Multimedia Đọc Báo in

Mùa vàng ở vùng biên giới

08:54, 28/05/2015

Trong khi nhiều địa phương, sản xuất lúa đông xuân 2014-2015 bị thiệt hại nặng do khô hạn thì nhân dân huyện Ea Súp lại có một vụ đông xuân bội thu, năng suất trung bình đạt 68 tạ/ha, thậm chí nhiều nơi đạt đến 90 tạ/ha. Đó là kết quả của quá trình tổ chức sản xuất tốt, chủ động ứng phó với diễn biến bất lợi của thời tiết.

Vượt khó

Nhận định thời tiết diễn biến có nhiều bất lợi cho sản xuất lúa đông xuân 2014-2015, nhất là tình hình nắng nóng kéo dài gây khô hạn cho cây trồng, nên ngay từ đầu vụ, UBND huyện Ea Súp đã chỉ đạo các ngành chức năng lập kế hoạch tổ chức phát dọn, nạo vét, tu bổ và thường xuyên kiểm tra kênh mương, hạn chế rò rỉ thất thoát nước; khuyến cáo nhân dân tưới nước tiết kiệm... Thêm vào đó, bằng nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi, huyện đã đầu tư 885 triệu đồng để sửa chữa, tu bổ các tuyến kênh: N4 (thị trấn Ea Súp); N2-2 (xã Cư Mlan) N1-10, N1-9, N9-7, N9-11 (xã Ea Bung); N43, N14, N20-7, N20 (xã Ea Rốc) và kênh N11-21 (xã Ea Lê) nhằm bảo đảm đủ nước tưới cho lúa và các loại cây trồng khác. Phòng NN-PTNT cũng phối hợp với UBND các xã hướng dẫn bà con gieo tỉa đúng lịch thời vụ và tập trung xuống giống đồng loạt, không để kéo dài; chăm sóc kịp thời, đúng tiến độ phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, nhất là sau các đợt thời tiết thay đổi. Đặc biệt, tăng cường vai trò trách nhiệm của Ban chỉ đạo sản xuất đông xuân và đội thủy nông trong việc dẫn nước đủ, chấp hành đúng lịch tưới luân phiên giữa các xã, thị trấn; xử lý nghiêm mọi trường hợp chặn dòng chảy của xã cuối nguồn và tình trạng đào, phá kênh mương lấy nước tùy tiện… Bên cạnh đó, huyện còn hướng dẫn người dân chọn những giống lúa thích hợp để đưa vào cơ cấu giống như: ML48 xác nhận, VND95-20, Nàng hương, Tám thơm, OM4900… đã được khẳng định phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương.

Cán bộ của Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Dak Lak  và Phòng NN-PTNT huyện đang kiểm tra lúa trong mô hình  cánh đồng mẫu.
Cán bộ của Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Dak Lak và Phòng NN-PTNT huyện đang kiểm tra lúa trong mô hình cánh đồng mẫu.

Chính nhờ làm tốt quy trình trên mặc dù Ea Súp cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như các huyện khác là khi mới vào đầu vụ, cây lúa gặp phải thời tiết lạnh kéo dài làm cho thời gian sinh trưởng bị ảnh hưởng; đến giữa vụ, nắng nóng khắc nghiệt đúng vào thời kỳ trổ bông khiến lúa thụ phấn không tốt…, nhưng chính quyền và nhân dân trong huyện đã chủ động xử lý, bảo đảm đủ nước tưới và tránh được hạn cho các loại cây trồng, riêng lúa nước, toàn huyện gieo sạ được 4.149 ha, đạt 101% kế hoạch, sản lượng 28.213 tấn/27.921tấn, bằng 101% kế hoạch đề ra.

Niềm vui được mùa

Đến thời điểm này, nông dân vùng lúa Ea Súp đã gặt xong vụ đông xuân 2014-2015, đang chuẩn bị đất cho vụ hè thu 2015, nhưng dư âm của mùa vụ thắng lợi vẫn còn, đặc biệt đối với những nông dân tham gia cánh đồng mẫu ở xã Ea Bung do Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Dak Lak tổ chức. Gia đình bà Hoàng Thị Cử ở thôn 6 cho biết, nhà có 6 sào ruộng tham gia vào mô hình cánh đồng mẫu, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên lúa phát triển tốt, năng suất đạt hơn 8 tấn/ha, cao hơn vụ trước đến 2 tấn. Hay hộ ông Đặng Khắc Tiến (thôn 6, xã Ea Bung) phấn khởi cho hay, được tham gia vào cánh đồng mẫu nên 1,2 ha lúa của gia đình đã đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay, gần 9 tấn/ha. Điều mà ông Tiến phấn khởi nhất khi tham gia cánh đồng mẫu là sau khi thu hoạch toàn bộ sản phẩm được Công ty bao tiêu và cộng thêm 10% giá so với thị trường. Theo Ông Trần Văn Long, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, vụ đông xuân 2014-2015, nhờ làm tốt khâu tổ chức sản xuất nên hầu hết các vùng lúa trọng điểm của huyện đều chủ động đối phó được với diễn biến bất lợi của thời tiết, mang lại một vụ mùa thắng lợi, đạt năng suất cao, vượt kế hoạch đề ra. Riêng đối với cánh đồng mẫu, Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp với Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Dak Lak triển khai mô hình này tại thôn 6, xã Ea Bung, với sự tham gia của 42 hộ dân, trên diện tích 30 ha, sản xuất giống lúa vật tư – NA2. Việc thực hiện thành công mô hình cánh đồng mẫu lúa nước đã giúp bà con nông dân thay đổi tập quán sản xuất, gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường nên tăng khả năng cạnh tranh... Đây là một trong những bước đi có tính đột phá trong sản xuất lúa hàng hóa, từng bước xóa bỏ tình trạng sản xuất lúa manh mún hiện nay. Thời gian tới, huyện Ea Súp sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu ra các xã khác và chọn vật tư – NA2 là giống lúa chủ lực để xây dựng thương hiệu gạo Ea Súp.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.