Multimedia Đọc Báo in

Nông dân buôn Ea Bhôk làm giàu nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

16:54, 05/06/2015
Buôn Ea Bhôk, xã Ea Bhôk (huyện Cư Kuin) hiện có 179 hộ, 727 khẩu, trong đó có 79 hộ là người dân tộc thiểu số (DTTS). Trong thời gian qua, với việc mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ DTTS nơi đây đã nỗ lực vươn lên làm giàu và có cuộc sống ổn định.

Gia đình Y Nom Niê là một trong những hộ khá giả nhờ nguồn thu nhập từ trồng tiêu, cà phê ở buôn Ea Bhôk. Những năm đầu tiên khi mới chuyển đổi từ trồng hoa màu sang trồng tiêu, cà phê, do chưa nắm được quy luật của thời tiết và điều kiện thổ nhưỡng nên quá trình trồng trọt của gia đình anh Y Nom gặp rất nhiều bất lợi. Sau vài lần thất bại, Y Nom nhận thấy nguyên nhân chính khiến vườn cây phát triển kém là do gia đình chưa nắm được các kiến thức khoa học kỹ thuật, cũng như kinh nghiệm sản xuất để áp dụng vào thực tiễn. Từ đó, anh tìm hiểu các kiến thức khoa học kỹ thuật trên sách báo, tham gia các lớp tập huấn, hội thảo hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây trồng để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Sau một thời gian áp dụng các tiến bộ khoa học, vườn cây của gia đình anh Y Nom luôn phát triển tốt và hiện đã cho thu hoạch năm thứ 3; mỗi năm mang lại nguồn thu nhập gần 250 triệu đồng cho gia đình. Y Nom chia sẻ: “Muốn sản xuất hiệu quả thì người nông dân phải cần cù, chịu khó và trong quá trình sản xuất luôn tuân thủ những quy trình về kỹ thuật, biết cách áp dụng nhiều tiến bộ khoa học để chăm sóc cây trồng”.

Cũng nhờ ham học hỏi, tích lũy kinh nghiệm về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi, gia đình anh Y Doen Mlô đã áp dụng vào mô hình của gia đình khá hiệu quả. Chỉ có 3 sào cà phê trồng xen tiêu, nhưng mỗi năm anh thu được gần 7 tạ tiêu và 2 tạ cà phê. Ngoài ra, gia đình Y Doen còn chăn nuôi 2 con heo mẹ, 7 con lợn thịt, nuôi 2 con bò…; bình quân mỗi năm thu nhập gần 70 triệu đồng.

Ngoài sự nỗ lực vươn lên của các hộ gia đình, chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế như: tổ chức tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng cách giới thiệu những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, hiệu quả kinh tế cao cho bà con áp dụng sản xuất; tổ chức cho các hộ dân đi tham quan, học hỏi nhằm tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức sản xuất. Ông Đào Huy Cường, Trưởng buôn Ea Bhôk cho biết: “Để giúp bà con phát triển kinh tế, Ban tự quản buôn phối hợp với các cấp Hội Nông dân thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng… Từ đó nhiều hộ đã biết cách áp dụng vào mô hình kinh tế của gia đình đã mang lại thu nhập cao. Như gia đình Y Nom, Y Doen đã trở thành những tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu ở buôn”.

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng hợp lý gắn với phát triển chăn nuôi, thu nhập bình quân trên đầu người ở buôn Ea Bhôk đạt gần 32 triệu đồng/người/năm, toàn buôn có 45 hộ khá, giàu. Để các hộ dân trong buôn có điều kiện tìm hiểu, noi gương những hộ có mô hình kinh tế khá giả, vào các buổi họp, Ban tự quản buôn đã dành rất nhiều thời gian để các hộ có dịp trao đổi kinh nghiệm làm ăn với nhau. Đối với những hộ gia đình còn khó khăn, chưa có vốn để sản xuất, buôn cũng đã vận động những hộ gia đình khá giả giúp đỡ về vốn để đời sống của bà con trong buôn được cải thiện hơn.

 Mỹ Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.