Chi hội Nghề cá Buôn Triết (huyện Lak): Gắn khai thác nguồn lợi thủy sản với phát triển bền vững
Trong những năm qua, hoạt động quản lý và khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, bất cập do tình trạng khai thác thủy sản bằng các phương tiện hủy diệt còn diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, việc bảo vệ đi đôi với tái tạo nguồn lợi thủy sản cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Một trong những “điểm sáng” trong thực hiện công tác này phải kể đến Chi hội Nghề cá xã Buôn Triết (huyện Lak)…
Nằm cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 65 km, xã Buôn Triết không chỉ nổi tiếng là vựa lúa lớn của Tây Nguyên, mà còn được biết đến vì có hồ Buôn Triết với nhiều tiềm năng du lịch và phát triển kinh tế. Hồ Buôn Triết có diện tích khoảng 150 ha, ngoài mục đích phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp thì nguồn lợi thủy sản phong phú trong hồ còn đóng vai trò quan trọng đối với sinh kế của nhiều người dân địa phương. Những năm trước đây, việc đánh thủy sản trong hồ diễn ra một cách tự phát, không theo kế hoạch cụ thể nào. Chính vì lẽ đó mà nguồn lợi thủy sản của hồ Buôn Triết “tưởng như là vô tận” ngày càng sụt giảm. Năm 2009, được sự hỗ trợ từ Chương trình hỗ trợ ngành Thủy sản giai đoạn 2 (FSPS II) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, Ban Quản lý FSPS tỉnh Dak Lak đã chọn hồ Buôn Triết là nơi thực hiện mô hình Đồng quản lý nghề cá (phương thức quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng) nhằm giúp cho nghề cá của xã phát triển đúng hướng và đạt hiệu quả kinh tế cao. Để hỗ trợ cho việc thực hiện mô hình, Ban Quản lý FSPS tỉnh đã tiến hành thiết lập tổ chức ngư dân hồ Buôn Triết và lấy tên là Chi hội Nghề cá Buôn Triết làm hạt nhân của mô hình Đồng quản lý tại địa phương.
Ông Khắc Ngọc Lập, hội viên Chi hội Nghề cá Buôn Triết chia sẻ về việc nuôi và đánh bắt cá trên hồ Buôn Triết. |
Ông Khắc Ngọc Lập, thành viên Chi hội Nghề cá Buôn Triết cho hay: Khi mới thành lập, chi hội có 28 thành viên, nhưng hiện nay còn khoảng hơn 20 người vì một số hội viên đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Ngày mới thành lập chi hội được hỗ trợ 30 áo phao, 5 chiếc đèn để tuần tra vào ban đêm và được cung cấp tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá, hỗ trợ một phần vốn, kỹ thuật… Bên cạnh đó, các hội viên còn đóng góp các khoản như phí đánh bắt (150.000 đồng/ người/tháng), hội phí (5.000 đồng/người/tháng)… Từ nguồn phí này, chi hội dùng để sinh hoạt, phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ hồ và quan trọng nhất là mua thêm cá giống về thả nhằm bổ sung nguồn lợi thủy sản cho hồ. Cũng theo ông Lập, khi tham gia chi hội, các hội viên đều đã cam kết thực hiện nghiêm những quy định trong hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản như: Không sử dụng các ngư cụ mang tính hủy diệt; sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, chăm sóc nuôi dưỡng đúng kỹ thuật để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; chú trọng phát triển nuôi các giống cá chủ lực, có giá trị hàng hóa cao, … Ngoài ra, chi hội còn được Trạm Khuyến nông huyện tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, tham quan mô hình, xây dựng điểm trình diễn, từ đó nắm bắt thông tin và học tập kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất.
Với nguồn lợi thức ăn phong phú sẵn có cộng với độ sâu mặt nước phù hợp nên các loại cá trong hồ Buôn Triết lớn nhanh so với những địa phương khác. Chính từ những lợi thế đó, nghề cá cũng như cuộc sống của các hội viên ngày càng phát triển. Ông Khắc Ngọc Lập nói rằng: “Mỗi ngày chi hội có khoảng từ 8 đến 15 thuyền đánh bắt thường xuyên, trung bình mỗi thuyền đánh bắt được hơn 6 kg cá, giá trị khoảng gần 200.000 đồng/kg. Nếu thuyền nào may mắn bắt được cá “khủng” (các loại cá như mè hoa, trắm có cân nặng 30 kg đến 50 kg/con) thì lợi nhuận thu về rất nhiều. Từ nguồn lợi này đủ để các ngư dân trang trải cuộc sống hằng ngày. Anh Võ Quốc Trung, hội viên chi hội tâm sự: “Khi tham gia vào chi hội, chúng tôi được biết thêm nhiều điều về việc tái tạo và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thủy sản. Từ đó, chúng tôi đã loại bỏ những phương tiện đánh bắt theo hình thức hủy diệt, thay đổi mắt lưới cho phù hợp… Thu nhập từ nghề cá cũng đủ sống, ngoài chi tiêu hằng ngày còn dư dả chút ít để lo cho gia đình”.
Song song với các hoạt động khai thác thì việc bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản luôn được Ban Quản lý chương trình FSPS tỉnh, Chi cục Thủy sản cũng như Chi hội Nghề cá Buôn Triết thường xuyên quan tâm thực hiện. Từ khi thành lập chi hội đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh cùng với Ban Quản lý chương trình FSPS tỉnh đã tiến hành thả nhiều đợt với hàng chục nghìn loại cá giống các loại như: rô phi, chép, diêu hồng, thát lát ... Ngoài ra, từ nguồn quỹ của mình, hằng năm chi hội đã trích ra mua hàng nghìn con cá giống các loại để bổ sung vào hồ. Đây là những hoạt động rất thiết thực, không chỉ tái tạo nguồn lợi thủy sản cho hồ Buôn Triết mà còn góp phần bảo vệ một số giống loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Ông Trương Văn Doan, Chi hội Trưởng Chi hội nghề cá Buôn Triết cho biết: “Từ khi thành lập Chi hội Nghề cá Buôn Triết, nhận thức của các ngư dân đã thay đổi rõ rệt, nhất là về cách khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong hồ. Từ đó hiệu quả kinh tế mang lại cho mọi người rất đáng kể, các hội viên hầu như đều có thu nhập ổn định. Việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản đã giúp cho môi trường sinh thái không bị hủy hoại. Việc tái tạo nguồn lợi thủy sản còn có ý nghĩa quan trọng, giúp cho các hộ dân sinh sống bằng nghề khai thác thủy sản ở đây cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo...”.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc