Multimedia Đọc Báo in

Nông dân M'Drak "quay lưng" với cây mía

13:10, 22/05/2015
Cây mía vẫn được xem là cây trồng mũi nhọn, chủ lực để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo ở huyện M’Drak, nhất là ở các vùng nguyên liệu trọng điểm như xã Ea Pil, Krông Á, Cư Prao…  Tuy nhiên, trước thực trạng hiệu quả kinh tế từ cây mía ngày càng giảm, hiện nay nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện M’Drak đã “quay lưng” với cây mía, những cánh đồng mía được thay thế bằng các loại cây trồng khác.

Gia đình ông Vũ Đình Thi (thôn 1, xã Krông Á) bắt đầu trồng mía từ năm 2001 với diện tích gần 4 ha. Những năm đầu, cây mía đã giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định và lo cho con cái học hành. Thế nhưng, gần đây, khi thu nhập từ cây mía ngày càng bấp bênh, gia đình ông Thi đã quyết định chuyển đổi dần diện tích mía sang trồng các loại cây khác. Năm nay, sau khi thu hoạch 3 ha mía còn lại, ông Thi quyết định phá mía để trồng tiêu, trồng rừng. Không chỉ gia đình ông Thi, nhiều hộ trồng mía khác trên địa bàn xã Krông Á cũng đang rời bỏ cây mía. Niên vụ mía 2013 – 2014, toàn xã có 600 ha đất trồng mía (chiếm gần 50% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp) với hơn 400 hộ dân ký hợp đồng đầu tư và mua bán mía nguyên liệu cho 3 đơn vị là Công ty Cổ phần Mía đường 333, Công ty Mía đường Ninh Hòa, Công ty Mía đường Cam Ranh (Khánh Hòa). Tuy nhiên, đến niên vụ 2014 – 2015, diện tích mía trên địa bàn xã chỉ còn 434 ha, giảm 28% so với niên vụ trước, với 230 hộ dân trồng mía.

Niên vụ mía 2014-2015, xã Ea Pil trồng 3.243 ha mía, trong đó khoảng 70% là các hộ dân hợp đồng đầu tư trồng mía và bao tiêu sản phẩm với nhà máy. Qua hơn 10 năm là vùng mía nguyên liệu trọng điểm cho các nhà máy đường trong và ngoài tỉnh, bộ mặt nông thôn xã Ea Pil đã có nhiều đổi thay nhờ cây mía. Tuy nhiên, trước thực trạng cả năng suất và giá mía đều giảm, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận kinh tế, nhiều nông hộ trên địa bàn xã đã có kế hoạch thay đổi cây trồng khác trên diện tích mía già cỗi hoặc đã ở giai đoạn cuối chu kỳ thu hoạch. Chính quyền xã Ea Pil cũng đã tìm nhiều giải pháp chuyển đổi để tăng thu nhập cho nông dân. Vùng trồng mía lớn nhất tại huyện M’Drak đang thu hẹp dần diện tích để nhường chỗ cho các cây trồng khác. Ông Nguyễn Doãn Sùng, Chủ tịch UBND xã Ea Pil, cho biết: Theo khảo sát tại địa phương, sau khi thu hoạch vụ mía năm nay thì có khoảng 30 – 40% diện tích mía trên địa bàn sẽ bị bà con phá bỏ để trồng loại cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Một số hộ dự định chuyển sang trồng gấc, trồng sắn, trồng rừng,..

Trong nhiều năm qua, diện tích mía tại huyện M’Drak khá ổn định với khoảng trên 7.000 ha, góp phần giúp các nhà máy bảo đảm vùng nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, diện tích cây mía trên địa bàn huyện đang có xu hướng giảm dần. Niên vụ mía 2014-2015, toàn huyện gieo trồng 7.391 ha (chiếm gần 23,7% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp), giảm 281 ha so với niên vụ trước, tập trung tại 10 xã, thị trấn; trong đó: xã Ea Pil trồng 3.243 ha, xã Krông Jing 500 ha, xã Krông Á 434 ha, xã Cư Prao 2.432 ha, xã Ea Lai 450 ha, xã Ea Trang 110 ha, xã Cư Mta 83 ha... Năng suất dự kiến đạt 70,5 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt 521.066 tấn. Với giá mía như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí từ 60 – 80 triệu đồng/ha, nông dân chỉ thu về được 10 - 20 triệu đồng/ha. Nếu đem chia cho thời gian mỗi vụ là 10 tháng tích cực sản xuất, mỗi tháng người trồng mía chỉ được thu 1 - 2 triệu đồng/ha, thấp hơn rất nhiều so với hiệu quả kinh tế của các loại cây trồng khác. Đó cũng là lý do khiến người nông dân có xu hướng “quay lưng” với cây mía.

Thiết nghĩ, khó khăn hiện nay là vấn đề chung của ngành mía đường và người trồng mía cả nước, nhưng tình trạng bỏ đất không trồng mía diễn ra nhiều nơi trên địa bàn huyện (đặc biệt là phá mía trồng sắn) thì vấn đề đặt ra cho các ngành chức năng địa phương là cần phải có những giải pháp kịp thời định hướng cây trồng phù hợp, để người trồng mía có bước chuyển đổi hiệu quả, tránh việc chạy theo lợi nhuận, bất chấp nguy cơ gây suy thoái đất do phá vỡ quy hoạch cây trồng, hoặc trồng tràn lan mà chưa qua bước thử nghiệm. Khi xuất phát từ sự biến động tăng - giảm của yếu tố thị trường thì điệp khúc trồng - phá bỏ, phá bỏ rồi lại trồng dường như vẫn là vòng luẩn quẩn của người nông dân. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch, mất cân đối cung-cầu và nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc