Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ cộng đồng vùng đệm rừng đặc dụng

06:09, 24/05/2015

Trong 3 năm qua, Vườn Quốc gia Yok Đôn đã triển khai chính sách hỗ trợ phát triển cộng đồng tại một số thôn, buôn vùng đệm các khu rừng đặc dụng của Vườn. Nguồn vốn hỗ trợ này bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống và từng bước nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên cho người dân.

Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn có diện tích hơn 115 nghìn héc-ta rừng, 89 thôn, buôn thuộc hai tỉnh Dak Lak và Dak Nông, với khoảng 14.000 hộ dân sinh sống ở khu vực vùng đệm. Từ năm 2013, thực hiện Quyết định 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng, giai đoạn 2011 – 2020, trong đó, có chính sách hỗ trợ phát triển vùng đệm các khu rừng đặc dụng, Vườn đã tiến hành hỗ trợ cho 40 thôn, buôn, mỗi đơn vị 40 triệu đồng/năm để đầu tư nâng cao năng lực sản xuất (khuyến nông, khuyến lâm, giống cây, con, thiết bị chế biến nông, lâm sản quy mô nhỏ); hỗ trợ vật liệu cho thôn, buôn dùng xây dựng các công trình nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông, nhà văn hóa... Việc triển khai chính sách này được thực hiện hết sức chặt chẽ, Vườn có nhiệm vụ quản lý khoản kinh phí trên theo quy định về quản lý kinh phí sự nghiệp kinh tế hiện hành. Hằng năm, các thôn, buôn lập kế hoạch chi tiêu, sau đó, Vườn chủ trì, phối hợp với UBND các xã họp bàn với từng thôn, buôn để cùng phê duyệt kế hoạch chi tiêu, theo đó, các thôn, buôn cũng phải cam kết bảo vệ rừng, nếu nơi nào bảo vệ rừng không tốt, Vườn có quyền chuyển vốn hỗ trợ cho nơi khác.

Con bò của hộ ông Y Koong ở buôn Trí A (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) được mua từ tiền hỗ trợ cộng đồng vùng đệm rừng đặc dụng.
Con bò của hộ ông Y Koong ở buôn Trí A (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) được mua từ tiền hỗ trợ cộng đồng vùng đệm rừng đặc dụng.

 Với ngân sách hỗ trợ hàng năm được Nhà nước phân bổ cho Vườn 1,6 tỷ đồng, đơn vị đã chọn ra 40 thôn, buôn ở gần vùng đệm và có nhiều nguy cơ tác động đến rừng nhất để hỗ trợ. Năm 2013 có 36 thôn, buôn đã nhận tiền để sữa chữa điện đường, các công trình công cộng, nhà văn hóa cộng đồng; 4 buôn thực hiện thí điểm mô hình “ngân hàng” bò. Năm 2014, mô hình “ngân hàng” bò được nhân rộng đến 36 thôn, buôn, mỗi thôn, buôn được nhận hỗ trợ sẽ họp bầu ra 4 gia đình, mỗi hộ sẽ nhận được 10 triệu đồng để mua một con bò về chăm sóc. Việc mua bò cũng được giám sát chặt chẽ bởi cán bộ kiểm lâm Vườn và ban tự quản thôn, buôn nhằm bảo đảm người dân sử dụng tiền đúng mục đích. Những hộ được nhận nuôi bò phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc cho bò khỏe mạnh, sau hai năm, nếu bò sinh sản thì người chăm sóc được giữ lại bò con và trả lại bò mẹ cho buôn để chuyển giao cho hộ khác tiếp tục chăm sóc, nếu hộ đang nuôi muốn giữ bò lại thì phải nộp trả 10 triệu đồng cho buôn để chuyển cho hộ khác mua bò.

Già làng Ma An ở buôn Trí A (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) cho biết, buôn có 80 hộ dân, năm 2013, số tiền hỗ trợ được cả buôn thống nhất làm sân, xây hàng rào nhà văn hóa cộng đồng để làm nơi họp hành, sinh hoạt thuận lợi, năm 2014, buôn dùng số tiền được hỗ trợ mua 4 con bò cái giao cho 4 hộ khó khăn nuôi. Là hộ nghèo trong buôn, ông Y Koong Hwing đã may mắn được nhận nuôi bò, sau hơn 1 năm chăm sóc nay bò cái đã mang thai, ông rất vui mừng vì sắp có một bê con là của riêng gia đình... “Bà con trong buôn hết sức phấn khởi, với mô hình này và cho đến khi kết thúc chính sách hỗ trợ không chỉ riêng gia đình chúng tôi mà tất cả hộ dân trong buôn ai cũng có bò để nuôi”, ông Y Koong phấn khởi khoe.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc VQG Yok Đôn cho hay, chính sách hỗ trợ này từ khi vào cuộc sống đã góp phần cải thiện đời sống cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng, bởi người dân thôn, buôn nào có hành vi xâm hại đến rừng mà bị phát hiện thì nơi đó sẽ bị cắt tiền hỗ trợ. Chính sách hỗ trợ này sẽ kéo dài đến năm 2020 với mục tiêu nâng cao đời sống người dân, thay đổi bộ mặt kinh tế của các địa phương vùng đệm của Vườn.

 Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc