Multimedia Đọc Báo in

Để nâng cao hơn nữa chất lượng giống cây trồng

13:09, 22/05/2015

Lâu nay nông dân đã có kinh nghiệm chọn trên ruộng những hạt lúa tốt nhất để làm giống cho mùa sau. Ngày nay, tập quán đó đang được áp dụng khá phổ biến trên các loại cây trồng: cà phê, muồng, keo, hồ tiêu… khi được sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật nông nghiệp.

Nên tìm mua cây giống tại các cơ sở uy tín

Trong sản xuất nông nghiệp, cây giống giữ vai trò quyết định năng suất, sản lượng và trên thị trường hiện nay có rất nhiều cơ sở sản xuất cây giống, nhưng chất lượng gần như bị thả nổi, khó kiểm định nên nhiều nông dân đã tự mày mò, tìm hiểu sản xuất cây giống để tự cung, tự cấp cho mình. Ông Nguyễn Văn Ninh, thôn 23, xã Ea Ning (Cư Kuin) có 1 ha tiêu, 1 ha cà phê cho hay, vườn tiêu Vĩnh Linh của gia đình trên 20 tuổi nhưng vẫn phát triển tốt. Để tận dụng cây che bóng trong vườn cà phê, mùa mưa 2013, ông lựa chọn những trụ tiêu nhiều trái, quả đều, khỏe mạnh, không sâu bệnh... cắt dây thân làm giống trồng xen, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật mà đến nay vườn tiêu của gia đình phát triển tốt, chiều cao đạt trên 1 m. Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, xã Phú Xuân (Krông Năng) cũng có 1 ha cà phê mới trồng, hằng năm một số cây con bị chết, để lại nhiều khoảng trống trong vườn nên cứ vào mùa thu hoạch, bà lại chọn những quả cà phê lớn nhất ươm làm giống trồng dặm. Khi cây con đạt 6 cặp lá thì bà tới trung tâm giống cây trồng tỉnh mua chồi về ghép, không chỉ giảm chi phí sản xuất, vận chuyển xuống còn 50% mà lại rất yên tâm về nguồn gốc, chất lượng cây giống so với việc mua cây giống trôi nổi trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh cho biết, đơn vị hiện có vườn nhân chồi cà phê TR4 đạt chứng nhận đủ điều kiện sản xuất giống do Sở NN – PTNT cấp, mỗi năm xuất ra thị trường hơn 26.000 chồi giống đạt chất lượng. Năm 2015, trung tâm phối hợp với Công ty TNHH Netsle Việt Nam thực hiện chương trình hỗ trợ 50% cây giống phục vụ tái canh cà phê cho bà con nông dân trong tỉnh. 

Làm đất chuẩn bị ươm cây giống tại Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và phát triển Nông lâm nghiệp Ea Kmat.
Làm đất chuẩn bị ươm cây giống tại Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và phát triển Nông lâm nghiệp Ea Kmat.

Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết, nhờ các dự án, chương trình khuyến nông phát triển nên nhiều nông dân đã được tiếp cận với các phương pháp nhân giống hiện đại như ghép chồi, cành và tự sản xuất cây giống từ vườn cây sẵn có, nhưng vẫn giữ nguyên phẩm cấp của cây giống, đó là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, với diện tích gieo trồng lớn, Sở khuyến cáo bà con nông dân nên tìm mua cây, chồi giống tại các cơ sở uy tín như vườn ươm của phòng NN - PTNT, phòng kinh tế hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.

Cây giống cần sạch từ bầu đất

Ươm cây trong bầu đất là phương pháp sản xuất cây giống chủ đạo hiện nay đối với các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu, cao su, điều… Nhờ có bầu đất mà tỷ lệ cây giống sống rất cao, tuy nhiên chính bầu đất cũng có thể trở thành nguồn lây nhiễm dịch bệnh trên cây trồng bởi giá thể tạo bầu có thể chứa các vi khuẩn, nguồn bệnh. Mới đây, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên vừa cho ra đời quy trình sản xuất cây giống sạch bệnh từ bầu đất. Theo đó, đất làm bầu được mua hoặc lấy ở độ sâu 1 m trở lại tại những vùng không trồng cà phê, tiêu. Sau đó, được xử lý nhiệt thủ công phơi trên sân xi măng phủ tấm nhựa PE chịu nhiệt và lên luống cao 30 cm, rộng 1 m theo hình vồng khoai, với khoảng cách hai luống 40 cm trong 60 ngày. Trước khi đóng bịch, đất được chuyển đến nhà chứa (có tường bao xung quanh để tránh bị mưa tạt) rồi xử lý xay, sàn, phối trộn phân hữu cơ, tro trấu…, sau đó đóng bịch để ươm cây. Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, hỗn hợp đất phân được phối trộn theo kỹ thuật trên là hỗn hợp sạch, đủ điều kiện để làm giá thể sản xuất tất cả các loại cây giống, bởi đất được phơi, đảo thường xuyên ở nhiệt độ 45 – 50oC trong thời gian 3 tháng thì các loại tuyến trùng và nấm bệnh vốn tồn tại trong đất gần như bị tiêu diệt hoàn toàn, đặc biệt là các loại tuyến trùng gây hại cà phê, ca cao....

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra vườn nhân chồi cà phê giống TR4.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra vườn nhân chồi cà phê giống TR4.

Với quy mô nông hộ, bà con nông dân có thể áp dụng phương pháp sản xuất giá thể cây giống sạch bệnh, rẻ tiền này bằng việc tận dụng sân phơi cà phê để phơi đất vào mùa khô. Tuy nhiên, sân phơi phải phủ tấm nhựa PE chịu nhiệt để tạo độ nóng và che mưa cho đất. Tại Dak Lak hiện chưa có tấm nhựa PE chịu nhiệt này nhưng bà con nông dân có thể đặt mua dễ dàng tại các đơn vị sản xuất nhựa tại TP. Hồ Chí Minh. 

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc