Mùa vải ngọt ở Dak Lak
Trong những năm gần đây, cây vải đã bắt đầu khẳng định được thế mạnh của mình trên mảnh đất Dak Lak với thời điểm ra hoa và đậu quả sớm hơn so với vải miền Bắc và trở thành lựa chọn của nhiều nông hộ trong việc chuyển đổi cây trồng, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Chúng tôi có mặt tại Vườn thực nghiệm thâm canh vải với diện tích 3 ha của ông Phạm Thế Quốc, ở thị trấn Phước An (Krông Pak), khi hàng chục nhân công đang thu hoạch, vận chuyển, lựa chọn và đóng gói số đã vào mùa chín rộ, lên từng chiếc xe tải. Những chiếc xe tải này là của Chợ đầu mối Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), thay phiên nhau túc trực ngay tại vườn của ông Quốc để nhận hàng và chuyển ngay đi tiêu thụ tại chợ đầu mối, các siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đối với người trồng vải tại Tây Nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng thì họ không lạ gì ông Phạm Thế Quốc, người được xem là tiên phong trong việc đưa cây vải lên Tây Nguyên. Nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn Ba Đình (D602), từng chiến đấu tại Tây Nguyên nên khi xuất ngũ, ông Quốc quyết tâm đóng góp cho vùng đất nơi mà ông và đồng đội đã chiến đấu, bằng cách giúp nông dân Tây Nguyên làm giàu. Với sự giúp đỡ của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thế Tục, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), từ những năm 2002, ông đã tự mang hàng nghìn cây vải giống vào trồng nhiều nơi ở các tỉnh Tây Nguyên như: Dak Lak, Dak Nông, Lâm Đồng… để truyền đạt kỹ thuật trồng vải sao cho hiệu quả nhất đến những chủ vườn muốn chuyển đổi cây trồng. Riêng khu vườn thực nghiệm của mình, ông trồng tới 8 giống vải, như: Phúc Hòa, Hồng Quyết, Bình Khê… để so sánh, đối chứng, chọn lọc các giống phù hợp nhất.
Ông Phạm Thế Quốc (phải) giới thiệu những giống vải. |
Tính đến thời điểm này 42 vườn vải tại Dak Lak đều có dấu ấn của ông Quốc trong việc phát triển và nhân rộng cây vải. Ông Quốc chia sẻ: Cây vải trồng ở Dak Lak so với các tỉnh phía Bắc có lợi thế là thời điểm đậu và chín thường sớm hơn 1 tháng. Mà bí quyết để đạt được điều đó chính là người nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng cây vải và theo dõi tình hình thời tiết. Quả vải lúc chín cần nhiệt độ từ 25 – 350C, do đó, chỉ cần người nông dân làm cây vải ra hoa vào thời điểm cuối tháng 12, thì cây vải sẽ cho ra quả vào tầm tháng 5. Đây cũng chính là bí quyết được giá của vải Tây Nguyên, vải chín trong khung thời vụ từ 1 đến 20-5 (Âm lịch), lúc này vải miền Bắc chưa chín.
Còn tại 3 ha vải của ông Vũ Trọng Luyến, phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ, những ngày này cũng nườm nượp xe ra vào để vận chuyển vải. Năm 1992, ông Luyến đã mang những gốc vải giống từ Hưng Yên vào Dak Lak để trồng thử nghiệm. Thành công ngoài mong đợi, ông Luyến mạnh dạn chuyển đổi những cây cà phê già cỗi, ưu tiên mở rộng diện tích trồng loại vải lai chín sớm, to quả, vị chua ngọt đậm đà mua từ Lục Ngạn, Bắc Giang. Năm 2011, với mùa vải đầu tiên đã cho ông Luyến gần trăm triệu đồng. Sang năm 2012, với 800 cây vải, mỗi ký giá 33.000 đồng, ông đã thu về hơn 1 tỷ đồng. Và mùa vải năm nay, khi gần 1.200 cây vải trên 3 ha vườn rẫy đồng loạt cho thu hoạch, với giá tầm 40.000 đồng/kg, gia đình ông Luyến thu không dưới 2 tỷ đồng/năm.
Nông dân thị trấn Phước An (huyện Krông Pak) thu hoạch vải. |
Trao đổi về đặc tính và sức tiêu thụ của cây vải, một thương lái của chợ đầu mối Thủ Đức cho biết: Vải trên Tây Nguyên được thị trường phía Nam khá ưa chuộng, do chín vào đầu mùa tháng 5, cùi mọng, hương thơm, chất lượng không hề thua kém vải ở miền Bắc. Ông Đoàn Doãn Toản, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Krông Pak thì phân tích: Cây vải là một trong những cây làm giàu cho người nông dân trên địa bàn huyện nhưng cũng là cây khó tính, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc thật tỉ mỉ. Về thị trường, do chín sớm hơn vải miền Bắc nên có nhiều lợi thế về giá giúp bà con phát triển kinh tế. Còn theo ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT cho biết, hiện diện tích cây vải trong toàn tỉnh là 252 ha, cho sản lượng 1.595 tấn/năm; tập trung chủ yếu ở các huyện: Ea Kar, Krông Năng, Krông Pak, Krông Buk, thị xã Buôn Hồ… Do đặc tính của cây vải là khi phân hóa mầm hoa thì cây cần nhiệt độ lạnh; nhưng thời tiết của Dak Lak nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung không ổn định,… đây là một trong những yếu tố hạn chế tính ổn định của cây vải trên cao nguyên. Do đó, người nông dân khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là cây vải cần nghiên cứu kỹ đặc điểm khí hậu từng vùng, cũng như đặc tính và kỹ thuật trồng cây vải để lựa chọn phương án tối ưu nhất.
Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc