Đổi đời nhờ trồng keo
Những năm gần đây, trồng rừng đã thực sự trở thành một nghề cho thu nhập cao ở huyện M’Drak, nhờ vậy mà hàng ngàn hộ dân trồng rừng ở đây đã có cuộc sống khấm khá; đất trống, đồi trọc được phủ xanh, môi trường tự nhiên được cải thiện.
Anh Nguyễn Văn Điều ở thôn 1 (xã Cư Króa) đang chăm sóc vườn keo của gia đình. |
Cạnh đó, gia đình anh Nguyễn Văn Điều có 8 ha đất trồng keo, anh vừa bán 3,5 ha được 300 triệu đồng. Anh Điều phấn khởi cho biết, hiện trên vùng đất này không loại cây nào có hiệu quả bằng cây keo, vì là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, cũng như chi phí đầu tư nhưng năng suất cao, giá cao và dễ bán. Bây giờ chỉ cần có vườn cây đến độ tuổi thu hoạch là thương lái vào mua luôn cả vườn, người trồng chỉ việc thỏa thuận giá bán và lấy tiền, còn việc thu hoạch, vận chuyển thương lái tự lo. Chính nhờ trồng keo lai mà kinh tế gia đình anh đã trở nên khá giả, xây được nhà khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi đắt tiền.
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện M’Drak, địa phương hiện có khoảng 13.800 ha rừng trồng, trong đó của người dân là hơn 6.000 ha, còn lại là của các đơn vị: Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp M’Drak, Ban quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu, Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Mai, Công ty TNHH Tam Phát, Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành M’Drak.
Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN-PTNT huyện M’Drak cho biết, nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên cây keo có tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng sinh khối lớn, sau một chu kỳ 4 - 5 năm đạt 80 – 100 m3/ha. Với giá bán hiện nay vào khoảng 1 triệu đồng/m3, mỗi héc-ta keo giúp người trồng thu về 80-100 triệu đồng. Một thuận lợi nữa là chi phí đầu tư trồng và chăm sóc cây keo lai rất thấp, chỉ khoảng 10-15 triệu đồng cho một chu kỳ. Ngoài ra, năm đầu tiên, có thể trồng xen mì để tận dụng đất trống, tăng thu nhập. Hiện nay, tất cả các xã, thị trấn của huyện đều có rừng trồng, chỉ tính riêng năm 2014, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác của toàn huyện là 100.000 m3, tạo ra một nguồn thu nhập lớn cho các đơn vị, doanh nghiệp, người dân trồng rừng tại địa phương.
Về M’Drak hiện nay, rất khó để tìm được những vùng còn đất trắng, đồi trọc mà thay thế vào đó là những vườn, đồi keo xanh tốt. Và rừng trồng đang dần khẳng định là một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc