Multimedia Đọc Báo in

Vụ hè thu 2015: Cần giải pháp toàn diện để vượt khó

09:51, 27/05/2015

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, thời tiết trong vụ hè thu năm nay sẽ gặp nhiều bất lợi do nền nhiệt độ trung bình toàn vụ cao hơn, và lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm. Vì vậy, các địa phương cần chủ động thực hiện các giải pháp bảo vệ sản xuất phù hợp và  đồng bộ.

Chủ động ứng phó với thời tiết bất lợi

Theo nhận định sơ bộ tình hình thời tiết trong vụ hè thu năm 2015 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Dak Lak, nền nhiệt trung bình toàn vụ cao hơn trung bình nhiều năm, mùa mưa bắt đầu muộn hơn, vào khoảng giữa tháng 5 và mưa nhiều tập trung vào tháng 8, 9. Tổng lượng mưa toàn vụ phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm, do vậy sản xuất vụ hè thu 2015 sẽ gặp nhiều bất lợi.

Nông dân huyện Ea Kar chuẩn bị đất cho sản xuất vụ hè thu.
Nông dân huyện Ea Kar chuẩn bị đất cho sản xuất vụ hè thu.

Căn cứ vào tình hình trên, Sở NN-PTNT đã yêu cầu các địa phương chỉ gieo trồng khi đã có mưa đều, đất phải đủ độ ẩm để những giai đoạn xung yếu của cây như thời kỳ nảy mầm, cây non, nở hoa… không bị khô hạn hoặc ngập úng, né tránh thời kỳ lũ quét, phát sinh sâu bệnh hại, đồng thời hướng dẫn các biện pháp luân canh, xen canh, gối vụ nhằm giảm thiểu thiệt hại do mùa mưa kết thúc sớm. Theo đó, tại huyện Ea Súp, ngay từ đầu vụ, ngoài việc chuẩn bị tốt công tác thủy lợi như nạo vét kênh mương, tu sửa công trình, xây dựng kế hoạch sử dụng nước…, các xã còn khuyến khích nhân dân đầu tư gieo tỉa hết diện tích đất, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bón đủ lượng dinh dưỡng yêu cầu và phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Theo kế hoạch, toàn huyện sẽ gieo trồng 46.700 ha cây trồng ngắn ngày các loại, trong đó lúa nước 10.600 ha, ngô lai 7.000 ha, cây chất bột có củ 5.068 ha … Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Phòng NN-PTNT huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí hợp lý các loại cây trồng, như với cây lúa, vẫn duy trì giống lúa ML48 xác nhận làm chủ lực trên tất cả các chân ruộng 2 vụ; tăng cường đầu tư giống xác nhận, hạn chế thấp nhất dùng lúa thương phẩm (lúa thịt) làm giống… Đối với cây ngô, duy trì các loại giống ngô lai đã phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết khí hậu địa bàn; khuyến cáo bà con nông dân gieo trồng đúng lịch thời vụ không gieo tỉa quá sớm hoặc gieo khô đón mưa, dẫn đến khô cháy do nắng hạn đầu vụ. UBND các xã, thị trấn cũng đã chủ động xây dựng phương án và chuẩn bị đầy đủ phương tiện để phòng chống lụt bão kịp thời, không bố trí cơ cấu các loại cây trồng dài ngày ở những vùng thấp trũng, dọc ven suối thường bị ngập lụt. Tại huyện Buôn Đôn, huyện đã chỉ đạo các xã chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết như đất, giống, phân, nước; tăng cường sử dụng các giống lai gắn với đầu tư thâm canh nhằm tạo được sự đồng đều năng suất giữa các vùng, đồng thời rà soát, kiểm tra hệ thống kênh mương, các công trình thủy lợi để có phương án chủ động ứng phó với thiên tai. Đến thời điểm này, bà con nông dân đang chuẩn bị đất để xuống giống các loại đậu, ngô; các xã, thị trấn đã có kế hoạch sử dụng nước của từng công trình thủy lợi để bảo đảm nước tưới phục vụ sản xuất.

Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp

Theo kế hoạch, vụ hè thu 2015, toàn tỉnh sẽ gieo trồng 202.925 ha cây trồng các loại, trong đó lúa nước 53.000 ha, ngô 74.500 ha, sắn gần 20.000 ha, các loại đậu gần 42.700 ha … Phấn đấu sản lượng lương thực có hạt đạt trên 943.000 tấn (lúa 291.977 tấn, ngô 651.517 tấn). Để thực hiện tốt kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2015, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cũng đã yêu cầu các tỉnh rà soát, khoanh vùng sản xuất lúa và chuyển đổi cây trồng phù hợp bảo đảm an toàn sản xuất, đồng thời tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại trong các ao hồ, sông suối, kênh rạch để dành cung cấp cho vụ hè thu. Theo đó, Sở NN-PTNT đã yêu cầu các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu giống, thời vụ đến các biện pháp canh tác, bảo vệ thực vật, phòng chống thiên tai, trong đó chú ý đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái, cung – cầu trên thị trường, chú ý tuyên truyền để người dân không tự phát mở rộng diện tích ngoài kế hoạch. Đặc biệt đối với diện tích lúa bấp bênh về nguồn nước, cần khuyến khích người dân chuyển sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày như ngô, khoai lang, thuốc lá, dưa hấu... có nhu cầu nước ít hơn.

Nông dân xã Cư Bông (Ea Kar) đang sạ lúa vụ hè thu.
Nông dân xã Cư Bông (Ea Kar) đang sạ lúa vụ hè thu.

Đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã gieo trồng được 23.727 ha cây trồng vụ hè thu, đạt 11,6% kế hoạch, trong đó, ngô 13.334 ha; khoai lang 84 ha; sắn 4,484 ha; rau các loại 313 ha. Tại huyện Ea Kar, người dân cũng đã xuống giống được khoảng 2.000/49.700 ha, chủ yếu là cây ngô và đậu các loại. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện, địa phương đã ban hành lịch thời vụ sản xuất hè thu và yêu cầu các địa phương, đơn vị sản xuất cần bám sát vào hướng dẫn nông lịch, đồng thời khuyến khích nông dân đẩy mạnh việc trồng xen canh gối vụ và chuyển những diện tích lúa bấp bênh sang trồng một số cây trồng cạn; hiện các xã, thị trấn đã chuyển đổi được khoảng 50 ha lúa nước bấp bênh sang trồng rau, màu mang lại hiệu quả cao.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.