ở mức từ 6,5 - 7 tấn/ha nhờ ứng dụng các giống lúa lai và đầu tư thâm canh đúng quy trình. Đặc biệt, huyện đã đưa cây ngô lai năng suất cao vào sản xuất, thay cho toàn bộ giống ngô địa phương năng suất thấp. Đến nay, cây ngô lai đã trở thành loại cây trồng chủ lực hằng năm của huyện với diện tích ổn định trên dưới 10.000 ha, năng suất bình quân đạt từ 5-6 tấn/ha. Theo đó, tổng sản lượng lương thực giai đoạn 2011-2015 ước đạt 437.974 tấn, cao hơn so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (436.727 tấn), riêng năm 2015 ước thực hiện 97.160 tấn, đạt 102,7% chỉ tiêu kế hoạch và tăng 16.480 tấn so với năm 2010. Bước đột phá thứ hai tạo chuyển biến mạnh mẽ cho kinh tế nông nghiệp của huyện là việc thử nghiệm, đưa cây thuốc lá vàng sấy vào cơ cấu ở nhiều xã trong huyện. Dù mới chính thức có mặt ở huyện Krông Bông từ năm 1999, nhưng cùng với ngô lai, cây thuốc lá vàng sấy nhanh chóng trở thành loại cây trồng chủ lực trên đất cạn, tạo ra một số lượng lớn sản phẩm hàng hóa, với lợi nhuận thu về mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Từ thành công của việc chuyển đổi cây trồng, kinh tế nông nghiệp của huyện đã tăng tốc, chuyển sang chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, không dừng lại ở việc tăng năng suất, sản lượng mà còn tăng hệ số sử dụng đất, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, tạo ra được nhiều cánh đồng có giá trị thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/ha/năm. Minh chứng rõ nhất là mô hình cánh đồng 50 triệu đồng/ha, nếu như trước đây nhiều cánh đồng chỉ trồng mỗi năm một vụ, thì nay do chuyển đổi mùa vụ nên hệ số sử dụng đất tăng lên ít nhất từ 2-3 vụ/năm. Nông dân các xã, thị trấn đã đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, tăng năng suất, sản lượng để hoàn thành chỉ tiêu đạt mức lãi ròng 50 triệu đồng /ha/năm và từ đó đã xuất hiện thêm các cách đồng 60 triệu đồng, 70 triều đồng, thậm chí cả 100 triệu đồng/ha như cách đồng xã Hòa Lễ, Khuê Ngọc Điền, Hòa Sơn, Yang Reh…
Xã Hòa Thành (huyện Krông Bông) đưa giống lúa mới VT NA2 vào sản xuất thử nghiệm để chuyển giao, nhân rộng cho nông dân.
Xã Hòa Thành (huyện Krông Bông) đưa giống lúa mới VT NA2 vào sản xuất thử nghiệm để chuyển giao, nhân rộng cho nông dân.

Bên cạnh những thành tựu từ trồng trọt thì chăn nuôi cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, huyện đã đẩy mạnh chương trình cải tạo đàn bò địa phương thông qua phương pháp phối giống trực tiếp với bò đực giống lai Zêbu; vận động người dân tập trung nguồn vốn phát triển nuôi vỗ béo bò thịt; khuyến khích phát triển các trang trại có quy mô vừa và nhỏ để phát triển đàn gia súc. Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường công tác tiêm phòng thú y và vệ sinh môi trường chuồng trại nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng dịch bệnh lây lan, đồng thời, khuyến khích người dân phát triển và mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với bảo vệ môi trường, tiến tới một nền nông nghiệp sạch. Theo đó, dù những năm qua tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm liên tục xảy ra, nhưng do có sự chủ động phòng, chống kịp thời nên ngành chăn nuôi của huyện ổn định và có bước phát triển khá, tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện tăng mạnh cả về quy mô và số lượng. Trong 5 năm (2011-2015) đàn gia súc phát triển lên 73.646 con, gia cầm 1.367.000 con, đạt tổng giá trị trên 1.537 tỷ đồng, riêng năm 2015 đạt trên 345 tỷ đồng.

Có thể thấy, kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản của huyện mặc dù còn nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, nhưng những kết quả đạt được trong thời gian qua là bước tăng trưởng ngoạn mục đối với một huyện mà cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao như Krông Bông. Cùng với sự chuyển dịch rất tích cực của nền kinh tế, sự ra đời của các doanh nghiệp và nhiều cơ sở chế biến nông sản đã làm tăng chất lượng sản phẩm hàng hóa trên vùng đất này, góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc