Multimedia Đọc Báo in

Tưới nước tiết kiệm cho cà phê mùa hạn

12:29, 13/05/2015

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, nước là yếu tố quan trọng, quyết định hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên việc tưới nước bất hợp lý không chỉ làm thất thoát tài nguyên nước mà còn đẩy các loại cây trồng vào tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô.

Gian nan tìm nguồn nước

Theo số liệu thống kê của Sở NN – PTNT, hiện toàn tỉnh có trên 50.000 ha cây trồng các loại bị hạn, trong đó, cà phê chiếm gần 40.000 ha. Theo nhận định của bà con nông dân, tình hình hạn hán năm nay diễn biến phức tạp hơn so với những năm trước đó. Ông Trần Văn Hợp, thôn 7, xã Krông Buk (Krông Pak) cho biết, gia đình có gần 1 ha cà phê, do vườn cây nằm xa các công trình thủy lợi nên để có nước tưới, gia đình đã đào giếng sâu gần 40 m, với lượng nước dồi dào. Hơn 20 năm qua, giếng đã cung cấp nước sinh hoạt cho 3 gia đình (12 người) và phục vụ nước tưới cho vườn cà phê vào mùa khô, nhưng 2 tháng gần đây, nước trong giếng thường xuyên ở mức chạm đáy. Mặc dù gia đình phải vận chuyển nước từ nơi khác về sinh hoạt, nhường nước giếng phục vụ tưới cà phê, nhưng để tưới 1 giờ phải chờ đến 1 tuần mới có đủ nước. Giếng cạn hết mùa khô, mùa mưa nước lại đầy, còn vườn cà phê luôn chìm trong cơn khát, nhiều cây bị héo rũ, chết khô…, đó là tình trạng diễn ra nhiều năm gần đây.

Tiến sĩ Lê Ngọc Báu thuyết trình cho khách tham quan vườn cà phê triển khai mô hình tưới nước tiết kiệm.
Tiến sĩ Lê Ngọc Báu thuyết trình cho khách tham quan vườn cà phê triển khai mô hình tưới nước tiết kiệm.

Tương tự, ông Phan Văn Lưu, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột cũng cho hay, nhận biết nắng hạn sẽ kéo dài nên từ đầu mùa khô, bà con nông dân đã tự bảo nhau thực hiện các biện pháp tưới nước tiết kiệm, nhưng đến cuối tháng 3, mực nước giếng tại các vườn cà phê sụt giảm nghiêm trọng, thời gian tưới giảm dần từ 3 giờ/lần (đầu tháng 3) xuống còn 1 giờ/lần (cuối tháng 4), nhiều giếng cạn trơ đáy, không còn nước tưới, nhiều vườn cà phê bị héo rũ. Để cứu cây cà phê, đến chu kỳ tưới ông Lưu phải ngày đêm túc trực tại rẫy để canh… nước, hết đợt tưới mới dám về nhà. Tương tự, gia đình anh Y Man Bkrông ở thôn 7, xã Ea Hồ (Krông Năng) cũng có gần 2 ha cà phê, giữa tháng 4, vườn cây có nguy cơ chết khô, nên anh phải đầu tư thêm 5 cuộn ống, để bơm nước tưới cây. Còn những hộ khác, rẫy nằm xa các công trình thủy lợi nên phải khoan thêm giếng với chi phí rất cao, trên 20 triệu đồng/cái, nhưng mỗi lần tưới chỉ được 10 gốc cà phê. Ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN – PTNT cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 203.000 ha cà phê, sản lượng bình quân đạt 462.000 tấn, chiếm 40% tổng sản lượng cà phê của cả nước. Hằng năm, Sở đều ban hành các văn bản khuyến cáo người dân sản xuất theo kế hoạch để ưu tiên nước tưới cho cây cà phê, tuy nhiên nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng, không tích đủ nước theo thiết kế, cùng với mực nước ngầm suy giảm nên việc tưới nước tiết kiệm cho cà phê là vấn đề bức thiết hiện nay…

Tưới tiết kiệm...

Cà phê là cây công nghiệp dài ngày, phát triển theo chu kỳ năm và người nông dân dựa vào chu kỳ đó để thực hiện các biện pháp chăm sóc hợp lý như tưới nước vào mùa khô, bón phân, rong cành mùa mưa… Hiện nay, mực nước ngầm ngày càng suy giảm nghiêm trọng, do vậy việc tưới nước sao cho hợp lý, bảo đảm lượng nước cung cấp đủ cho cây nhưng vẫn tiết kiệm được nước là rất quan trọng. Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, nông dân thường quan niệm tưới càng nhiều nước càng tốt, nhưng thực tế tất cả các loại cây trồng đều có ngưỡng của nó, ngưỡng ra hoa của cây cà phê trong chu kỳ tưới 10 ngày là 360 lít/cây, còn các lần tiếp theo chỉ cần tưới 180 lít/cây/lần là bảo đảm cho cây phát triển. Sở dĩ Viện đưa ra chu kỳ tưới này bởi mực nước ngầm suy giảm nghiêm trọng, lượng nước cung cấp mỗi đợt tưới không đủ nên chu kỳ tưới kéo dài, dễ gây thất thoát nguồn nước. Với chu kỳ tưới 10 ngày/lần, đây là phương pháp tưới mới, tưới béc dưới tán cây do Viện mới nghiên cứu thành công, theo đó, vườn sẽ được lắp đặt hệ thống ống nước chạy dọc theo hàng cây, mỗi cây có một béc nhỏ, tưới đồng loạt cả vườn để cây được cấp nước kịp thời, có thể tự điều hòa khí hậu của vườn nên sinh trưởng, phát triển tốt. Thêm nữa, với phương pháp tưới béc dưới tán cây, mực nước thất thoát do bốc hơi, bay theo gió gần bằng không, nên bà con có thể kết hợp tưới nước và bón phân, qua đó, có thể tiết kiệm đáng kể về chi phí nhân công hằng năm; hạn chế được sự thất thoát chất dinh dưỡng do bốc hơi, bị rửa trôi... Các thiết bị triển khai, lắp ráp mô hình này rất thấp, chỉ khoảng 20 triệu đồng, và có thể dễ dàng tìm kiếm trên thị trường.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.