Multimedia Đọc Báo in

Sử dụng vỏ cà phê cho sản xuất công nghiệp: Hiệu quả vẫn chưa cao

10:08, 19/05/2015

Dak Lak là địa phương sản xuất cà phê hàng đầu của cả nước với diện tích hơn 200.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng 450.000 tấn. Theo tính toán của các chuyên gia, với sản lượng cà phê lớn đó, hàng năm qua hoạt động chế biến, sẽ thải ra môi trường khoảng 250.000 tấn phế phẩm nông nghiệp vỏ cà phê khô, là nguyên liệu rất có giá trị cho một vài ngành sản xuất công nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa được tận dụng triệt để...

Trước đây, theo tập quán của nông dân, phần lớn lượng vỏ này được đốt hoặc đổ bỏ mà không được xử lý hoặc xử lý không đúng quy trình kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường và là nguyên nhân cho một số loại nấm gây hại cho cây trồng.  Chỉ có một số ít được đổ vào gốc cà phê hoặc trộn với phân chuồng rồi đem bón cho cây… Đây là sự lãng phí lớn, vì vỏ cà phê có thể sử dụng một cách hiệu quả để sản xuất phân vi sinh hoặc làm nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp.
Sản xuất phân vi sinh từ vỏ cà phê tại Công ty TNHH SAPRO Tây Nguyên (huyện Krông Pak).
Sản xuất phân vi sinh từ vỏ cà phê tại Công ty TNHH SAPRO Tây Nguyên (huyện Krông Pak).

Trước thực trạng này, những năm gần đây, nhiều nông dân đã áp dụng quy trình sản xuất phân vi sinh từ vỏ cà phê. Theo đó, việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh thường được thực hiện theo tỷ lệ: 1 tấn vỏ cà phê, 2 tạ phân chuồng, 10 kg phân urê và 2 - 2,5 kg chế phẩm men vi sinh. Tất cả được trộn đều, tưới ẩm, vun thành từng luống, dùng bạt phủ kín để giữ nhiệt từ 25 - 30 ngày, sau đó tháo bạt đảo đều và ủ tiếp trong thời gian 60 - 70 ngày. Phân hữu cơ sinh học sản xuất theo cách này có hàm lượng các chất dinh dưỡng cao hơn 1,5 lần so với phân chuồng loại tốt, với 1 tấn vỏ cà phê kết hợp với phân chuồng và một số loại phân khác, nông dân có thể tự sản xuất ra 5 m3 phân vi sinh. Gia đình ông Phạm Văn Hồng, thôn 4, xã Ea Kao có 4 ha cà phê, từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình ông sản xuất được khoảng 3 tấn phân vi sinh, tổng chi phí sản xuất mỗi tấn khoảng 800.000 đồng, thấp hơn 4 - 5 lần so với mua tại các đại lý... Nhận thấy lợi ích từ mô hình này,  Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ đã chuyển giao quy trình này cho nhiều nông dân các địa phương. Cũng có một số doanh nghiệp (DN) đã sử dụng vỏ cà phê để sản xuất phân vi sinh, nhưng đều có công suất nhỏ, dây chuyền thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao nên đã lãng phí nguồn nguyên liệu.

Bên cạnh sử dụng làm phân vi sinh, phế phẩm vỏ cà phê còn có thể sử dụng làm nguyên liệu sản xuất viên nén nhiên liệu, than hoạt tính…, nhưng trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị nào sản xuất. Được biết, năm 2014, Công ty năng lượng West và Công ty chứng khoán SK (Hàn Quốc) đã khảo sát vùng nguyên liệu và dự kiến đầu tư nhà máy sản xuất viên nén nhiên liệu từ vỏ cà phê trên địa bàn tỉnh. Theo đề án, nhà máy sẽ được xây dựng làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn công suất khoảng 150.000 tấn sản phẩm/năm, tổng kinh phí (cả 2 giai đoạn) 25 triệu USD. Tuy nhiên, nhà đầu tư đưa ra mức giá thu mua nguyên liệu vỏ cà phê thấp hơn so với các DN trong nước (giá bình quân 1.000 đồng/kg), nên dự án không khả thi. Viên nén đốt từ vỏ cà phê có ưu điểm tỏa nhiệt cao, thân thiện với môi trường, giá thành cao, có thể cung cấp cho nhà máy nhiệt điện và được tiêu thụ mạnh ở thị trường châu Âu, Nhật Bản.

Việc sử dụng vỏ cà phê phục vụ sản xuất công nghiệp không những góp phần tận dụng tối đa nguồn vỏ cà phê thải ra, tạo sản phẩm công nghiệp giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần cải thiện môi trường, nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê Dak Lak. Với lợi ích đó, hy vọng thời gian tới, địa phương cũng như DN cần quan tâm hơn nữa đến việc khai thác tiềm năng rất lớn của phế phẩm vỏ cà phê vào mục đích sản xuất công nghiệp.

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc