Multimedia Đọc Báo in

Lay lắt làng nghề

06:06, 31/05/2015

Dệt thổ cẩm và làm gốm là hai nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Dak Lak. Những làng nghề này hiện đang sống trong cảnh lay lắt do sản phẩm làm ra không bán được. Việc tìm giải pháp và hướng đi thích hợp giúp bà con từng sống và gắn bó với nghề là “bài toán” cực kỳ nan giải đặt ra.

Gắn kết với du lịch

Ý tưởng này đã được không ít làng nghề, hợp tác xã (HTX) vận dụng và thực hiện. Tại TP. Buôn Ma Thuột, vào những năm 2009-2010, HTX dệt thổ cẩm buôn Alê A (phường Ea Tam), Đăm Ye (phường Tân An) và Tơng Bông (xã Ea Kao) đã liên kết với các đơn vị làm du lịch trên địa bàn tỉnh để quảng bá, thu hút khách du lịch đến tham quan và mua sắm. Để làm được điều đó, những làng nghề này đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo: đó là sưu tầm, thiết kế mẫu mã sản phẩm mới lạ và bắt mắt; tích cực truyền dạy nghề cho con cháu và đầu tư mở rộng quy mô sản xuất (mua sắm thêm khung cửi, nguyên vật liệu sản xuất) từ nguồn vốn cho vay ưu đãi của chính quyền thành phố.

Sản phẩm gốm của buôn Dơng Băk chủ yếu để tự cung, tự cấp.
Sản phẩm gốm của buôn Dơng Băk chủ yếu để tự cung, tự cấp.

Bà H’Chiu Niê ở buôn Alê A tâm sự, những nỗ lực ấy đã nhanh chóng mang lại không khí và sức sống mới cho làng nghề thổ cẩm ở đây. Gia đình nào cũng nhộn nhịp khung cửi, tiếng cười nói rộn rã khắp cả vùng. Và tất nhiên, dưới con mắt của những người làm du lịch, nhất là các công ty lữ hành - họ coi đây là “điểm đến” lý tưởng để phục vụ du khách. Ban đầu, có nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa thổ cẩm của người dân nơi đây và sản phẩm làm ra cũng được người ta mua vài món, sau đó thưa dần rồi mất hút! Hàng hóa trở nên dồn ứ, bà con phải mang ra phố bán dạo, hoặc ký gửi cho các shop hàng lưu niệm tại các điểm du lịch nhờ tiêu thụ giúp. Chị H’Dhem ở HTX thổ cẩm Đam Ye nhớ lại, tuy cố gắng là vậy nhưng chẳng bán được bao nhiêu, thi thoảng mới được khách phương xa tìm mua một vài món (chủ yếu là khăng choàng, túi xách và ví), còn những mặt hàng “cổ điển” khác như váy áo, tấm đắp… thì tuyệt nhiên không ai để ý tới, mặc dầu các nghệ nhân đã nỗ lực tìm cách thay đổi mẫu mã, sản phẩm  cho phù hơp với thị hiếu của khách hàng. Chị H’Dhem than thở, cuối cùng ngẫm ra không sống nổi với nghề, nên ngày càng có nhiều người  ngậm ngùi rời xa thổ cẩm. Có thể nói, cũng vì những khó khăn trên mà đến nay trong các buôn làng dần vắng hoe khung cửi. Thỉnh thoảng, một số nghệ nhân già nhớ nghề mới “đụng chân, đụng tay” ngồi dệt vài món để làm quà tặng, hoặc để cho người thân dùng vào dịp lễ hội mà thôi.

Còn với làng gốm ở buôn Dơng Băk, xã Yang Tao, huyện Lak, kể từ khi Bảo tàng Dak Lak không còn đặt hàng để giới thiệu, trưng bày sản phẩm nữa thì coi như lụi tắt. Được biết, ba năm trước đây nhờ TS Lương Thanh Sơn - Giám đốc bảo tàng tỉnh xin được khoản kinh phí từ Quỹ Phát triển Văn hóa Việt Nam để về Yang Tao mở các lớp đào tạo nghề cho lớp trẻ thì có vẻ không khí làng nghề ở đây như sống lại. Người nhào đất, kẻ nặn gốm… rồi già trẻ cùng nhau nung nấu và kỳ cọ cho gốm, khiến cả buôn Dơng Băk bỗng hào hứng trở lại như vài chục thập niên về trước. Thế rồi được một thời gian, khi ý định phục dựng lại làng gốm cổ truyền này của TS Sơn không thực hiện được do không có kinh phí, thì đến nay nghề làm gốm của người M’nông Rlăm sống bao đời bên mạn Bắc Hồ Lak kia không còn nữa.

Ảnh trên: Các nghệ nhân của Hợp tác xã Mây tre đan-Dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) dệt vải thổ cẩm.     Ảnh: Lê Thành
Các nghệ nhân của Hợp tác xã Mây tre đan-Dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) dệt vải thổ cẩm. Ảnh: Lê Thành

Nghệ nhân gốm nức tiếng một thời- bà H’Diếp B’Krông buồn bã tâm tình, lũ trẻ bây giờ ít đứa biết nặn gốm, hầu hết chúng bỏ nghề đi làm thuê kiếm sống. Chỉ còn vài người già như già Tơ Khoanh, chị H’Lưm và bà, do không còn sức khỏe nên mới ở nhà, lâu lâu làm thêm gốm để dùng hoặc đem đi đổi chác kiếm gạo, muối ăn qua ngày. Chủ tịch xã Yang Tao - Y Nê B’Krông cho rằng, nếu không có hướng đầu tư, bảo tồn cho làng gốm cổ truyền và còn lại duy nhất trên cao nguyên này thì vĩnh viễn mất đi nét văn hóa đặc sắc và hết sức độc đáo trong đời sống của người M’nông nơi đây. Và theo ông Y Nê, điều đó đang đến rất gần, khi sự quan tâm từ các cơ quan hữu quan, cũng như doanh nghiệp chỉ đến xem xét, khảo sát rồi mất hút luôn!

Trách nhiệm cộng đồng

Phản ánh của vị Chủ tịch xã Yang Tao rất đáng để lưu tâm. Được biết,  nghề làm gốm ở buôn Dơng Bắk đã được nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt vấn đề hợp tác, đầu tư nhằm biến làng nghề truyền thống này thành sản phẩm du lịch thật sự, hoặc là địa chỉ (có ý nghĩa như một chỉ dẫn địa lý) chuyên cung cấp đồ mỹ nghệ có giá trị thẩm mỹ cao cho thị trường cả nước cũng như quốc tế. Tuy nhiên, mọi dự định không thành như mong đợi của người dân và chính quyền địa phương, vì sao?

Qua tìm hiểu, trước hết là do doanh nghiệp không chịu đầu tư, họ chỉ khai thác các giá trị làng nghề theo kiểu nơi này thì “vắt chanh bỏ vỏ”, chỗ khác thì “ăn xổi ở thì” khiến mối liên kết làm ăn trở nên lõng lẻo, thiếu bền vững. Ông Y Khương H’long - Phó Chủ tịch xã Yang Tao cho hay, rất nhiều lần các hãng lữ hành đưa khách vào buôn Dơng Bắk tham quan, tìm hiểu nghề gốm, nhưng trước đó chẳng có động thái gì cả, chỉ rút ít tiền “biếu” cho một vài nghệ nhân và đại khái dặn rằng: “vào ngày, giờ đó… ông bà bày ra làm cho tôi một vài sản phẩm gốm”- tất nhiên là để họ phục vụ khách hàng của mình ngắm nghía, chụp ảnh và ghi hình xong rồi bỏ đi. Theo ông Y Khương cũng như nhiều người khác hiểu chuyện, cho rằng cách làm du lịch như vậy khác nào làm… xiếc! Bản thân nghệ nhân làm nghề được coi là “diễn viên” sắm vai và giá trị văn hóa - lịch sử của một làng nghề bị hạ thấp, xem đó chỉ là phương tiện cho các doanh nghiệp làm du lịch kiếm tiền. Điều khôi hài này cũng xảy ra tương tự với các làng nghề thổ cẩm trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị làm du lịch ở đây chưa bao giờ nhìn nhận hoạt động làng nghề, ví như thổ cẩm ở buôn Alê A, Đăm Ye, Tơng Bông (TP. Buôn Ma Thuột), hay buôn Sứt, buôn Phal (Cư M’gar), buôn Liêng (Lak) là sản phẩm du lịch đúng nghĩa để từ đó có sự chia sẻ lợi nhuận và trách nhiệm cộng đồng vì mục tiêu phát triển hài hòa, bền vững.

Hướng đi gắn kết hoạt động các làng nghề truyền thống với du lịch là phù hợp và đúng đắn trong xu thế hiện nay. Có điều, về phía Nhà nước và chính quyền địa phương, ngoài dự giúp đỡ và hỗ trợ về vốn như đã làm, nên tăng cường sự quản lý, giám sát trong mối liên kết, hợp tác này để có chính sách, cơ chế hợp lý và kịp thời nhằm tạo điều kiện cũng như cơ hội cho doanh nghiệp và người dân tìm được tiếng nói chung, dựa trên lợi ích chung từ hai bên mang lại: làng nghề sống được nhờ du lịch và ngược lại du lịch phát triền hơn nhờ khai thác giá trị văn hóa-lịch sử từ mỗi làng nghề truyền thống.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.