Multimedia Đọc Báo in

Tìm giải pháp khắc phục hạn chế của ngành mía đường

09:47, 29/05/2015

Ngành mía đường hiện đang tồn tại những bất cập và gặp nhiều khó khăn từ khâu nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm đường, nên khả năng cạnh tranh bị hạn chế. Phần lớn người nông dân trồng mía theo kiểu manh mún, hiệu quả kinh tế chưa cao, trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) mía đường khó khăn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, giá thành rẻ.

Liên kết để tăng hiệu quả trồng mía

Những năm gần đây, huyện M’Drak xác định mía là một trong những cây trồng chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương, vì phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất này nên năng suất, chất lượng tốt, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống và tạo việc làm cho nhiều hộ dân. Hiện trên địa bàn có 4 DN liên kết đầu tư, tiêu thụ nguyên liệu mía của nông dân, trong đó, Công ty Cổ phần đường Ninh Hòa hợp đồng liên kết gần 2.300 ha, Công ty Cổ phần mía đường 333 gần 2.900 ha, Công ty Đường Khánh Hòa hơn 1.700 ha, Công ty Cổ phần mía đường Dak Nông 640 ha, ngoài ra, người dân tự trồng ngoài hợp đồng hơn 150 ha. Thời gian qua, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều tổ, nhóm tự phát của các hộ trồng mía để duy trì mối liên hệ giữa người nông dân với các nhà máy đường (thông qua trạm nông vụ đóng tại địa bàn hoặc trực tiếp với nhà máy) nhằm giải quyết các vấn đề về vốn đầu tư, cung ứng giống, nhân công thu hoạch, phương tiện vận chuyển và đánh giá chất lượng sản phẩm tại nhà máy. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ, nhóm tự phát này cũng có nhiều bất cập như thiếu minh bạch trong tiếp nhận vốn đầu tư từ các nhà máy, bố trí phương tiện vận chuyển, không được thỏa thuận về các dịch vụ kèm theo… Từ thực tế trên, đầu năm 2014, Huyện ủy M’Drak đã có chủ trương thành lập các tổ hợp tác trồng mía trên địa bàn các xã trên cơ sở phát huy các mặt tích cực và khắc phục hạn chế của hình thức tổ chức sản xuất theo quy mô tổ, nhóm, với mục đích tạo mối liên hệ bền chặt giữa các hộ trồng mía với nhau và giữa người trồng mía với các DN mía đường. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập 4 tổ hợp tác trồng mía để thực hiện thí điểm mô hình kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp làm cơ sở rút kinh nghiệm, để triển khai trên diện rộng. Cụ thể, 4 tổ này nằm trên địa bàn các xã Ea Pil (2 tổ), Cư Prao và Krông Á, tập hợp 90 hộ dân, canh tác 327 ha mía. Theo đó, các tổ viên sẽ hợp tác, hỗ trợ nhau về lao động, vốn đầu tư, phương tiện và thông qua ban điều hành mở rộng liên kết với bên ngoài, duy trì liên hệ với các nhà máy đường để thoả thuận hợp đồng cung ứng vốn, cây giống, kỹ thuật, kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân xã Ea Pil, huyện M’Drak thu hoạch mía niên vụ 2014-2015.
Nông dân xã Ea Pil, huyện M’Drak thu hoạch mía niên vụ 2014-2015.

Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN - PTNT huyện M’Drak cho biết, niên vụ 2014 – 2015, địa phương có hơn 7.300 ha mía, tập trung nhiều nhất ở xã Ea Pil (hơn 3.000 ha), Cư Prao (2.000 ha), Krông Jing (600 ha) và Krông Á (500 ha)… Nhận thấy những hiệu quả trong hoạt động của tổ hợp tác trong niên vụ vừa qua, địa phương sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình này nhằm giảm bớt khó khăn, tăng lợi nhuận cho người trồng mía, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Doanh nghiệp đầu tư mạnh cho vùng nguyên liệu

Nguyên liệu mía có vai trò hết sức quan trọng đối với ngành sản xuất mía đường, bởi vậy, các DN đều cố gắng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định và tăng năng suất, chất lượng mía bằng việc đưa vào trồng các giống mía tốt và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác. Công ty Cổ phần mía đường Dak Nông (Khu công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Jút) đã hoàn tất thủ tục hồ sơ và đang chờ UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án di dời nhà máy về xã Ia T’mốt, huyện Ea Súp. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 dự kiến sẽ được triển khai vào cuối năm 2015 và đến giai đoạn 2 (từ năm 2018), công suất nhà máy sẽ tăng gấp đôi hiện tại (3.000 tấn mía/ngày), nên DN xác định huyện vùng biên này là địa bàn trọng điểm về nguyên liệu. Theo đó, công ty đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu mía với tổng diện tích hơn 7.000 ha, trong đó, tại huyện Ea Súp 4.000 ha, tập trung tại các xã Ia T’mốt, Cư M’lan, Ea Bung, Ea Lê, Ea Rốc và Ia R’vê. Với công suất vận hành của nhà máy, nguyên liệu mía phải đạt 5.000 ha mới đáp ứng được nhu cầu sản xuất, tuy nhiên, đến thời điểm này, vùng nguyên liệu của công ty ở Ea Súp mới chỉ có khoảng 1.600 ha. Tại địa phương này, cây mía được đưa vào trồng khảo nghiệm từ năm 2007 và theo kế hoạch của công ty, vùng nguyên liệu ở đây sẽ ổn định sau 3 năm dự án đi vào hoạt động. Tuy nhiên, khó khăn cho việc phát triển cây mía ở Ea Súp là hay bị hạn hán vào mùa khô, người dân chưa có nhiều kinh nghiệm trồng mía và diện tích mía vẫn còn manh mún. Để hình thành vùng nguyên liệu tốt, bảo đảm nhu cầu sản xuất trong thời gian lâu dài, giảm giá nguyên liệu, công ty đã chuyển giao cho người nông dân các loại giống mía mới có năng suất, chất lượng tốt. Cùng với đó, các hộ trồng mía cũng được ứng trước tiền phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc với lãi suất tương đương 70 – 80% lãi vay ngân hàng và hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc mía. Về sản phẩm, đơn vị ký hợp đồng bao tiêu mía từ đầu vụ, với giá tại ruộng tối tiểu 850 – 900 đồng/kg để người dân yên tâm canh tác. Nhằm khuyến khích phát triển diện tích mía, các hộ chuyển đổi từ cây trồng khác sang trồng mía hoặc thanh lý diện mía cũ để trồng mới cũng được hỗ trợ theo mức độ khác nhau.

Nông dân xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông  thu hoạch mía.
Nông dân xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông thu hoạch mía.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, cây mía phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương và liên tục phát triển diện tích trong những năm gần đây, hiện đạt diện tích 2.000 ha. Cây mía phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương và có nhiều lợi thế để phát triển như địa hình bằng phẳng, khả năng dồn điền đổi thửa lớn nhờ đất đai rộng, hệ thống thuỷ lợi Ea Súp Thượng, Ea Súp Hạ được đầu tư khá đồng bộ…

Ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Dak Nông cho biết, để hình thành vùng nguyên liệu mía bền vững, thời gian tới, công ty sẽ tăng cường liên kết với người nông dân mở rộng diện tích thông qua việc hỗ trợ để họ có thu nhập ổn định từ cây mía. Bên cạnh đó, sẽ khuyến khích người trồng mía đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để tăng năng suất, chất lượng mía; có kế hoạch xây dựng trại giống diện tích 200 ha để nghiên cứu, nhân giống, trồng khảo nghiệm và chuyển giao cho người dân…

Cuối năm 2014, UBND tỉnh đã bổ sung 3 dự án chế biến mía đường vào Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp tỉnh Dak Lak giai đoạn 2011 – 2020, định hướng đến năm 2025. Cụ thể: Nhà máy đường xã Ia T’mốt, huyện Ea Súp, giai đoạn 2015 – 2020 có công suất 3.000 tấn mía/ngày, vốn đầu tư 470 tỷ đồng, giai đoạn 2020 – 2025: 3.000 tấn/ngày, vốn đầu tư 300 tỷ đồng; Khu phức hợp công nghiệp mía đường xã Ea Rốc, huyện Ea Súp, giai đoạn 2015 - 2020 công suất 4000 tấn/ngày, vốn đầu tư 1.370 tỷ đồng, giai đoạn 2020 – 2025 công suất 2000 tấn/ngày, vốn đầu tư 250 tỷ đồng; Nhà máy đường – nhiệt điện xã Krông Jing, huyện M’Drak sẽ triển khai từ năm 2020 – 2025, với công suất 3500 tấn/ngày, vốn đầu tư 600 tỷ đồng. Mục tiêu của ngành mía đường Dak Lak là phấn đấu đến năm 2020, tổng sản lượng đường đạt 114.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 triệu USD. Về nguyên liệu, sẽ quy hoạch vùng trồng mía cho từng nhà máy, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nguyên liệu, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thâm canh tăng năng suất bằng các giống mía mới và đẩy mạnh cơ giới hóa.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc