Multimedia Đọc Báo in

Khơi nguồn tín dụng đầu tư phát triển Tây Nguyên

11:01, 03/06/2015

Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn. Trong đó, nguồn vốn ngân hàng giữ  vai trò quan trọng, góp phần giúp cho khu vực này trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nay, mạng lưới ngân hàng đã bao phủ hầu hết các địa phương trên địa bàn  các tỉnh Tây Nguyên, đã góp phần tích cực trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp vốn phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó đặc biệt ưu tiên nguồn vốn cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến 31-12-2014, dự nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tại khu vực Tây Nguyên đạt 70.646 tỷ đồng, tăng 15,09% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm 48,56% tổng dư nợ cho vay tại khu vực, chiếm 9,49% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc. Trong 3 tháng đầu năm 2015, dự nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tại địa bàn Tây Nguyên đạt 2.325 tỷ đồng, lũy kế đến 31-3-2015, tổng dư nợ đạt 72.971 tỷ đồng, tăng 3,29% so với cuối năm 2014. Trong đó, đẩy mạnh cung cấp tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất, thu mua, chế biến các mặt hàng nông sản thế mạnh của khu vực như cà phê, điều, cao su, hồ tiêu. Đến 31-3-2015, dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 43.950 tỷ đồng, tăng 7,44% so với cuối năm 2014, trong đó dự nợ cho vay đối với cà phê là 32.526 tỷ đồng, tăng 8,37%  so với cuối năm 2014. Ông Võ Minh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong nhiều năm qua, ngành ngân hàng (NH) đã ưu tiên nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây công nghiệp, nhất là đối với cây cà phê, hồ tiêu… để Tây Nguyên phát huy được thế mạnh của mình … Bên cạnh nguồn vốn tín dụng thương mại, nguồn vốn chính sách cũng đã góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn Tây Nguyên. Đến 31-3-2015, dư nợ cho vay các chương trình của NHCSXH tại khu vực đạt 11.132 tỷ đồng, qua đó, đã giúp trên 228.000 hộ thoát nghèo, tạo điều kiện cho gần 45.500 lao động có việc làm, hơn 212.000 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, hơn 323.000 công trình nước sạch, vệ sinh nông thôn được xây dựng…

Công ty TNHH XNK 2-9 Dak Lak hỗ trợ giống cây trồng cho người dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) tái canh cà phê.
Công ty TNHH XNK 2-9 Dak Lak hỗ trợ giống cây trồng cho người dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) tái canh cà phê.

Ưu tiên tín dụng đầu tư phát huy thế mạnh của vùng

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội khu vực Tây Nguyên lần thứ 3-2015 diễn ra vào tháng 5-2015, ông Võ Minh Tuấn khẳng định, trong giai đoạn tới ngành NH sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho khu vực Tây Nguyên để nơi đây có thể khai thác được tối đa tiềm năng, ưu thế của mình, đặc biệt ưu tiên nguồn tín dụng đầu tư để phát triển bền vững các loại cây công nghiệp: cao su, cà phê, hồ tiêu… Riêng đối với cà phê, giai đoạn 2015-2020, nguồn vốn tín dụng sẽ dành khoảng 12.000 – 15.000 tỷ đồng để cho vay tái canh. Theo đó, các hộ dân, DN, hợp tác xã có thể được vay tới 150 triệu đồng/ha, với thời hạn vay đến 8 năm, ân hạn trả lãi và gốc 4 năm. Bên cạnh đó, với mục tiêu hỗ trợ bền vững kinh tế nông nghiệp, ngành NH đã phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học – Công nghệ triển khai chương trình cho vay thí điểm theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, NHNN đã phê duyệt 31 dự án của 28 DN tại 22 tỉnh, thành phố tham gia chương trình thí điểm. Tại Tây Nguyên, NHNN đã phê duyệt dự án đầu tư dây chuyền sản xuất nước chanh dây cô đặc và đầu tư nhà kính trồng hoa lan hồ điệp của Công ty TNHH thương mại – dịch vụ Trường Hoàng (Lâm Đồng), với tổng vốn cam kết cho vay 80 tỷ đồng.  Một trong những cây trồng tiềm năng, chương trình đầu tư tín dụng cho phát triển cây mắc-ca tại Tây Nguyên cũng đang được Ngân hàng Liên Việt quan tâm. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng Liên Việt, hoạch định của LienVietPostBank là ưu đãi cho các hộ gia đình và DN vay tín dụng dài hạn lên đến 7-10 năm, ân hạn trả gốc và lãi trong 5 năm đầu. Ngoài ra, chương trình kết nối NH – DN triển khai từ năm 2014 đã tạo cầu nối hiệu quả giữa NH – DN, từng bước góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp DN tiếp cận vốn vay, duy trì và ổn định sản xuất kinh doanh. Tính đến quý I- 2015, tổng số tiền ngân hàng đã cam kết cho 2.800 DN vay theo các chương trình kết nối hơn 25.000 tỷ đồng; hơn 200 DN được các NHTM cơ cấu lại nợ, điều chỉnh giảm lãi trên tổng dư nợ 4.000 tỷ đồng.

Có thể nói, việc triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng đặc thù đối với ngành, lĩnh vực có thế mạnh, đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực Tây Nguyên. Như khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, trong bối cảnh kinh tế - xã hội Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư để góp phần thực hiện muc tiêu giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị và xây dựng nông thôn mới cho khu vực Tây Nguyên.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc