Thu hồi đất rừng lấn chiếm ở Buôn Đôn: Đối mặt với nhiều khó khăn
Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn huyện Buôn Đôn có khoảng 5.000 ha rừng bị lấn chiếm trái phép. Trong đó, diện tích giao cho các hộ gia đình quản lý bảo vệ là 1.000 ha, rừng và đất lâm nghiệp giao các xã quản lý là 3.730 ha, số còn lại là đất thuộc diện tích của Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn và đất giao cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc thu hồi diện tích trên để trồng lại rừng đang đối mặt với nhiều khó khăn...
Diện tích đất rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn bị người dân lấn chiếm, xâm canh. |
Thực trạng... buồn!
Từ năm 2008, UBND huyện Buôn Đôn tiếp nhận và giao 9.615 ha đất rừng thuộc Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Buôn Đôn về cho 4 xã quản lý, gồm: Tân Hòa (2.485,1 ha), Ea Wer (3.489,5 ha), Ea Huar (2010,5 ha) và Krông Na (629,5 ha), trong đó, có 6.530,7 ha đất rừng tự nhiên sản xuất. Cho đến nay, qua kiểm tra, rà soát ngoài thực địa, đã có trên 3.730 ha đã bị các hộ dân lấn chiếm, xâm canh. Diện tích rừng còn lại chủ yếu là da beo, nghèo kiệt, sỏi đá, bạc màu không trồng trọt được. Trên thực tế, một số xã không khảo sát được diện tích rừng và đất rừng cụ thể trên thực địa, không xác định vị trí, ranh giới được giao, do vậy đến nay, một số xã vẫn chưa xây dựng được kế hoạch quản lý, bảo vệ. Đối với diện tích rừng giao cho BQL rừng phòng hộ Buôn Đôn, từ năm 2008 đến nay, có 114,9 ha bị 124 hộ, chủ yếu là người dân tộc thiểu số tại chỗ ở các xã: Krông Na, Ea Wer (Buôn Đôn) và Ea M’droh (Cư M’gar) lấn chiếm làm nương rẫy. Còn diện tích rừng giao cho cho các dự án, tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép cũng diễn ra khá phức tạp. Tháng 1-2011, Công ty TNHH SX-XNK lương thực Bình Dương được UBND tỉnh cho thuê 779,8 ha đất rừng tại tiểu khu 527, 533 thuộc xã Tân Hòa để cải tạo trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng. Hiện trạng rừng khi giao cho doanh nghiệp, diện tích rừng nghèo còn hơn 200 ha, một số diện tích đất lâm nghiệp đã bị người dân lấn chiếm trồng cao su, điều, hoa màu… Đến nay, theo báo cáo của Công ty khoảng 50% diện tích giao cho đơn vị đã bị lấn chiếm. Công ty TNHH xây dựng và thương mại Phúc Nguyên được UBND tỉnh cho thuê 244,5 ha đất lâm nghiệp tại tiểu khu 486, 479 thuộc địa bàn xã Ea Huar thực hiện dự án trồng cao su, qua kiểm tra, đến nay DN mới chỉ trồng được khoảng 100 ha, số diện tích còn lại đã bị các hộ dân lấn chiếm làm nương rẫy. Tương tự, trên diện tích 362,4 ha thuộc dự án trồng cao su của Công ty TNHH Hữu Bích, phần lớn trong số đó đã bị người dân lấn chiếm. DN này cũng không triển khai thực hiện dự án theo đúng thời gian quy định. UBND huyện Buôn Đôn đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi dự án. Còn 1.000 ha rừng và đất lâm nghiệp giao cho các hộ gia đình quản lý, bảo vệ đến nay đã bị xóa sổ (!).
Kiểm tra rừng bị khai thác trái phép tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn. |
Khó khăn trong xử lý, thu hồi
Ông Dương Văn Xanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết, thực hiện Chỉ thị 03/CT – UBND của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, địa phương đã triển khai rà soát, xác định đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để có biện pháp xử lý; tuyên truyền các đối tượng tự nguyện tháo dỡ lều lán dựng trái phép trên diện tích đất rừng lấn chiếm; thành lập các đoàn kiểm tra tập trung vào rừng, đất lâm nghiệp của các công ty TNHH MTV lâm nghiệp và các khu vực quy hoạch cho các dự án chuyển đổi sang trồng cao su, trồng rừng, dự án nông, lâm nghiệp khác… Tuy nhiên, việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm tại địa phương hiện còn đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài nguyên nhân chủ rừng buông lỏng quản lý, UBND cấp xã vẫn chưa phát huy hết vai trò của mình trong quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, các dự án nông, lâm nghiệp thực hiện không hiệu quả… Bên cạnh đó, áp lực về đất sản xuất cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất rừng. Đơn cử như rừng bị lấn chiếm thuộc BQL rừng phòng hộ Buôn Đôn, trong số 124 hộ gia đình lấn chiếm đất rừng tại các tiểu khu 439, 444, 455, 460, 467, 468, 469, đã có 36 hộ dựng chòi, trồng cây lương thực, hoa màu. Mặc dù chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nhưng chỉ có 1 hộ tự nguyện tháo dỡ lán trại. Việc cưỡng chế theo tinh thần Chỉ thị 03 của UBND tỉnh cũng gặp nhiều vướng mắc, bởi trong số 124 hộ này có 50 hộ ở xã Krông Na thuộc đối tượng thiếu đất ở và đất sản xuất. Mới đây, UBND huyện đã xây dựng đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các xã, thôn buôn đặc biệt khó khăn, theo đó, đã tiến hành khảo sát diện tích tại tiểu khu 439 (đất bị lấn chiếm thuộc BQL rừng phòng hộ Buôn Đôn) để quy hoạch khai hoang cấp đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Chương trình 755 của Thủ tướng Chính phủ. Khi đề án này được triển khai, sẽ giải quyết đất ở, đất sản xuất cho 283 hộ nghèo ở xã Krông Na và Ea Nuôl, trong đó có 50 hộ là đối tượng xâm canh, lấn chiếm đất rừng trái phép tại tiểu khu này. Số hộ gia đình còn lại, chính quyền địa phương tiếp tục rà soát để có phương án xử lý hợp lý. Còn diện tích đất thuộc các xã quản lý, giao cho các dự án… bị lấn chiếm, xâm canh, UBND huyện đang tiến hành rà soát để lên phương án thu hồi…
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc