Điện tăng giá, doanh nghiệp ứng phó bằng cách nào?
Từ 16-3-2015, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã tăng giá điện lên 7,5%, kéo theo đó cũng làm tăng chi phí đầu vào, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Theo Quyết định số 2256/QĐ-BCT, ngày 12-3-2015 của Bộ Công thương quy định về giá bán điện, từ 16-3-2015, giá bán điện cho các ngành sản xuất được tính theo cấp điện áp từ 110kV trở lên, từ 22 kV đến dưới 110 kV, từ 6 kV đến dưới 22kV và dưới 6 kV vào giờ cao điểm, bình thường và thấp điểm, với giá thấp nhất 869 đồng/kWh, cao nhất 2.735 đồng/kWh. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, với các DN sản xuất công nghiệp, tiền điện chiếm khoảng 30% tổng chi phí sản xuất. Các DN ở Dak Lak chủ yếu là DN vừa và nhỏ, năng lực và khả năng thích ứng thị trường, hội nhập… yếu, nên ảnh hưởng của việc tăng giá điện đến hoạt động sản xuất, kinh doanh càng rõ ràng hơn. Trước tình hình này, DN phải lên kế hoạch thích ứng bằng các biện pháp giảm chi phí sản xuất, thay đổi công nghệ, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại để giảm tiêu hao năng lượng.
Một số doanh nghiệp tiết kiệm điện bằng cách sản xuất vào giờ thấp điểm. Trong ảnh: Sản xuất cơ khí tại Công ty TNHH Viết Hiền. |
Công ty TNHH Viết Hiền hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cơ khí, chế tạo, điện năng chủ yếu chỉ sử dụng trong hàn tiện, gọt linh kiện, với chi phí điện sản xuất chiếm 5 - 6% tổng giá thành sản phẩm. Tuy chi phí điện hàng tháng không tăng lên nhiều, nhưng việc tăng giá điện cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty khi giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng theo giá điện. Cụ thể, từ thời điểm tăng giá điện, chi phí nguyên, vật liệu tăng lên 10 – 15% so với thời gian trước đó, kéo theo tổng chi phí sản xuất của Công ty cũng đội lên. Ông Lê Trọng Nhân, cán bộ phụ trách kinh doanh của Công ty cho biết; trước tình hình này, DN xác định chưa tăng giá bán sản phẩm vì lợi ích của khách hàng, mà ứng phó bằng cách cắt giảm tối đa các chi phí không cần thiết nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm. Theo đó, cùng với việc sử dụng công nghệ tiên tiến, công ty đã điều chỉnh thiết bị để phù hợp với yêu cầu sản xuất và tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng áp dụng chế độ quản lý chặt chẽ, khoa học để tăng năng suất lao động, tuy nhiên, điều hết sức quan trọng là từ khi có thông tin điện rục rịch tăng giá, Công ty đã chủ động dự trữ đủ nguồn nguyên, vật liệu để phục vụ sản xuất trong thời gian dài.
Không chỉ sản xuất cơ khí mà các DN dệt may, giày da cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi việc tăng giá điện. Do những nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành may như dệt, nhuộm, sợi… sử dụng năng lượng điện lớn nên khi điện tăng giá cũng kéo theo tăng giá sản phẩm này, chi phí sản xuất ngành may tăng theo. Ông Lê Văn Xuân, Giám đốc Công ty cổ phần may Dak Lak (chuyên may gia công hàng xuất khẩu) cho biết, việc tăng giá điện không những làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị thêm chật vật mà còn ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Do đó, Công ty phải tiết kiệm hết mức chi phí, tổ chức, sắp xếp lại hoạt động sản xuất, đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân để tăng năng suất lao động, nhằm cân đối hợp lý giữa chi phí đầu vào và đầu ra…
Dak Lak đang trong thời kỳ mùa khô, nhu cầu sử dụng điện sản xuất, sinh hoạt rất lớn, trong khi việc sản xuất điện gặp khó khăn do mực nước các hồ chứa giảm mạnh. Bởi vậy, các DN, cơ sở sản xuất cần có giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả vì lợi ích của mình và chia sẻ khó khăn với ngành điện. Theo đó, nên sử dụng thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng, bố trí khuôn viên sản xuất, ánh sáng hợp lý và hạn chế tối đa việc sản xuất vào giờ cao điểm…
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc