Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng từ những giống lúa mới

08:40, 28/05/2015
Với nhiệm vụ khảo nghiệm, thử nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng như sản xuất, cung ứng các giống lúa mới chất lượng cao cho người dân, những năm qua, Trung tâm giống, cây trồng vật nuôi Dak Lak đã có những khảo nghiệm đưa các giống lúa mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lúa, cải thiện đời sống cho người dân.

Vụ đông xuân 2014 - 2015 tại Trại lúa giống Hòa Xuân thuộc Trung tâm đã tiến hành sản xuất các giống lúa nước có năng suất và chất lượng cao như ĐT34, Xi23, HT1, Jasmine 85, VT-NA2, các giống siêu lúa lai, LC408…, trong đó nổi bật là giống VT-NA2 năng suất trên 9 tấn/ha, ĐT34 trên 8,5 tấn/ha, siêu lúa lai có giống đạt 12 tấn/ha… đây là những giống lúa có nhiều triển vọng, có thể sản xuất đại trà tại nhiều vùng đất trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Trại còn tiến hành nhân dòng mẹ (không cần giống bố) lúa lai hai dòng 827S, năng suất đạt 4 tấn/ha, ngưỡng chuyển đổi tính bất dục của cây giống là dưới 23,5 oC. Đặc biệt, hiện tại trung tâm đang thử nghiệm độc quyền giống lúa cạn LC408 do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nghiên cứu, tuyển chọn và đưa ra sản xuất. Đây là giống lúa cạn thuộc nhóm trung ngày (110 – 130 ngày), cao 95 – 115 cm, cứng rạ, thích nghi rộng, chịu hạn tốt, bông to, hạt thon nhỏ, năng suất đạt 3 - 6 tấn/ha, cơm mềm, xốp và rất ngon. Tùy vào cơ cấu cây trồng trên đất sản xuất và thời điểm mưa trên từng vùng mà thời gian gieo trồng khác nhau, từ tháng 5 đến 20 - 6 dương lịch. Ông Đào Thế Sang, Phó phụ trách Trại lúa giống Hòa Xuân cho biết, Trại quản lý 24 ha đất trồng lúa, vụ đông xuân vừa qua đã gieo trồng gần 2 ha lúa cạn LC408, kết quả cho thấy giống sinh trưởng và phát triển tốt, bông dài, tỷ lệ hạt chắc cao… Đặc biệt, LC408 có khả năng thích ứng rộng và có thể thâm canh trên đất cạn ở những vùng phụ thuộc vào nguồn nước trời và những vùng bấp bênh nước. So với các giống lúa cạn khác, LC408 ít sâu bệnh hơn, đặc biệt có thể chống chịu bệnh đạo ôn (lá, cổ bông) rất tốt. Để cây lúa phát triển tốt, bà con cần tăng cường các biện pháp cải tạo đất, trồng luân canh, bón phân hữu cơ, cân đối NPK, bổ sung phân bón qua lá…

Cán bộ Trại lúa giống Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra thực địa.
Cán bộ Trại lúa giống Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra thực địa.

Chị Nguyễn Thị Hoài, Phó Trưởng phòng kỹ thuật Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi tỉnh cho biết, để đưa một giống cây trồng ra thị trường thì giống đó phải được tuyển lựa từ hàng nghìn tổ hợp lai sau nhiều vụ sản xuất, tại nhiều địa điểm khác nhau, sau đó lọc lại chỉ còn vài bộ giống ưu việt nhất và phải được Bộ NN - PTNT công nhận thì giống đó mới được sản xuất đại trà để cung cấp ra thị trường. Quá trình khảo nghiệm đó thường mất vài năm, do vậy chỉ cần một sai sót nhỏ trong quá trình sản xuất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng lúa giống sau cùng. Hiện tại, trên thị trường các giống lúa ML48, HT1 khá phổ biến, tuy nhiên với tập quán canh tác, sử dụng hạt giống mùa này sạ cho mùa sau khiến nhiều giống lúa đã bị thoái hóa, sâu, dịch bệnh xảy ra nhiều, năng suất không đạt yêu cầu, do vậy làm mới các giống lúa là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.